Xã hội
Gải quyết thách thức, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội toàn dân
08:21 PM 29/06/2022
(LĐXH)- Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc mở rộng phạm vi bao phủ an sinh xã hội ở Việt Nam là làm thế nào tiếp cận được với nhóm bị bỏ sót, những người không có bảo hiểm xã hội hay không nhận được trợ cấp xã hội.
Sáng 29/6, tại Hà Nội, Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Nhận diện những vấn đề về chính sách xã hội để thúc đẩy phát triển bao trùm, toàn diện, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không bỏ ai lại phía sau”. 
Bà Ingid Christensen và TS. Bùi Tôn Hiến đồng chủ trì Hội thảo
Tham dự Hội thảo có TS. Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng viện Khoa học Lao động và Xã hội; bà Ingid Christensen, Giám đốc văn phòng ILO tại Việt Nam; cùng đại diện các Bộ ngành, Tổ chức quốc tế, lãnh đạo Vụ, Cục thuộc Bộ LĐTBXH.
Hội thảo tập trung thảo luận xung quanh 2 chủ đề lớn. Thứ nhất là hệ thống an sinh xã hội toàn diện hướng tới thực hiện nhiệm vụ không để ai bị bỏ lại phía sau. Thứ hai là nhận diện những vấn đề chính sách xã hội và phân tích mối liên quan, tác động đến việc phát triển kinh tế. 
Bảo đảm an sinh xã hội toàn dân
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bùi Tôn Hiến cho biết sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, công tác bảo đảm an sinh xã hội cho người dân đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, cải thiện chỉ số phát triển con người của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế liên quan đến chất lượng lao động việc làm ở Việt Nam còn thấp, thị trường lao động chậm phát triển, giảm nghèo còn chưa bền vững, chênh lêch mức sống giữa các vùng miền còn lớn, phạm vi bao phủ của BHXH còn thấp…
Phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế, TS. Bùi Tôn Hiến cho rằng để hệ thống an sinh xã hội phát triển toàn diện, Việt Nam cần có những cách tiếp cận mới, đột phá, để nhận diện, đưa ra hướng giải quyết vấn đề chính sách xã hội cơ bản thiết thực hơn nữa nhằm thúc đẩy phát triển các chính sách xã hội bao trùm, toàn diện, hương tới đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân.
Theo đó, hệ thống BHXH cần phát triển theo hướng đa tầng, tính toán đóng góp của Chính phủ và người lao động, giảm chênh lệch giữa các số người không đóng BHXH và người đóng BHXH để tăng độ bao phủ. Cùng với đó, phân bổ nguồn lực tài chính phù hợp cho an sinh xã hội cần phải nâng cao so với mức 4% hiện nay, thậm chí mức khuyến cáo là 4-8% GDP, vì đầu tư cho an sinh là đầu tư hiệu quả và dài hạn.
Giải quyết những thách thức
Hội thảo cũng chỉ rõ hiện tại, một trong những thách thức lớn nhất đối với việc mở rộng phạm vi bao phủ an sinh xã hội ở Việt Nam là làm thế nào tiếp cận được với nhóm bị bỏ sót, những người không có BHXH hay không nhận được trợ cấp xã hội. Một kết quả điển hình của khoảng trống trong hệ thống an sinh xã hội là phạm vi bao phủ lương hưu ở Việt Nam còn thấp.
Ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của ILO chỉ ra rằng hiện nay Việt Nam có 16,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH, chỉ 33% trong tổng số lực lượng lao động hơn 50 triệu người. Trong 11,4 triệu người cao tuổi mới chỉ có 4,3 triệu người đang được hưởng lương hưu (2,6 triệu từ BHXH và 1,7 triệu từ bảo trợ xã hội).
Với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực mở rộng bao phủ BHXH thì đến 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhấn mạnh, dù có tiến triển đáng kể nhưng nhiều người Việt Nam chưa được tiếp cận đầy đủ với an sinh xã hội. Việt Nam cần nỗ lực để đảm bảo an sinh cho xã hội, giải quyết thách thức từ các nhóm chính sách bị bỏ sót, những nhóm người làm việc tự do… thuộc nhóm cấp thiết cần tham gia an sinh xã hội.
Trong khi mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội còn nhiều thách thức thì vấn đề những lao động đang tham gia lại rút ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội càng khiến cho hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.
Các chuyên gia quốc tế chỉ ra rằng hệ thống BHXH ở Việt Nam cho phép người lao động thoát khỏi hệ thống và yêu cầu rút BHXH một lần cho tất cả các khoản đóng góp trước đây của họ. Việc ngày càng có nhiều người rút BHXH một lần có thể gây ra hậu quả tiêu cực lâu dài đối với an ninh thu nhập của người lao động, cũng như tính bền vững tài chính của hệ thống.
Theo ông Nuno Cunha, cách hiệu quả nhất để đạt được an sinh xã hội toàn diện là thông qua các phương pháp tiếp cận tích hợp và đa tầng giữa các nhóm người không được hưởng chính sách an sinh xã hội và những người được hưởng chính sách, liên quan đến đóng góp công và cơ chế tài trợ trừ thuế.
Các phương pháp tiếp cận đa tầng là việc thiết kế các chính sách để giải quyết tình huống bất thường về an sinh xã hội thông qua sự kết nối và tích hợp tốt giữa nhóm không đóng góp và nhóm đóng góp tự nguyện, tiết kiệm cá nhân.  
Song song với đó, Việt Nam cần mở rộng đầu tư cho an sinh xã hội, đầu tư tăng cường vào an sinh xã hội có thể trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch tại Việt Nam.
Giám đốc ILO Việt Nam đã chia sẻ ý kiến đóng góp để Việt Nam phát triển hệ thống an sinh xã hội. Theo bà Ingrid Christense, để đạt được mục tiêu lớn và đầy tham vọng là bao phủ an sinh xã hội toàn dân, Việt Nam cần tăng cường liên kết, phối hợp các chính sách an sinh xã hội và các chính sách khác như kinh tế, việc làm,…, việc liên kết các chính sách thành một khối thống nhất về thị trường lao động và xã hội sẽ là bước đi vững chắc giúp Việt Nam thực hiện phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm toàn dân.
Cùng với đó, ILO Việt Nam cam kết cùng sát cánh với Chính phủ Việt Nam, Bộ LĐTB&XH, và các đối tác xã hội khác để thực hiện tầm nhìn chung, giúp Việt Nam đạt được hệ thống an sinh xã hội toàn dân đến năm 2030./.
PV
Từ khóa: an sinh xã hội BHXH bao