Xã hội
Đồng Nai: Mô hình nuôi dê giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo
01:50 PM 21/09/2020
(LĐXH) - Những năm qua, Chương trình Giảm nghèo của huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đông Nai đã hỗ trợ vốn ban đầu để nhiều hộ nghèo và hộ cận nghèo phát triển chăn nuôi dê, bò gà,… Trong đó, mô hình hỗ trợ dê giống ban đầu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nuôi đã từng bước mang lại hiệu quả tích cực, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần vào phát triển kinh tế chung của địa phương.
Bà Phạm Thị Mãi đang chăm sóc bầy dê hơn 50 con lớn nhỏ của gia đình

Thoát nghèo nhờ nuôi dê

Được giới thiệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, chúng tôi gặp đồng chí Võ Tình, cán bộ Phòng Lao đông – Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Mỹ. Mặc dùng khá bận với các chương trình, dự án,… của phòng nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề muốn tìm hiểu viết bài về mô hình nuôi dê thuộc Chương trình quốc gia Giảm nghèo bền vững (Chương trình Giảm nghèo) của huyện Cẩm Mỹ, đồng chí Võ Tình nhiệt tình giới thiệu và cùng đoàn xuống xã Bảo Bình (xã nông thôn mới). Cung đường từ trung tâm huyện Cẩm Mỹ tới xã Bảo Bình tuy xa, có nhiều đoạn cua gấp nhưng bù lại mặt đường được thảm nhựa khá bằng phẳng, uốn lượn quanh những vườn cây trái xanh tốt của người dân, mọi người trong xe chúng tôi đều thấy rất thoải mái và cảm nhận được sự bình an ở một vùng nông thôn của huyện miền núi này đang đổi mới từng ngày, vươn lên làm giầu.

Không vào UBND xã, bởi ông Lý Ngọc Sơn, cán bộ giảm nghèo của xã Bảo Bình đón chúng tôi trên đường đi và đưa tới thẳng hộ gia đình anh Liều Lý Cỏng, ấp Tân Bình, xã Bảo Bình. Đây là một trong những hộ nghèo và cận nghèo của địa phương này được xét nhận dê giống của Chương trình Giảm nghèo bền vững của huyện Cẩm Mỹ. ”Giai đoạt 2016- 2020 xã Bảo Bình được chọn tham gia 02 dự án của Chương trình Giảm nghèo. Cả hai dự án đều phát triển mô hình nuôi dê. Khi tham gia dự án, các hộ nghèo và hộ cận nghèo được tham dự lớp tập huấn 3 tháng do huyện mở về kiến thức chăn nuôi dê. Đồng thời được cán bộ của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Mỹ cho đi thăm quan các mô hình nuôi dê hiệu quả trong tỉnh Đồng Nai. Đến nay nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo từ mô hình nuôi dê này. Một số hộ thấy mô hình nuôi dê hiệu quả đã vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách huyện để mở rộng chuồng trại. Đến thời điểm này có nhiều hộ làm ăn hiệu quả được vay vốn tới 80 triệu đồng để đầu tư phát triển mô hình nuôi dê và phát triển kinh tế gia đình”: ông Sơn tranh thủ thông tin cho chúng tôi trước khi tới nhà anh Cỏng.

Rất may, khi chúng tôi tới cũng đúng lúc vợ chồng anh Liều Lý Cỏng mới đi cắt cỏ về tới ngõ. “Sáng nay trời không mưa hai vợ chồng tôi tranh thủ đi cắt cỏ sớm để kịp về cho dê ăn, đỡ phải ăn thêm cám”: anh Cỏng cho hay trong khi vẫn giúp vợ đẩy xe cỏ đầy đến chuồn nuôi dê sinh sản của gia đình. Qua giới thiệu từ ông Sơn, biết chúng tôi muốn tìm hiểu về mô hình nuôi dê thuộc Chương trình Giảm nghèo của huyện, anh Cỏng chia sẻ, anh bị khuyết tật từ nhỏ, đôi chân rất yếu nên đi lại gặp nhiều khó khó khăn. Trước kia công việc kiếm tiền bên ngoài đều do một mình vợ anh đảm đương. Một mình vợ anh đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi con, nuôi chồng nên hoàn cảnh gia đình luôn thiếu trước, hụt sau. Thấy gia cảnh vợ chồng anh quá khó khăn, năm 2018 cán bộ ấp mới đề nghị lên xã để xin hỗ trợ vốn nuôi dê. Được Chương trình Giảm nghèo của huyện xét duyệt và hỗ trợ cho 4 con dê (3 con cái và 1 con đực) để nuôi phát triển kinh tế. Nhưng trước khi được nhận dê về nuôi gia đình phải làm chuồn trại cho dê. Làm xong báo cán bộ ấp, cán bộ xã, cán bộ huyện tới kiểm tra thấy chuồng nuôi dê đạt chuẩn theo quy định mới cho đi nhận dê về nuôi.

Bà Mãi giới thiệu với ông Lý Ngọc Sơn về vườn mãng cầu Thái.

“Từ ngày được nhận 4 con dê làm vốn phát triển kinh tế vợ chồng tôi rất mừng, bảo nhau cố gắng chăm sóc thật tốt cho chúng. Hàng ngày hai vợ chồng cùng nhau đi cắt cỏ ở rừng về cho dê ăn. Dê lớn nhanh, cỏ cắt ngoài rừng về dê ăn không đủ, phải cho ăn thêm cám. Ăn cám dê lớn nhanh nhưng chi phí cao nên vợ chồng quyết định trồng thêm cỏ ở khu rẫy (ruộng) của nhà. Hiện cỏ trong ruộng của nhà đã cung cấp đủ cho 30 – 40 con dê ăn hàng ngày. Cám chỉ để vỗ béo cho đàn dê thịt”: anh Cỏng kể. Thấy nuôi dê không khó lại có lãi khá cao nên hai vợ chồng anh Cỏng bàn nhau vay thêm 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách huyện để phát triển thêm đàn dê. Hiện hai vợ chồng anh và vợ chồng cô con gái ở cùng với bố mẹ đang nuôi gần 40 dê sinh sản và 20 dê thịt. Mỗi con dê thịt đã nặng khoảng gần 30 kg. Anh Cỏng cho biết, mỗi năm riêng dê thịt hộ nhà anh xuất bán được 2 đợt khoảng 40 con. Khi được giá, mỗi con dê thịt có giá bán 3,5 - 4 triệu đồng. Chỉ tính riêng tiền bán dê thịt, đã trừ hết chi phí như tiền giống, tiền chăm sóc ra mỗi năm vợ chồng anh Cỏng cũng bỏ túi 40- 50 triệu đồng.

Nhưng thành công nhất với mô hình nuôi dê từ Chương trình giảm nghèo của huyện Cẩm Mỹ phải kể đến gia đình bà Phạm Thị Mãi (ấp Gò Dầu, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ). “Trước đây hoàn cảnh gia đình bà Phạm Thị Mãi rất khó khăn. Nhà tranh vách đất, chồng bà lại bị tai nạn nằm một chỗ, mấy đứa con thì còn nhỏ. Cái ăn, cái mặc chỉ trông chờ vào ruộng bắp trồng quanh nhà nhưng không có vốn mua phân nên thu hoạch mỗi năm không đươc bao nhiệu. Được mùa thì đỡ, mất mùa nhà này lại đói. Phải nói khi đó gia đình bà Mãi thuộc diện gia đình khó khăn nhất xã này. Từ khi được Chương trình Giảm nghèo của huyện hỗ trợ cho 10 triệu đồng làm vốn nuôi dê ban đầu gia đình bà Mãi từng bước đã thoát nghèo. Thấy nuôi dê có lãi lớn bà Mãi vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mở rộng mô hình nuôi dê sinh sản và dê thịt. Hiện bà đang nuôi hơn 50 con dê lớn nhỏ. Tiền bán dê bà Mãi tiếp tục đầu tư trồng 10 sào mãng cầu Thái và 1 sào bưởi da xanh nên thu nhập của gia đình bà Mãi hiện nay rất ổn định”: ông Nguyễn Thành Đồng, Trưởng ban MTTQ của ấp Gò Dầu, xã Xuân Đông cho chúng tôi biết, trong thời gian đợi người nhà ra gọi bà Mãi từ vườn mãng cầu về. “Nhờ được cấp vốn nuôi dê mà kinh tế gia đình tôi mới được như ngày hôm nay. Nhưng tôi vui nhất là các con của mình chăm ngoan, học giỏi và rất thương mẹ. Cháu lớn đang học đại học và cao đẳng ở Sài Gòn. Các cháu nhỏ ở nhà cũng giúp đỡ mẹ được một số công việc gia đình”: bà Phạm Thị Mãi vui mừng chia sẻ.   

Đồng chí Võ Tình cùng đoàn thăm mô hình nuôi dê hộ gia đình ông Cỏng

Tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi dê

Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Cẩm Mỹ, trong giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Cẩm mỹ đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND các xã tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách, dự án giảm nghèo. Quá trình thực hiện, có sự chỉ đạo lồng ghép Chương trình giảm nghèo với Chương trình xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, trong đó tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, kết quả đến nay đã có 13/13 xã tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều (hay gọi là hộ nghèo A) dưới 1%, góp phần vào việc xây dựng 13/13 xã đạt bộ tiêu chí nông thôn mới, trong đó: có 4/13 xã đạt Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao của tỉnh; 01/13 xã đạt Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh, đang xây dựng từ 1-3 xã theo bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển hàng hóa nông nghiệp bền vững của theo Bộ tiêu chí trung ương.

Trong 5 năm qua, huyện Cẩm Mỹ đã xây dựng 5 dự án nhân rộng 05 mô hình giảm nghèo nuôi dê sinh sản, có 12 lượt xã có đối tượng tham gia dự án, với 275 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ, với tổng kinh phí 4.489,5 triệu đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh cấp 2.600 triệu đồng, hộ tham gia dự án góp vốn hơn 1.889 triệu đồng. Hỗ trợ con giống cho 275 hộ nuôi dê sinh sản (bình quân 10 triệu đồng/hộ). Qua tổng kết các Dự án đã triển khai hằng năm cho thấy các dự án bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhiều hộ gia đình nghèo đã mạnh dạn đầu tư, vay vốn mua thêm con giống, mở rộng quy mô chăn nuôi, nhân rộng mô hình. Qua đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế và khơi dậy ý thức tự vươn lên thoát nghèo bền vững của hộ nghèo. 100% hộ tham gia dự án thoát nghèo sau 1-2 năm tham gia dự án.

“Qua công tác kiểm tra, giám sát những năm qua chúng tôi nhận thấy mô hình nuôi dê là khá hiệu quả, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, tận thu được nguồn cây cỏ làm thức ăn, tiết kiệm được công lao động. Đồng thời, tăng cường nguồn phân chuồng và cuối cùng là hiệu quả kinh tế của các hộ gia đình được tăng lên. Nhiều hộ gia đình nghèo đã mạnh dạn đầu tư, vay vốn mua thêm con giống, mở rộng quy mô chăn nuôi dê. Qua đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế và khơi dậy ý thức làm kinh tế tự vươn lên thoát nghèo bền vững của nhiều hộ nghèo và cận nghèo và hộ mới thoát nghèo”: đồng chí Võ Tình chia sẻ.

Đăng Hải