Lao động
Gia Lai: Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
06:17 PM 24/02/2022
(LĐXH) – Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh Gia Lai đã có nhiều giải pháp để tăng cường công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cũng như thực hiện tốt chính sách bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Hàng năm, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý và đề nghị xử lý các trường hợp vi phạm trong việc chấp hành quy định ATVSLĐ của các doanh nghiệp. Trong đó, chú ý hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng; tổ chức điều tra TNLĐ nghiêm trọng xảy ra trong quá trình làm việc.
Trong Tháng Hành động về ATVSLĐ, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương và doanh nghiệp đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức hội nghị đối thoại chính sách, hội thảo chuyên đề về ATVSLĐ; triển khai các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, tập huấn, huấn luyện về nghiệp vụ. Trong tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021, các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương đã treo 1.600 băng rôn, 3.500 tờ gấp và các ấn phẩm sách tuyên truyền về ATVSLĐ được phát cho người lao động. Các doanh nghiệp tổ chức 8 cuộc thi tìm hiểu về pháp luật ATVSLĐ và cuộc thi an toàn vệ sinh viên giỏi. Tổ chức 34 lớp huấn luyện về công tác ATVSLĐ với 4.230 lượt người tham gia. Công tác khám sức khỏe định kỳ cho người lao động và đo kiểm môi trường lao động cũng được các doanh nghiệp quan tâm đầy đủ. Nhiều đơn vị đã thực hiện tốt công tác này như: Công ty Thủy điện laly, Công ty TNHH thương mại Sài Gòn-Gia Lai, Truyền tải Điện Gia Lai, Viễn thông Gia Lai, Công ty Điện lực Gia Lai, Công ty Phát triển Thủy điện Sê San, Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên...
Các cấp, ngành trong tỉnh có nhiều biện pháp tăng cường công tác ATVSLĐ, giám sát doanh nghiệp thực hiện đúng chế độ cho người lao động
Thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn các cấp Công đoàn tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về ATVSLĐ cho chủ doanh nghiệp, cán bộ làm công tác ATVSLĐ người lao động. Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ Công đoàn, đội ngũ làm công tác ATVSLĐ tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, doanh nghiệp quan tâm chăm lo đảm bảo bữa ăn giữa ca, chăm lo sức khỏe của người lao động để tái tạo sức lao động, tránh làm việc quá sức dễ xảy ra TNLĐ. Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, các Công đoàn cơ sở tích cực phối hợp với doanh nghiệp chăm lo công tác ATVSLĐ, nhất là cải thiện môi trường làm việc, sức khỏe người lao động thông qua việc thương lượng thỏa ước lao động tập thể có nội dung về chất lượng bữa ăn giữa ca và ATVSLĐ nhằm đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động.
Bên cạnh việc quan tâm thực hiện tốt công tác đảm bảo ATVSLĐ, các cấp, ngành trong tỉnh cũng tuyên truyền để doanh nghiệp chấp hành tốt việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm TNLĐ, BNN, đảm bảo quyền lợi cho người lao động; Thực hiện tốt các chế độ đối với người lao động trong trường hợp không may bị TNLĐ.  Cách đây 3 năm, ông Nguyễn Văn Sáu (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) trong lúc trèo lên mái nhà đội sản xuất đã rơi xuống đất bất tỉnh, bị thương tật 31% và được giải quyết hưởng chế độ trợ cấp 420.000 đồng/tháng. “Cũng may là Công ty đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ nên tôi được hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN”-ông Sáu bộc bạch. Cách đây hơn 1 năm, ông Đinh Xuân Phổ-nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Ia Grai bị TNLĐ mất 43% sức khỏe. Ông tham gia đóng Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN nên được hỗ trợ mọi chi phí điều trị và giám định thương tật để hưởng chế độ về hưu sớm. Ông Phổ nói: “Tôi đang được hưởng tiền trợ cấp trên 1,5 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, tôi giảm bớt khó khăn trong cuộc sống hàng ngày".   
Thực hiện chính sách giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Sở LĐTBXH và các ngành liên quan gửi thông báo đến các doanh nghiệp trên địa bàn để rà soát, thống kê các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn cần hỗ trợ. Đến hết năm 2021, ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai đã hoàn tất các thủ tục, gửi thông báo về số tiền có được do giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN đến các đơn vị sử dụng lao động để hỗ trợ cho người lao động trong tỉnh. Hiện đã có 1.995 doanh nghiệp với 38.097 người lao động được hỗ trợ điều chỉnh giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN với số tiền trên 11,5 tỷ đồng.
Trong đó, thành phố Pleiku có số doanh nghiệp và người lao động được hỗ trợ giảm mức đóng Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN lớn nhất tỉnh với 1.273 doanh nghiệp, hơn 30.000 người lao động được hỗ trợ; tổng số tiền hỗ trợ trên 9,3 tỷ đồng. Chính sách này giúp các doanh nghiệp có thêm phương án, điều kiện chủ động khắc phục khó khăn, hỗ trợ người lao động phòng-chống dịch Covid-19. Là đơn vị có 843 lao động được hỗ trợ giảm mức đóng Quỹ BHTNLĐ-BNN với tổng số trên 468 triệu đồng trong thời gian 1 năm, ông Phan Ngọc Thạch-Trưởng ban Quản lý dự án Công ty Điện lực Gia Lai-cho biết: “Chính sách này giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện ổn định sản xuất, quan tâm đến người lao động".
Thời gian tới, Sở LĐTBXH tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ đến từng đơn vị, doanh nghiệp, người lao động; hướng dẫn cách thức tham gia, giải quyết chế độ chính sách cho các trường hợp cụ thể bảo đảm nhanh chóng, chính xác, đảm bảo quyền lợi cho ngườ lao động…/.
Minh Hiền