Xã hội
Đồng Tháp: Quan tâm chăm sóc người khuyết tật
05:02 PM 24/04/2018
Công tác chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật (NKT) hòa nhập cộng đồng (HNCĐ) luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh Đồng Tháp quan tâm thực hiện. Bằng những việc làm thiết thực, NKT đã được tiếp thêm nghị lực, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Công tác chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật (NKT) hòa nhập cộng đồng (HNCĐ) luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh Đồng Tháp quan tâm thực hiện. Bằng những việc làm thiết thực, NKT đã được tiếp thêm nghị lực, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Tháp
Toàn tỉnh hiện có 20.871 NKT. Trong đó, có 14.254 NKT nặng và 4.740 NKT đặc biệt nặng. Thời gian qua, ngoài được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước, những NKT trên địa bàn tỉnh còn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng  xã hội. Theo đó, NKT được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: học văn hóa, học nghề, khám chữa bệnh và phục hồi chức năng, được trợ giúp pháp lý, được hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ xe lăn, xe lắc, hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh... Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã vận động cấp thẻ bảo hiểm y tế  cho trên 60.000 NKT; khám, chữa bệnh cho trên 100.000 lượt người; hỗ trợ xe lăn, xe lắc trên 3.500 chiếc;... Qua đó, động viên, khuyến khích NKT từng bước vượt qua khó khăn, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Công tác chăm sóc NKT trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chính sách đối với NKT của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của NKT được cải thiện đáng kể. NKT có thêm cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, phát huy khả năng và tự lực trong cuộc sống. Điển hình như  Phạm Thị Hồng Yến ở khóm 1, phường 3, TP. Sa Đéc bị sốt bại liệt từ nhỏ, hai chân co quắp, không đi lại được, kinh tế gia đình chị Yến vô cùng khó khăn. Được sự quan tâm, động viên của gia đình, chính quyền, đoàn thể địa phương, chị Yến đã tự tin tham gia học vẽ và học nghề thêu, sau khi học nghề, chị Yến nhận thêu trang phục  tại nhà để kiếm thêm thu nhập, tiền công mỗi ngày được 200 - 300 ngàn đồng, giúp chị có điều kiện chăm lo cho gia đình.
Anh Trần Trọng Hữu, (SN 1987) ở xã Mỹ Tân, TP. Cao Lãnh, năm 10 tuổi bị mù hai mắt khiến anh luôn tự ti. Nhiều năm liền, anh Hữu chỉ quẩn quanh trong nhà, ít giao tiếp với bên ngoài. Được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, Hội Người Mù TP.Cao Lãnh, anh được giới thiệu học nghề xoa bóp. Hiện nay, anh đã vượt qua mặc cảm, hòa nhập cộng đồng. Nhờ Hội Người mù TP.Cao Lãnh xét cho vay 10 triệu đồng, anh có điều kiện mở cơ sở xoa bóp tại nhà, tự tạo việc làm ổn định cuộc sống.
Vợ chồng anh Huỳnh Đông Xuân và Đặng Thị Vân ở TP.Cao Lãnh cũng bị mù, nhưng với nghị lực “tàn nhưng không phế”, anh chị đã học nghề xoa bóp, được Hội Người mù TP.Cao Lãnh hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 20 triệu đồng, anh chị thuê mặt bằng mở cơ sở làm nghề xoa bóp tại phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh, với thu nhập mỗi tháng gần 8 triệu đồng, có tiền nuôi con đi học...
Với sự giúp sức của các ban, ngành, đoàn thể, nhiều NKT không những tự tạo việc làm mà còn giúp NKT có việc làm ổn định cuộc sống. Chị Đặng Thị Vân tâm sự: “Những NKT đừng ngại khó khăn và đừng sợ mình cô độc, bởi vẫn còn rất nhiều người bên cạnh. Cũng đừng bao giờ ngừng cố gắng, vì chỉ có cố gắng mới giúp chúng ta vượt lên số phận để làm người có ích cho xã hội, ổn định cuộc sống của mình”.

Tập huấn tin học cho cán bộ Hội Người mù trên địa bàn tỉnh
Như trường hợp của Nguyễn Thị Tuyết Nhung ở xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, mới sinh ra được 4 tháng đã bị mù hai mắt, nhưng với nghị lực phi thường, Nhung đã vượt qua nghịch cảnh lên TP.Hồ Chí Minh học chữ nổi (Braille) và học tin học, rồi trở về hoạt động tại Đồng Tháp với vai trò là Chủ tịch Hội Người mù TP.Cao Lãnh. Từ một NKT, Nhung đã vượt qua mọi khó khăn để tự khẳng định mình, trở người có ích cho bản thân, cho xã hội. “Hạnh phúc của người khiếm thị nói riêng và NKT nói chung là được làm việc, được sống hòa nhập với mọi người” - Tuyết Nhung chia sẻ.
Ông Cao Minh Khuyến, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ NKT là hoạt động có ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc. Do đó không chỉ nhân dịp kỷ niệm Ngày NKT Việt Nam (18/4),  Ngày Quốc tế NKT (3/12) mà NKT trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của các ngành, các cấp và toàn xã hội. Với tinh thần “tương thân tương ái” cùng chăm lo của cộng đồng, xã hội đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực để NKT vươn lên, hòa nhập cộng đồng”.
Để tiếp tục tổ chức có hiệu quả các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ NKT, thời gian tới, các ngành, các cấp tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về NKT nhằm nâng cao nhận thức; xác định trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác chăm sóc, giúp đỡ NKT. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về lòng nhân ái, bao dung, không phân biệt đối xử, chia sẻ, giúp đỡ NKT có cơ hội hòa nhập tốt với cộng đồng.
Theo Báo Đồng Tháp