Giáo dục - Nghề nghiệp
Gia đình – nhà trường – xã hội trong đồng hành, chia sẻ với học sinh năm học 2019 – 2020
09:07 AM 08/07/2020
(LĐXH) - Nặm học 2019 – 2020 là năm học đầy những diễn biến “dị thường” vì nó diễn gia theo một kịch bản chưa từng có trong lịch sử dạy và học ở nước ta cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19.
Đó là năm học mà các gia đình – nhà trường – xã hội phải thay đổi để tồn tại, đó là học sinh các cấp học nghỉ học ở nhà trong nhiều ngày để chống dịch. Các cơ quan quản lý giáo dục phải đưa ra các giải phát phù hợp để tiếp tục việc dạy và học theo một kịch bản mới. Các cấp chính quyền cũng phải đưa ra các hình thức quản lý để đảm bảo sự an toàn cho xã hội. Lực lượng công an, quân đội và cả hệ thống chính trị cùng phải vào cuộc với một quyết tâm chính trị rất cao là CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của người dân, cộng đồng, công tác phòng chống đại dịch Covid – 19 của Việt Nam đã đạt kết quả rất tốt, vai trò, vị thế và uy tín trong phòng chống đại dịch Covid – 19 được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Đặc biệt nhất là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Chính phủ được nâng lên rất nhiều.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mọi sự thay đổi trong hoạt động dạy và học luôn có tác động trực tiếp đến từng gia đình, xã hội. Thực tế cho thấy ngành Giáo dục và Đào tạo đã tham gia tích cực vào công tác phòng chống đại dịch Covid – 19 với mục tiêu: “ SỨC KHỎE, AN TOÀN CỦA HỌC SINH, SINH VIÊN, GIÁO VIÊN LÀ TRÊN HẾT” với phương châm “ HỌC SINH KHÔNG ĐẾN TRƯỜNG NHƯNG VIỆC HỌC KHÔNG GIÁN ĐOẠN”. Khi học sinh không đến trường, các bậc cha mẹ phải đi làm, việc chăm sóc, dạy trẻ thế nào cho phù hợp với thực tế đòi hỏi mỗi gia đình phải thay đổi. Khi giáo viên không tổ chức dạy học sinh tập trung tại lớp mà phải dạy học trực tuyến qua mạng Internet, dạy học trên truyền hình cũng là việc giáo viên phải thay đổi, trong khi kiến thức về công nghệ thông tin, phương tiện dạy học, hệ thống đường truyền dẫn chưa tương thích … Thêm vào đó, ngành Giáo dục phải thực hiện việc cắt giảm nội dung, chương trình học cho phù hợp với điều kiện thực tế của cuộc sống, nhưng vẫn phải đảm bảo khối lượng kiến thức cốt lõi để học sinh có đủ điều kiện học tập ở các bậc học tiếp theo. Một năm học không có kỳ nghỉ hè, do đó cả các bậc phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, và cán bộ, viên chức, người lao động trong lĩnh vực giáo dục phải thay đổi để cùng nhau đạt mục tiêu đó là đảm bảo số lượng, chất lượng giáo dục phổ thông, đại học, cao đẳng, tạo cơ sở cho việc tuyển sinh ở các cấp học, bậc học tiếp theo trong hệ thống giáo dục quốc gia. Những thay đổi trên cũng là việc các gia đình – nhà trường – xã hội đã làm rất có kết quả trong thời gian qua, nhất định sẽ đạt thành tích trong những tháng còn lại của năm học 2019 - 2020.
Trong khó khăn do tác động của đại dịch Covid, thì cũng là động lực để đẩy nhanh quá trình đổi mới toàn diện trong giáo dục, trong đó có việc dạy và học trực tuyến. Với những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ cho phép các cơ sở giáo dục áp dụng hình thức dạy học trên truyền hình, dạy học trên mạng internet, dạy học trong các phòng zoom. Tuy nhiên cái gì cũng có mặt tích cực và hạn chế nhất định vì tính tương tác giữa người dạy và người học thì máy móc không thể thay thế được vì thiết bị là sản phẩm của trí tuệ con người nghiên cứu để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. 
Giáo dục rất cần tính tương tác giữa người dạy và người học mà học trực tuyến không có được. nh minh họa
Học tập, rèn luyện là cả một quá trình từ thấp đến cao, do đó kết quả học tập hàng năm của con mình qua các năm học các gia đình đều biết. Và học sinh là người hiểu nhất về khả năng, điều kiện của bản thân, gia đình. Có học sinh có học lực khá, giỏi nhưng do điều kiện kinh tế của gia đình thì cũng phải thay đổi mục tiêu phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Có học sinh có điều kiện kinh tế, xã hội rất thuận lợi nhưng do nhiều lý do khác nhau, lực học chưa khá, chưa giỏi thì cũng không có điều kiện để học tiếp ở bậc học cao hơn…. Hiện nay có một thực tế là việc thi chuyển cấp từ bậc tiểu học, trung học cơ sở ở các thành phố lớn có nhiều bất cập vì số lượng cơ sở giáo dục công lập ít do việc xây dựng trường học không tương thích với sự gia tăng dân số do quá trình đô thị hóa nhanh. Học phí tại các cơ sở đào tạo liên kết với nước ngoài, các trường dân lập lại rất cao, con các gia đình nghèo, cận nghèo khó tiếp cận. Đây là khó khăn không thể giải quyết nhanh được. Bên cạnh đó, áp lực của các học sinh các lớp cuối cấp của những năm học trung học phổ thông (THPT). Nhiều học sinh đã trao đổi với tôi: bây giờ thi vào THPT còn khó hơn thi đầu vào đại học, vì hiện nay nhiều trường đại học tuyển sinh bằng hình thức xét điểm học bạ, nên học khá, giỏi là đã có cơ hội học đại học, thậm chí vào học cao đẳng nghề rồi học liên thông lên đại học. Một thực trạng hiện nay là nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm thì thi để học cao học, sau này không phải học nữa… do vậy nên học sinh có nhiều sự lựa chọn cho quá trình lập nghiệp. Kết quả tổng kết các môn học cũng là cơ sở để học sinh tự quyết định việc lựa chọn nghề nghiệp của mình trong tương lai, do đó nhiều học sinh chỉ đăng ký thi với mục tiêu để được xét tốt nghiệp THPT. Trong thực tế có học sinh không thi đỗ đại học đã đi học nghề và lựa chọn hình thức vừa học, vừa làm và có rất nhiều chủ doanh nghiệp cũng thành công nhờ học nghề. Có học sinh không đỗ đại học, cao đẳng ở nhà tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, tham gia nghĩa vụ quân đội, công an. Sau thời gian hoàn thành nghĩa vụ quận sự lại tiếp tục tham gia dự thi và trúng tuyển vào các trường đại học, một số người sau thời gian phục vụ quân ngũ lại chọn binh nghiệp là nghề phục vụ cho cuộc sống của bản thâm, gia đình và nhiều người đã thành danh vì đại học không phải là còn đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. 
Thực tế cho thấy, có một số ông bố, bà mẹ có con học trường chuyên, lớp chọn thường có tâm lý là con mình đã học được trong các lớp chuyên, lớp chọn thì việc thi đủ điểm  vào đại học là điều hiển nhiên, chỉ có điều là chọn trường nào để sau một năm học con mình sẽ có cơ hội được đi du học nước này, nước kia từ ngân sách nhà nước. Nhưng thực tiễn không phải như vậy, có học sinh học trường chuyên, lớp chọn vẫn trượt đại học. Có nhiều học sinh ở vùng nông thôn, cuộc sống gia đình còn khó khăn nhưng vẫn đạt kết quả cao trong các kỳ thi THPT, có em còn là thủ khoa các trường đại học. Hy vọng là quyền của mỗi cá nhân, tuy nhiên do quá kỳ vọng vào các danh hiệu của con nên các ông bố, bà mẹ đã gây áp lực cho chính con mình trong các kỳ thi. Nhiều gia đình con đã thi đạt điểm 8 điểm 9 lại muốn tất các bài thi phải dành điểm tuyệt đối, bố mẹ sẽ dành tất cả những gì tốt nhất cho con, miễn là kỳ thì này phải đạt điểm tối đa nhé… Khi kết quả không được như kỳ vọng là có những hành vì khiến các con bị tổn thương. Hậu quả là nhiều học sinh do không đạt kết quả thi như mong muốn đã mắc bệnh trầm cảm, tâm thần, nhiều em còn bỏ nhà ra đi, thậm chí vi phạm pháp luật, do bế tắc còn có học sinh tự tử.  Dân gian đã có câu: học tài thi phận, nhiều học sinh có lực học giỏi nhưng do những yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em như: ốm đau, tai nạn rủi do gây ra cho gia đình các em trước kỳ thi hay thiên tai bất thường… gây ảnh hưởng trực tiếp đến các em hoặc cộng đồng nơi các em sinh sống cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả thi. Do đó các bậc cha mẹ cần lắng nghe, chia sẻ, đồng hành với các con nhiều hơn, đặc biệt là lúc con chưa thành công trong các kỳ thi thì cần động viên, khuyến khích con cố gắng ở các kỳ thi sau. Cuộc sống có rất nhiều sự lựa chọn, mỗi sự lựa chọn cũng là một kỳ thi. Do đó không ai có thể lo cho con mình tất cả các kỳ thì, môn thi được, nên cách tốt nhất là mỗi cá nhân phải tự lực vươn lên để tự khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình và cộng đồng.
Trước mỗi kỳ thi THPT quốc gia, các bậc cha mẹ đừng gây áp lực cho con trong mùa thi vì chính sự kỳ vọng quá cao của họ vào sự đỗ đạt của con mình nên đã tìm mọi cách để cho con đỗ đạt điểm cao bằng cách vi phạm quy chế thi, vi phạm pháp luật bằng cách  “mua điểm” cho con để trở thành những học sinh có thành tích không đúng với học lực của con mình, khi bị phát hiện các em đã phải hủy kết quả kỳ thi và trả về địa phương. Nhiều cán bộ quản lý, gia đình đã bị xử lý hình sự do hành vi này. Việc các cơ quan bảo vệ pháp luật đưa ra xét xử công khai các vụ án liên quan đến hành vi cố ý gây ra hậu quả nghiêm trọng trong thi tuyển sinh đại học có tác động rất tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong kỳ thi THPT, đảm bảo một mùa thi công bằng cho học sinh. Do những lỗi của các bậc cha, mẹ, người thân, nhiều học sinh đã có được vị trí  trong môi trường đại học nơi đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội. Nay có em đã phải rời khỏi vị trí do ngồi “nhầm chỗ”, lỗi này có thể do gia đình và nhiều nguyên nhân khác… Lúc này cũng rất cần đến sự động viên, chia sẻ của bố, mẹ, xã hội có con đang gặp “cú sốc” trong cuộc sống để các em vượt qua, hòa nhập cuộc sống đế tìm cơ hội khác trong quá trình lập thân, lập nghiệp trong tương lai. 
Gia đình – Nhà trường – Xã hội hãy cố gắng dành những gì tốt nhất, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nơi mình đang sống để các con có đủ sức khỏe, kiến thức văn hóa vững vàng, tinh thần thoải mái vui vẻ bước vào kỳ thi ở từng cấp học, đặc biệt là các gia đình có con, em sẽ tham gia vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 đạt kết quả cao nhất./. 
                                                Nguyễn Ngọc Minh
                  Phó Viện trưởng Viện ASXH và phát triển cộng đồng