Xã hội
Đồng Nai tập trung nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững
02:14 PM 09/09/2020
(LĐXH) – Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững tỉnh Đồng Nai luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân và chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành cùng với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, các mạnh thường quân,…. Nhờ đó, các chế độ, chính sách của Chương trình được triển khai đầy đủ, mang lại hiệu quả thiết thực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và góp phần ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tặng bò cho hộ nghèo để vươn lên thoát nghèo tại Đồng Nai là cách làm được các địa phương đánh giá hiệu quả trong công tác GN bền vững

Nhiều chính sách phát huy hiệu quả

 

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đồng Nai, tính đến đầu năm 2020, toàn tỉnh Đồng Nai có 5.500 hộ nghèo tiếp cận đa chiều theo tiêu chí của tỉnh, (trong đó có 630 hộ đồng bào dân tộc thiểu số), chiếm 0,64% so với tổng hộ dân và 5.755 hộ cận nghèo tiếp cận đa triều theo tiêu chí của tỉnh (trong đó, có 757 hộ đồng bào dân tộc tiểu số), chiếm tỷ lên 0,66% so với tổng hộ dân. Theo kế hoạch, năm 2020 sẽ giảm 0,19% tỷ lệ hộ nghèo (tương ứng giảm 1.900 hộ); riêng các huyện vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ hộ nghèo cao giảm từ 0,5- 0,8%.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã tham mưu UBND ban hành nhiều Quyết định về công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh ban hành Kế hoạch số 33/KH-BCĐCTMTQG ngày 28/2/2020 về kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2020, giai đoạn 2019-2020 và Chương trình công tác số 02/CT.BCĐCTMTQG ngày 28/02/2020 về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2020. Căn cứ nghị Quyết của cấp ủy, UBND các cấp huyện, thành phố đã ban hành nhiều nhiều kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện các chính sách, dự án thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhằm hỗ trợ cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Sở LĐ- TB&XH đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành 21 Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí. Qua đó, các đơn vị, địa phương đã có sự chủ động, quyết liệt trong việc chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp xây dựng kế họach và phối hợp với Bưu điện để thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Việc áp dụng chi trả hỗ trợ theo hệ thống bưu điện đã  tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát đồng bộ từ chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh chưa nhận được đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chi trả hỗ trợ các đối tượng nói chung và hộ nghèo, hộ cận nghèo nói riêng.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, toàn tỉnh đã có tổng cộng 31.350 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được nhận hỗ trợ với số tiền 23.500.750.000 đồng (Trong đó có 8.984 người thuộc hộ nghèo với số tiền 6.733.250.000 đồng và 22.366 người thuộc hộ cận nghèo với số tiền 16.767.500.000 đồng). Hiện nay các địa phương đang tiến hành thủ tục thanh quyết toán với Bưu điện và Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

 

Mô hình trồng thanh Long được Đồng Nai triển khai tại một số địa phương giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững

Đẩy mạnh nhiều hoạt động lồng ghép

 

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, bên cạnh hỗ trợ kịp thời cho các hộ nghèo, cận nghèo do ảnh hưởng COVID-19, 6 tháng đầu năm, Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn còn thực hiện nhiều chính sách và dự án như: Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới. Trong 6 tháng đầu năm, Chương trình đã bổ sung 10.000 triệu đồng từ ngân sách tỉnh vào nguồn quỹ ủy thác của địa phương để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn làm kinh tế. Tính đến nay, đã có 1.400 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được quỹ ủy thác của các địa phương hỗ trợ cho vay vốn, bình quân mức vay là 42,8 triệu đồng/hộ (trong đó có 132 hộ được vay số tiền từ 50-100 triệu đồng) để sản xuất – kinh doanh, phát triển kinh tế. Qua thực hiện chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất – kinh doanh giúp họ nhanh ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, Chương trình đã mua và cấp 36.421 thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí cho người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ mới thoát nghèo theo quy định với số tiền 14.547 triệu đồng. Hỗ trợ tiền ăn và chi phí khám chữa bệnh cho 1.865 lượt đối tượng với số tiền hơn 273 triệu đồng; Hỗ trợ cho 9.434 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với kinh phí hơn 3.218 triệu đồng.

Ngoài ra, Dự án đã hỗ trợ tiền điện cho cho 5.469 hộ nghèo với số tiền hơn 1.839 triệu đồng; nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở tài chính đã phân bổ kinh phí 5.400 triệu đồng và hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng và thực hiện dự án. Trong 6 tháng đầu năm 2020 đã triển khai, thực hiện 06 dự án chăn nuôi dê, bò thuộc các huyện, thành phố như: Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Long Khánh và Xuân Lộc (trong đó huyện Xuân Lộc có 02  dự án) với 217 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của 25 xã, phường, thị trấn tham gia. Tổng kinh phí thực hiện 06 dự án là hơn 4.602 triệu đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 2.283 triệu đồng, còn lại là kinh phí của các hộ tham gia dự án.

Mô hình nuôi dê đem lại hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững được tỉnh Đồng Nai nhân rộng tại các địa phương

Theo ông Huỳnh Văn Tịnh – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, các dự án được triển khai đều xuất phát từ nhu cầu của hộ tham gia và nhu cầu thị trường với sự tư vấn của Ban quản lý dự án về điều kiện đất đai, phí hậu,… Việc triển khai, thực hiện dự án đều tuân thủ theo các quy định của địa phương và được các hộ tham gia hưởng ứng nhiệt tình,   nên việc triển khai được thuận lợi và thời gian đúng kế hoạch. Hiện các địa phương đã phê duyệt, tổ chức tập huấn, kiểm tra chuồng trại và đang bàn giao con giống cho các đối tượng tham gia dự án.

Bên cạnh những hoạt động trên, ông Huỳnh Văn Tịnh cho hay, dịp Tết Nguyên đán Canh tý năm 2020, Chương trình Giảm nghèo bền vững tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ cho hơn 7.828 triệu đồng cho 5.469 hộ nghèo và 5.748 hộ cận nghèo. Trong 6 tháng, Chương trình cũng tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép khác như: xây dựng và bàn giao 04 căn nhà đại đoàn kết cho 4 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 300 triệu đồng. Số tiền trên do UBND thành phố Hà Nội tặng tỉnh Đồng Nai để thực hiện chính sách an sinh xã hội (UBND Thành phố Hà Nội đã tặng tỉnh Đồng Nai 03 tỷ đồng để xây dựng 40 căn nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, trong năm 2020). Bên cạnh đó, Quỹ “Vì người nghèo” của toàn hệ thống Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã vận động được hơn 8.554 triệu đồng.

Theo đó, hỗ trợ xây mới và bàn giao 66 căn nhà đại đoàn kết (bình quân 50 triệu đồng/căn) và sửa chữa 21 căn nhà cho hộ gia đình nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, từ Tết Nguyên đán đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn tổ chức thăm và  tặng 9.964 phần quà, trị giá 4.716 triệu đồng cho các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn đột xuất; tặng 99 suất học bổng trị giá hơn 83 triệu đồng cho học sinh nghèo; hỗ trợ khám chữa bệnh cho 81 hộ nghèo; hỗ trợ đột xuất cho 138 hộ khó khăn; hỗ trợ vốn cho 32 hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Chương trình giảm nghèo tỉnh Đồng Nai còn phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Số lao động sau khi học nghề từ sự hỗ trợ của Chương trình đều đã tự tạo được việc làm hoặc tìm được việc làm. Được biết, bên cạnh những hỗ trợ trên, thời gian qua, Chương trình còn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ lắp đặt 650 bộ đầu thu truyền hình số vệ tinh DTH cho 650 hộ nghèo, hộ cận nghèo của 02 huyện Tân Phú và Vĩnh Cửu với số tiền khoảng 617 triệu đồng.

Theo ông Huỳnh Văn Tịnh – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, qua chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của chính quyền các cấp nhiều chính sách, dự án thuộc Chương trình Giảm nghèo bền vững của tỉnh đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020 do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên một số hoạt động thuộc Chương trình, dự án phải chuyển qua thực hiện vào quý III và quý IV năm 2020. Qua đó, 6 tháng cuối năm Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND chỉ đạo điều hành Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững năm 2020. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế,… Song song đó, tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất tăng thu nhập, ổn định kinh tế sớm vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Đăng Hải