Xã hội
Đồng Nai: Kỷ niệm ngày quốc tế Người khuyết tật 3-12 “Nỗ lực vươn lên chiến thắng tật nguyền”
02:25 PM 03/12/2018
(LĐXH) - Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có gần 40 ngàn người khuyết tật (NKT) các dạng. Trong đó, có hơn 11 ngàn người khuyết tật đặc biệt nặng, trên 16 ngàn người khuyết tật nặng và hơn 3000 người khuyết tật nhẹ…Với sự tạo điều kiện quan tâm của các cấp, ngành, NKT trên địa bàn đang nỗ lực vươn lên chiến thắng tật nguyền, trở thành những người “tàn nhưng không phế”…

Lãnh đạo Sở LĐ-TBXH tỉnh Đồng Nai biểu dương NKT tiêu biểu năm 2018

Những tấm gương NKT “tàn không phế”

Trong Hội nghị biểu dương 60 NKT tiêu biểu chiến thắng tật nguyền, vươn lên trong cuộc sống do Sở LĐ-TBXH tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức tuần qua, tất cả những người có mặt đều bày tỏ sự ngưỡng vọng với cô gái nhỏ nhắn Phạm Thanh Thảo, một kỹ sư cơ khí tại công ty Việt Úc. Mất một bên chân phải do tai nạn giao thông khi đang học phổ thông. Tai nạn đến đã gây sốc nặng cho Thảo cùng người thân, gia đình; 6 lần phẫu thuật với một người sức khỏe không tốt như Thảo là một thử thách lớn, đồng thời đã tạo động lực để Thảo đã nỗ lực vươn lên, thuyết phục ba mẹ, thầy cô, trở thành một học sinh giỏi, sinh viên giỏi của Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Với các sinh viên lành lặn sau khi tốt nghiệp đã khó xin việc, nhưng cô bé nhỏ nhắn này đã “mặc cả” với các nhà tuyển dụng để đạt mức lương khởi điểm 12 triệu đồng/tháng “mới chịu đến làm việc”.

Kể về quãng thời gian vượt khó, Thảo nói: “Ngay cả cha mẹ, người thân của mình còn phản đối vì mình bị tật nguyền thì làm sao xã hội đồng cảm. Nhưng chính sự phản đối này đã cho tôi động lực phải vươn lên chiến thắng bản thân, tật nguyền, làm được những điều mà mọi người làm được”. 4 năm học khoa cơ khí Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh là 4 năm Thảo phải đối diện với nhiều khắc nghiệt, khó khăn, sáng dậy từ 5 giờ bắt xe buýt từ Biên Hòa lên TP. Hồ Chí Minh để kịp giờ học…nhờ quyết tâm, Thảo đã chinh phục toàn thể thầy cô, bạn bè, cha mẹ với tấm bằng loại giỏi và về làm việc với mức lương khởi điểm cao. Hiện nay, ngoài làm kỹ sư cơ khí cho Việt Úc và kinh doanh online với thu nhập bình quân 30 triệu đồng/tháng, Thảo còn hạnh phúc với cậu con trai gần 4 tuổi, hỗ trợ cha mẹ già phụ nuôi em gái đang học năm 4 Đại học.

Thanh Thảo chia sẻ những khó khăn mà em đã vượt qua

Hội nghị xúc động và hòa cùng tiếng hát của 2 anh em Vòng Quang Kỳ, Vòng Minh Nhi đều bị khiếm thị bẩm sinh. Những tưởng cuộc sống trong bóng tối gây cản trở 2 anh em nhưng bằng quyết tâm cả Kỳ và Nhi đều vươn lên chứng minh cho mọi người thấy, các em chỉ khuyết tật về mắt nhưng tâm hồn luôn trong sáng với nghị lực phi thường. Tốt nghiệp cao đẳng Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, hiện Kỳ đang trở thành một nhạc công, một thầy dạy nhạc nổi tiếng cho nhiều cơ sở giáo dục từ Biên Hòa đến TP. Hồ Chí Minh. Cô em gái Minh Nhi nỗ lực học giỏi, dành học bổng toàn phần của Đại học RMIT, và tham gia quản trị trang facebook “Người khiếm thị và việc làm”. Nhìn những ngón đàn điêu luyện mà anh đệm, em hát cũng như đệm cho những người khuyết tật khác và mọi người cùng hát tại hội nghị biểu dương mới thấy hết sự nỗ lực chiến thắng tật nguyền của Minh Kỳ, Minh Nhi.

Đó còn là trường hợp của ông Cao Văn Nghĩa, thị trấn Tân Phú dù bản thân bị khuyết tật với tỷ lệ trên 35% nhưng vẫn vươn lên trở thành một người làm kinh tế giỏi, trang trải cuộc sống và hỗ trợ nhiều NKT khó khăn khác có công việc ổn định. Trường hợp của ông Văn Công Lực, thương binh 2/4 với mô hình vườn, ao chuồng và chủ nghề mộc thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, hỗ trợ tạo việc làm với thu nhập ổn định 7 lao động tại địa phương Cẩm Mỹ và nhiều tấm gương khuyết tật tiêu biểu khác…

Hàng tỷ đồng hỗ trợ sinh kế cho NKT

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh cho hay, giai đoạn 2012-2018, toàn tỉnh đã triển khai, hỗ trợ vay vốn cho 4.481 NKT tại 115/171 xã phường, thị trấn để học nghề, sản xuất kinh doanh với số tiền hơn 40 tỷ đồng; mở được 6 lớp dạy nghề cho 210 NKT có nhu cầu học nghề; ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho 35 NKT tại hai huyện Xuân Lộc và Tân Phú vay với tổng số tiền trên 271 triệu đồng chăn nuôi, sản xuất, ổn định kinh tế, cuộc sống và nhiều hỗ trợ khác….

Cũng theo bà Oanh, ngoài sự quan tâm của các cấp, các ngành, với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, Sở LĐ-TBXH phối hợp với một số tổ chức: Hội Trợ giúp NKT Việt Nam (VNAH) cho 160 NKT vay không lãi suất 5 năm với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng; với Dự án “Việc làm và an sinh xã hội” do Handicap International (HI) tài trợ cho 254 NKT vay và giám sát các dự án nhỏ tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng; hỗ trợ vay vốn phát triển từ Quỹ Quốc tế Thụy điển (Sida) cho 301 NKT với tổng số tiền gần 300 triệu đồng… đã tạo điều kiện để NKT nỗ lực vươn lên, tùy vào sức khỏe của bản thân, làm kinh tế gia đình, học nghề, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội như Hội LHPN các cấp, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh…đã có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều hội viên khuyết tật thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, an sinh xã hội, giúp NKT vươn lên chiến thắng tật nguyền, ổn định cuộc sống.

Hai anh em khiếm thị Minh Kỳ, Minh Nhi đệm đàn hát trong lễ biểu dương NKT mới đây

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh cho rằng, nếu so với thực tế số NKT trên địa bàn với số đã được hỗ trợ sinh kế còn quá ít. Vì vậy, ngành LĐ-TBXH mong muốn trong thời gian tới, cả cộng đồng tiếp tục có nhiều hoạt động hỗ trợ, quan tâm giúp đỡ NKT vươn lên; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương NKT tiêu biểu chiến thắng tật nguyền cũng như tấm gương các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ, tạo điều kiện giải quyết việc làm, trợ giúp NKT vươn lên trong cuộc sống. Sở tiếp tục phối hợp khảo sát nhu cầu NKT tại các xã còn lại, nhằm phấn đấu 100% xã có NKT có nhu cầu việc làm, học nghề, làm kinh tế gia đình đủ điều kiện đều được hỗ trợ sinh kế.

 Lãnh đạo Sở LĐ-TBXH cũng cho biết,  hiện nay toàn tỉnh có trên 11 ngàn NKT có nhu cầu việc làm. Thời gian qua, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội đã trợ giúp, nhận và giải quyết việc làm cho gần 4500 NKT, chủ yếu dạng tật vận động. Qua đánh giá, hầu hết lao động khuyết tật khi có việc làm đều chăm chỉ, tính kỷ luật cao và tự khẳng định được bản thân chỉ “tàn nhưng không phế”. Các doanh nghiệp, tổ chức cơ quan tạo điều kiện cho NKT ổn định cuộc sống tiêu biểu: Công ty TNHH Changshin Việt Nam; CP Taekwang Vina; Tổng công ty Cao su Đồng Nai; Sao sáng Kim Cương; các Sở: LĐ-TBXH, KHCN và một số cơ quan, ban ngành khác.

 Giai đoạn 2012-2018, toàn tỉnh đã thực hiện trên 40,4 tỷ đồng cho riêng các dự án sinh kế, hỗ trợ, tạo điều kiện cho NKT vươn lên ổn định cuộc sống; trong đó nguồn ngân sách Trung ương và địa phương cấp thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên 13,1 tỷ đồng; kinh phí từ các dự án của các tổ chức phi chính phủ trên 27,2 tỷ đồng và một phần kinh phí do cá nhân và gia đình NKT tự đóng góp…qua khảo sát các mô hình hỗ trợ sinh kế giúp NKT đều thực hiện có hiệu quả, giúp NKT vươn lên trở thành những người “tàn nhưng không phế”…

Nguyệt Hà