Lao động
Đồng Tháp: Khôi phục việc làm và hỗ trợ người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
03:35 PM 26/10/2021
(LĐXH) - Trong tháng 10/2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng với UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường triển khai, phối hợp thực hiện các phiên Giao dịch việc làm (GDVL), tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động; góp phần tạo điều kiện cho người lao động, học viên, sinh viên tiếp cận với các doanh nghiệp, công ty trong, ngoài tỉnh tìm kiếm cơ hội việc làm, phục hồi kinh kế sau dịch Covid-19
Triển khai nhiều giải pháp linh hoạt
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trong, ngoài tỉnh và lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng cần hơn 37.000 lao động. Các lĩnh vực cần lao động chủ yếu là ngành may, chế biến thủy sản, cơ khí, giày da... Đối với lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, nhu cầu các công ty, nghiệp đoàn cần tuyển hơn 1.000 lao động lĩnh vực sắp xếp hành lý sân bay, đóng gói, linh kiện ô tô, làm mộc, ép nhựa, nông nghiệp... Tại các huyện, thành phố trong tỉnh, hiện nay, các công ty, doanh nghiệp cũng khởi động lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vì vậy công ty đã thông báo về việc tuyển dụng lao động với các chính sách ưu tiên đối với các đối tượng người lao động từ các chế độ theo quy định đến các chế độ ưu đãi lương, thưởng...
Đồng Tháp là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19
Để hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp, nghiệp đoàn tham gia hoạt động giới thiệu việc làm cho người lao động tại Đồng Tháp, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành liên quan hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định, hướng dẫn để công ty, doanh nghiệp cùng tham gia phiên GDVL và tuyển dụng lao động tại Đồng Tháp. Đáp ứng nhu cầu tuyển dụng từ các công ty, doanh nghiệp, nghiệp đoàn, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, Phòng LĐ-TB&XH huyện Cao Lãnh tổ chức phiên Giao dịch việc làm tại thị trấn Mỹ Thọ, dành riêng cho các đối tượng có nhu cầu tìm việc làm, học nghề, tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Em Nguyễn Phú Quý ngụ khu dân cư thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh cho biết: “Trước đây, em đi làm tại tỉnh Bình Dương, 5 tháng nay thì em về quê, hiện nay, em có nhu cầu đi làm việc trong tỉnh chứ không muốn đi làm xa, nghe thông báo có phiên Giao dịch việc làm nên em tham gia để đăng ký. Phiên GDVL tổ chức tại huyện rất tiện cho em, những thắc mắc về việc làm em có thể hỏi để nhờ giải đáp luôn...”. Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát nhu cầu nguyện vọng của người lao động, tổ chức kết nối với các doanh nghiệp, công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động tuyên truyền thông tin về nhu cầu việc làm tại địa phương. Đồng thời kết hợp tuyên truyền vận động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tổ chức thăm, động viên các ứng viên đang và hoàn thành chương trình giáo dục định hướng, thân nhân người lao động có con em đang học giáo dục định hướng an tâm học tập; hỗ trợ hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục trong thời gian chờ xuất cảnh.
Dự kiến, trong những tháng cuối năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ tổ chức 19 phiên GDVL. Trong đó tại trung tâm 7 phiên và tổ chức 12 phiên GDVL về chuyên đề đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động của công ty trong và ngoài tỉnh và các nghiệp đoàn rất lớn vì vậy để kết nối và chuyển cơ hội việc làm cho người lao động, trung tâm tổ chức các hoạt động tư vấn trực tiếp cho người lao động thông qua các nhóm Zalo, Facebook, trực tiếp tại trung tâm và tại phiên GDVL.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB&XH phối hợp kết nối với các công ty, doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm cho đối tượng học viên, sinh viên đã hoàn thành thời gian học tại trung tâm, phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện các chương trình liên kết đào tạo nghề theo địa chỉ, hỗ trợ tiêm vắc-xin cho đối tượng người lao động và triển khai các chính sách liên quan đến quyền lợi cho người lao động. Tiếp tục tham mưu và hướng dẫn các công ty, nghiệp đoàn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tham gia phỏng vấn, tuyển dụng lao động. Duy trì các hoạt động tuyển sinh, đào tạo lý thuyết bằng hình thức trực tuyến. Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phỏng vấn với các đối tác nghiệp đoàn Nhật Bản, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao để hỗ trợ nghiệp đoàn khi có nhu cầu tuyển dụng. Phối hợp cùng chính quyền địa phương mở các lớp nghề nông thôn tạo việc làm tại chỗ cho người lao động trong thời gian nhàn rỗi..
Gấp rút hoàn thành gói hỗ trợ từ Quỹ BHTN
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ người lao động quay lại thị trường lao động, tỉnh Đồng Tháp còn đẩy mạnh công tác chi trả gói hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), UBND tỉnh, lãnh đạo BHXH Đồng Tháp đã quán triệt và chỉ đạo các phòng nghiệp vụ cũng như BHXH các huyện, thành phố sẵn sàng vào cuộc thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cụ thể, trên cơ sở nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin, mã định danh của từng người tham gia BH thất nghiệp, để xác định chính xác số liệu NLĐ và người SDLĐ thuộc diện được hỗ trợ và thời gian tham gia BH thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp làm căn cứ tính mức hỗ trợ cho NLĐ; chuẩn bị nguồn kinh phí để phục vụ việc triển khai, chi trả các chính sách hỗ trợ được kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Tính đến ngày 21/10/2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận chi trả cho 23.162 người lao động (NLĐ) với số tiền hơn 56 tỷ đồng theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BH thất nghiệp.
Người lao động tìm việc tại Trung tâm DVVL tỉnh
Chị Nguyễn Ngọc Bích, ngụ phường Hòa Thuận, Thành phố Cao lãnh đã nghỉ việc tại công ty vừa đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng, còn bảo lưu 01 tháng thất nghiệp chưa hưởng nên chị vừa được nhận 1.800.000 đồng từ gói hỗ trợ Covid-19 từ Quỹ BHTN, chị vui mừng cho biết: “Không ngờ là mình được hưởng thêm số tiền này, chỉ tưởng là chỉ hưởng trợ cấp thất nghiệp thôi, BHTN đã kịp thời giúp gia đình chị khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống sau đại dịch”
Theo số liệu thống kê, từ ngày 01/10 đến nay số người được tiếp nhận giải quyết chế độ trợ cấp trong toàn tỉnh là 24.513 người, trong đó, số lao động đang tham gia là 21.530; số đã dừng tham gia là 2.983; đã có 23.162 NLĐ được cơ quan BHXH chi trả tiền hỗ trợ, với tổng số tiền hơn 56 tỷ đồng. Dự kiến, BHXH tỉnh sẽ chi hỗ trợ cho khoản 86.930 lao động đóng BHTN bị ảnh hưởng Covid – 19 được hỗ trợ từ quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116/2021/NQ-CP.Trong đó, số lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 60.019 lao động; người lao động ngừng đóng BHTN trong tỉnh là 21.528 lao động và ước khoảng 5.382 (20%) lao động ngừng tham gia BHTN ngoài tỉnh có hộ khẩu tại Đồng Tháp. Số kinh phí ước tính được chi hỗ trợ khoản 205 tỷ đồng.
Theo qui định, thời gian hoàn thành việc chi hỗ trợ cho người lao động chậm nhất là ngày 31/12/2021. Theo đó, đơn vị nộp Danh sách người lao động có thông tin đúng, đủ đề nghị hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg - mẫu 02 hoặc Danh sách người lao động đề nghị điều chỉnh thông tin hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg – mẫu 03 (nếu có) cho cơ quan BHXH trước ngày 10 tháng 11 năm 2021.
Đối với người lao động đã ngừng tham gia BHTN, nộp Đề nghị hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg - mẫu số 04 cho cơ quan BHXH chậm nhất ngày 20/12/2021. Trước đó, BHXH tỉnh cũng đã thực hiện giảm được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ BH thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ 01/10/2021 đến 30/9/2022) cho khoảng 60.750 NLĐ, với tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng cho 1.100 đơn vị SDLĐ.
Nhằm kịp thời chỉ đạo thông suốt gói hỗ trợ, BHXH tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chi trả trợ cấp của BHXH các huyện, thành phố; đồng thời chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, để có giải pháp kịp thời, tránh sai sót, nhầm lẫn trong quá trình thực hiện, cảnh báo lạm dụng, trục lợi chính sách…
Gói hỗ trợ lần này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chủ động, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với NLĐ và đơn vị SDLĐ đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với quan điểm là làm sao triển khai hỗ trợ một cách nhanh nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách BH thấy nghiệp, đảm bảo hài hòa nguyên tắc chia sẻ, nguyên tắc đóng-hưởng cũng như nguyên tắc công bằng, đảm bảo an sinh xã hội.
Khánh Quyên