Xã hội
Gặp người thương binh được về thủ đô dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ
08:22 AM 24/08/2017
(LĐXH)-Dù ở cương vị nào, thương binh Nguyễn Văn Tuệ cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, sống gương mẫu, luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của người “lính cụ Hồ”.
Một ngày cuối tháng 7/2017, chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình thương binh hạng 3/4, bị nhiễm chất độc hóa học Nguyễn Văn Tuệ, 70 tuổi, ở xóm Trúc Mai, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Nở nụ cười hồn hậu, ông Tuệ khoe: “Tôi vừa vinh dự được tỉnh chọn xuống Hà Nội dự kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, vui và xúc động lắm. Được gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng đội từng vào sống ra chết ở chiến trường Bình Long, Phước Long, Sài Gòn, Thủ Đức…
Dịp này lại được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tặng Bằng khen là người có công với cách mạng tiêu biểu, có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất giai đoạn 2012 – 2017. Thế là đã thỏa lòng mong đợi, tôi chẳng còn ước muốn gì hơn thế nữa”.
Thương binh Nguyễn Văn Tuệ 

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ký ức về những năm tháng hào hùng rực lửa vẫn chưa thể phai mờ trong tâm trí người thương binh già. Sinh ra và lớn lên ở xã An Thịnh, huyện Lương Tài, Bắc Ninh, chàng trai Nguyễn Văn Tuệ lúc bấy giờ hát quan họ hay nức tiếng khiến nhiều “liền chị” mê đắm. Năm 1971, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, người thanh niên xứ Kinh Bắc tạm biệt quê hương vào chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 1973, trong một trận chiến ở Bình Long, ông bị thương vào mắt trái, ảnh hưởng đến sọ não. Sau đó, ông được quân giải phóng cho về điều trị và an dưỡng ở Vàm Cỏ Đông để chuẩn bị đưa ra Bắc.
 Tuy nhiên, trước tình hình chiến sự bước vào giai đoạn quyết liệt, người chiến sĩ, thương binh Nguyễn Văn Tuệ tình nguyện ở lại chiến trường, phục vụ chiến đấu. Ông nhớ lại: “Tháng 3/1973, tôi tham gia trận đánh về Phước Long, chiếm thị xã này. Sau đó được lệnh của đơn vị về đánh thị xã Bình Long, rồi đánh dọc theo Quốc lộ 13 hướng xuống Bình Dương, Bến Cát. Đây là giai đoạn đánh theo chiến dịch. Lúc đó tinh thần của quân ngụy Sài Gòn đã rệu rã nên chúng rút nhanh chóng. Đêm 29 rạng sáng 30 tháng 4 năm 1975, đơn vị chúng tôi đánh chiếm Bộ Tư lệnh Công binh ngụy Sài Gòn. Được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, thống nhất đất nước là niềm vinh dự và không thể nào quên trong cuộc đời của tôi”.
Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1976, thương binh Nguyễn Văn Tuệ được ra Bắc chuyển công tác về Công ty Xây dựng đường 14 (Thái Nguyên). Tại đây, ông bén duyên và nên vợ chồng với người con gái cùng quê là Nguyễn Thị Thường và sinh được 4 người con trai. “Được sự quan tâm của cấp trên, tôi được cử đi học lớp thống kê của Bộ Giao thông vận tải rồi về công tác tại kho thuốc nổ của Xí nghiệp đá Trúc Mai. Năm 1992, Xí nghiệp tinh giản biên chế nên tôi xin nghỉ, một phần do sức khỏe cũng kém. Năm sau, Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Bắc Thái (cũ) cho thành lập Xóm công nhân về hưu, tôi được bầu làm Chi hội trưởng Cựu chiến binh và tham gia Ban thường vụ Hội Cựu chiến binh xã. Năm 2008, tôi được bầu làm Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam của xã La Hiên” – ông kể.
Ông tâm niệm, trong chiến đấu, người chiến sĩ không khuất phục trước kẻ thù thì về địa phương cũng không thể nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, cái đói cái nghèo đeo bám được. Tuy bị thương ở mắt, nhưng ông còn đôi tay, khối óc và bản lĩnh của người lính trên trận mạc. Kiên gan trên mặt trận chống quân thù bao nhiêu thì càng phải anh dũng trong cuộc chiến chống lại đói nghèo, lạc hậu bấy nhiêu. Xóm công nhân Trúc Mai trước kia mới được thành lập điều kiện sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Những hộ gia đình công nhân như ông đều không phải dân gốc bản địa, “lạ nước lạ cái”, con còn bé, sống xa quê nên phải tự mình làm chủ vươn lên.
Thương binh Nguyễn Văn Tuệ chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ tại Hà Nội
Không khuất phục khó khăn, ông đã vận động vợ con, làng xóm tích cực khai hoang, tăng gia sản xuất, chăn nuôi. Vợ chồng ông xoay đủ nghề như nuôi lợn, làm đậu nhưng cuộc sống vẫn chật vật. Nhận thấy đây là vùng đồi núi, đất đá ngổn ngang, không phù hợp cho việc trồng hoa màu, trong khi đó tỉnh giáp ranh Lạng Sơn và vùng lân cận, người dân phát triển kinh tế bền vững với cây na. Vì thế, ông đã bàn bạc rồi cùng người dân trong xóm lặn lội sang tỉnh bạn học hỏi kinh nghiệm, mua giống na về gieo trồng trên chính vùng đất đồi của xóm Trúc Mai.   
Đúng là đất không phụ công người, từ những vùng đất trống, đồi trọc, qua năm tháng với bàn tay và sức vóc của người dân Trúc Mai, trong đó phải kể đến tấm gương “đầu tàu” của người thương binh Nguyễn Văn Tuệ, Xóm công nhân giờ đây được phủ một màu xanh bạt ngàn của na, mít, rau xanh, xen kẽ những lán trại nuôi gà, lợn. Riêng gia đình ông Tuệ trồng 3.000m2 na, cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng một năm. Từ cây na, cây mít, nhiều hộ gia đình ở địa phương đã có cuộc sống ổn định, có điều kiện cho con ăn học đến nơi đế chốn. Với thành tích đó, ông đã được Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh huyện Võ Nhai tặng Giấy khen vì “Đã lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm 2004 – 2009”. Ban đại diện Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyện tặng ông Danh hiệu “Tuổi cao – Gương sáng” tiêu biểu xuất sắc 5 năm 2010 – 2015…
Dù ở cương vị nào, người thương binh Nguyễn Văn Tuệ cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, sống gương mẫu, luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của người “lính cụ Hồ”. Với những cựu chiến binh ở địa phương, ông luôn gần gũi, xây dựng mối đoàn kết thân ái giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, động viên đồng đội vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng xóm làng văn hóa. Là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam của xã, ông thấu hiểu nỗi đau của những nạn nhân. Do đa số nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn đều có độ tuổi tương đối cao, sức khoẻ yếu, nhiều người có con, cháu bị dị tật, không chủ động được trong sinh hoạt hằng ngày, đời sống nhiều hộ còn gặp khó khăn, thiếu thốn. Bởi vậy, ông cùng các thành viên trong Ban chấp hành thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị và nhà hảo tâm trong và ngoài xã quan tâm, chăm lo về cả vật chất lẫn tinh thần cho các nạn nhân. Những khi rảnh rỗi, ông lại tìm đến đồng đội để thăm hỏi động viên, tư vấn họ cách chăm sóc sức khỏe cũng như giúp đỡ kịp thời mỗi khi bệnh tình tái phát. Những hoạt động thiết thực của ông và đồng đội đã góp phần động viên, cổ vũ tinh thần, giúp các nạn nhân chất độc da cam có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
“Điều tôi vẫn trăn trở là bên cạnh những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ chính sách, trên địa bàn xã La Hiên  nói riêng và huyện Võ Nhai nói chung vẫn còn nhiều đối tượng đã tham gia kháng chiến ở vùng đế quốc Mỹ rải chất độc hóa học chưa được hưởng chế độ do bị mất hồ sơ, giấy tờ, rất khó khăn trong việc công nhận. Những trường hợp này cũng rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam, của các  ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để giúp họ ổn định cuộc sống” – ông chia sẻ thêm. Ghi nhận những đóng góp của ông, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Nguyên đã tặng ông Giấy khen do đã hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác Hội.
Giờ đây, người thương binh nhiễm chất độc da cam với 45 năm tuổi Đảng Nguyễn Văn Tuệ đã coi Xóm công nhân Trúc Mai như quê hương thứ hai của mình. Những người con của ông bà đã phương trưởng, người công tác trong quân đội, người làm cán bộ địa phương. Ông bà luôn răn dạy con cháu sống sao cho xứng đáng với những gì thế hệ cha anh đã cống hiến cho Tổ quốc. Chia tay chúng tôi, ông lại xắn tay áo ra vườn để chăm sóc cho những cây na sắp đến ngày thu hoạch. Ngắm vườn na xanh mướt, sai trĩu quả trải dài ngút tầm mắt, những người khách phương xa càng thêm cảm phục ý chí của người lính già dũng cảm./.
Dương Thìn