Xã hội
Đông Triều: Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
07:44 AM 09/11/2018
(LĐXH) - Trong những năm qua, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho người khuyết tật (NKT) như: hỗ trợ phương tiện, dụng cụ phục hồi chức năng, hỗ trợ dạy nghề tạo việc làm... Nhờ đó đã đem lại sức mạnh và niềm tin giúp NKT có nghị lực vượt qua khó khăn từng bước hòa nhập cộng đồng, vươn lên ổn định cuộc sống.
Trao xe lăn cho người khuyết tật
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Đông Triều có hơn 2.300 NKT, trong đó có khoảng hơn 2.100 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Trong những năm qua, UBND thị xã luôn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường thực hiện tốt công tác Bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật trên địa bàn thị xã. Không chỉ chăm lo đến phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, công tác bảo trợ xã hội luôn được thị xã triển khai với hàng loạt hoạt động, vận động xã hội hóa, kêu gọi các nhà hảo tâm cùng vào cuộc như: phát học bổng, tặng nhà tình thương, trao xe lăn... Cùng với đó, thị xã còn hỗ trợ việc thành lập và hoạt động các tổ chức tự lực của người khuyết tật về dạy nghề, sản xuất kinh doanh tạo việc làm, các hoạt động văn hóa, tinh thần, trong đó phải kể đến là Câu lạc bộ Người khuyết tật thị xã Đông Triều.
Là một trong những tổ chức xã hội tự nguyện của NKT đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh, Câu lạc bộ (CLB) Người Khuyết Tật thị xã Đông Triều được thành lập với mục đích cùng nhau chia sẻ, giao lưu, học hỏi, động viên, khuyến khích và giúp đỡ NKT tham gia lao động phù hợp với khả năng của bản thân, từ đó giúp họ xóa đi những mặc cảm, thêm tự tin và yêu cuộc sống. Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, CLB đã thu hút được ngày càng nhiều thành viên tham gia (hiện đã có gần 80 người) và thể hiện rõ vai trò là điểm tựa sinh kế cho những NKT trên địa bàn.
Chị Nguyễn Hải Yến, Chủ nhiệm CLB Người khuyết tật TX Đông Triều, hướng dẫn các thành viên cách đan hạt gỗ mỹ nghệ
Chị Nguyễn Hải Yến, Chủ nhiệm CLB NKT thị xã Đông Triều cho biết: Trên địa bàn thị xã hiện có khoảng trên 1.700 NKT đang sinh sống. Đa phần trong số họ đều cảm thấy mặc cảm, tự ti về bản thân và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là không có công ăn việc làm ổn định để nuôi sống bản thân cũng như gia đình. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập CLB NKT thị xã vào năm 2014, chị đã ấp ủ ý tưởng sáng lập một xưởng dạy nghề cho NKT để tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng của mình, có nghề nghiệp kiếm thêm thu nhập. Sau thời gian dài nghiên cứu và tìm hiểu, chị cùng các thành viên trong CLB đã đi đến quyết định xây dựng xưởng dạy nghề cho NKT trên địa bàn với tổng kinh phí khoảng 600 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Đầu năm 2017, xưởng được hoàn thiện và chính thức đi vào hoạt động. Với diện tích 300m2, xưởng được chia làm 3 khu: Điều hành, tiếp khách và dạy nghề. Sau khi xưởng dạy nghề đi vào hoạt động, Ban chủ nhiệm CLB đã lựa chọn những thành viên nhanh nhẹn, có năng khiếu học nghề, làm nòng cốt trong việc truyền nghề. Thời gian đầu, CLB tổ chức dạy nghề làm hoa đá pha lê. Tuy nhiên do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm nên chỉ sau một thời gian ngắn, CLB chuyển sang làm nghề thủ công mỹ nghệ từ hạt gỗ hương. CLB đã cử một số thành viên lên Hà Nội để học nghề trong vòng 1 tháng, sau đó về truyền nghề cho những người khác. Rất đáng mừng là sản phẩm sau khi làm ra đạt yêu cầu, được HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng (Hà Nội) hỗ trợ tiêu thụ và cung cấp nguyên liệu. Từ những ý kiến phản hồi của khách hàng, CLB đã tiếp thu, cải thiện mẫu mã cho phù hợp với nhu cầu sử dụng và hiện đang triển khai làm thêm sản phẩm tấm lót bằng hạt gỗ phục vụ các bệnh nhân trong bệnh viện. Tháng 4/2018, sản phẩm hạt gỗ của CLB đã được trưng bày tại hội chợ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tổ chức.
Trong thời gian tới, UBND thị xã Đông Triều sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan tổ chức liên quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước đối với người khuyết tật và trẻ mồ côi nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người dân về quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật, từ đó để có những việc làm và hành động thiết thực chăm lo cho người khuyết tật. Đặc biệt, sẽ phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh và các nhà hảo tâm tổ chức các hoạt động tài trợ, giúp đỡ, chăm sóc những đối tượng người khuyết tật và trẻ mồ côi; tích cực hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật còn có khả năng lao động để giúp họ cải thiện đời sống, hòa nhập tốt với cộng đồng./.
Cảnh Minh