Xã hội
Đồng Nai đẩy mạnh chăm lo cho các gia đình chính sách
07:57 AM 06/12/2021
(LĐXH) - Chăm lo mọi mặt đời sống gia đình chính sách, người có công (NCC) với cách mạng thời gian qua được các cấp, ngành trong tỉnh Đồng Nai thực hiện có hiệu quả…

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tỉnh Đồng Nai và H.Long Thành thăm gia đình mẹ Việt Nam anh hùng

Theo Sở LĐ-TBXH, hiện các gia đình chính sách trên địa bàn đều có cuộc sống tối thiểu bằng hoặc tốt hơn mặt bằng dân cư nơi sinh sống. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân những NCC đã hy sinh xương máu đối với nền độc lập tự do của Tổ quốc…

Quan tâm mọi mặt…

Theo ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH, đến nay tỉnh Đồng Nai đang quản lý trên 57,5 ngàn hồ sơ, trong đó có hơn 52,8 ngàn NCC và thân nhân NCC; 4.735 hồ sơ hưởng trợ cấp một lần theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

NCC trên địa bàn tỉnh hiện nay đều có nhà ở kiên cố. Đây là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong suốt thời điểm 2013-2018. Đến cuối năm 2018, tỉnh Đồng Nai được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cấp bằng công nhận hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột, xây dựng nhà ở cho các đối tượng khó khăn, hộ nghèo.

Trong đó, riêng nhà ở cho NCC, gia đình chính sách được quan tâm thực hiện tốt. Toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trên 1,8 ngàn căn nhà thuộc hộ gia đình chính sách, trong đó có hơn 1 ngàn căn nhà tình nghĩa được xây mới, khang trang. Đến nay, toàn tỉnh không còn hộ gia đình chính sách, NCC trong diện nghèo; giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng NCC theo quy định…

Phong trào đền ơn đáp nghĩa được cả hệ thống chính trị quyết tâm vào cuộc, nhất là cán bộ chuyên trách làm công tác chính sách từ tỉnh đến cơ sở. 170/170 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều được công nhận và tiếp tục duy trì nhiều năm làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa với những hoạt động hiệu quả, thiết thực.

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Hồ Văn Lộc cho biết thêm, từ năm 2016 đến nay, trung bình hằng năm tỉnh dành nguồn kinh phí khoảng 300 tỷ đồng chăm lo công tác chính sách. Đồng thời vận động các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng vào cuộc góp sức cho các hoạt động tri ân NCC như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa và trao tặng nhà tình nghĩa; nhận đỡ đầu các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống…

“Dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nhưng trong 10 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ cho 645 trường hợp trong đó có 276 hồ sơ mới (gồm xác nhận mới, chuyển đến và phục hồi). Đã chi trả trợ cấp khoảng hơn 12,9 ngàn lượt người với tổng kinh phí trên 239 tỷ đồng. Giải quyết hưởng trợ cấp một lần cho 585 trường hợp với tổng kinh phí hơn 4,8 tỷ đồng…”, ông Hồ Văn Lộc cho biết thêm.

Bên cạnh đó, qua tổng hợp báo cáo kết quả điều dưỡng NCC với cách mạng tại gia đình đợt 1 năm nay đã giải quyết hơn 2,7 ngàn trường hợp với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho 181 trường hợp với kinh phí hơn 440 triệu đồng. Triển khai và thực hiện trao tặng trên 17,4 ngàn phần quà Tết nguyên đán của Chủ tịch nước; hơn 19,7 ngàn phần quà Tết nguyên đán của Chủ tịch tỉnh với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch). Quà ngày thương binh liệt sĩ 27-7 với tổng kinh phí trên 17 tỷ đồng (đạt trên 97% kế hoạch vì một số trường hợp về quê do dịch chưa chi trả hết).

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TBXH tham mưu cho tỉnh phân bổ nguồn kinh phí Trung ương ủy quyền chi cho công tác mộ và nghĩa trang liệt sĩ năm 2021 cho Ban quản lý nghĩa trang tỉnh, TP.Long Khánh, H.Nhơn Trạch với tổng kinh phí trên 498 triệu đồng. Triển khai đến các huyện, thành phố, nhất là cán bộ phụ trách công tác chính sách những nội dung cơ bản của Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9-12-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định 75/2021/NĐ-CP ngày 24-7-2021 của Chính phủ về quy định mức hưởng trợ cấp và các chế độ ưu đãi NCC với cách mạng…

Cán bộ phòng Lao động -  Thương binh  và Xã hội huyện .Xuân Lộc chi trả trợ cấp NCC

Xây dựng các mô hình…

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng phòng NCC (Sở LĐ-TBXH), trong công tác chăm sóc gia đình chính sách, NCC các địa phương, các ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh chú trọng xây dựng các mô hình theo phương châm: Tri ân và chăm sóc tốt nhất NCC, gia đình chính sách.

Đó là các mô hình: “Mỗi đơn vị một địa chỉ đỏ” của Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn. Triển khai mô hình này, các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị quân đội nhận phụng dưỡng 1 bà mẹ Việt Nam anh hùng hoặc chăm sóc, hỗ trợ 1 gia đình chính sách neo đơn.

Theo thượng tá Nguyễn Ích Hiệp, Chính trị viên, Ban CHQS H.Long Thành, mô hình “mỗi đơn vị một địa chỉ đỏ” không chỉ đến ngày lễ, tết, 27-7 mà các gia đình chính sách, bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên. Nhờ đó, địa chỉ của các mẹ Việt Nam anh hùng hay hoàn cảnh của những gia đình chính sách neo đơn cán bộ chiến sĩ LLVT Long Thành đều nắm rõ.

Mô hình “Cơ quan, đơn vị tự tiết kiệm để chăm lo cho gia đình chính sách” của Huyện ủy Xuân Lộc được triển khai thực hiện với gần 70 cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân tham gia. Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Viên Hồng Tiến cho rằng, tri ân NCC, gia đình chính sách là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ sau đối với NCC đã hy sinh cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.

“Từ mô hình này, hiện Xuân Lộc đã có hơn 80 gia đình NCC nhận được sự chăm sóc hằng tháng với số tiền bình quân 45 triệu đồng do cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đóng góp”, đồng chí Viên Hồng Tiến cho biết thêm.

Ngoài ra, mô hình chăm sóc gia đình mẹ liệt sĩ và thăm các gia đình liệt sĩ vào ngày giỗ tại H.Tân Phú đang được triển khai với nhiều kết quả thiết thực. Đến nay đã có hơn 30 gia đình mẹ liệt sĩ và gia đình đang thờ cúng liệt sĩ được thực hiện thường xuyên trên địa bàn…

“Những mô hình này được các cơ quan, địa phương đưa vào thực hiện có hiệu quả thiết thực; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nhất là thế hệ trẻ cùng sự tri ân đối với NCC trên địa bàn”, bà Kim Ngân nhấn mạnh…

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, để công tác chăm sóc gia đình chính sách, NCC và thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa có hiệu quả, Sở LĐ-TBXH tiếp tục tham mưu cho tỉnh rà soát, chi trả trợ cấp ưu đãi NCC hằng tháng và một lần. Nâng cấp và sửa chữa 7 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn; hỗ trợ cất bốc và di chuyển khoảng 300 mộ liệt sĩ theo nguyện vọng thân nhân gia đình.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng và sửa chữa khoảng 600 căn nhà tình nghĩa đã xuống cấp, hư hỏng, nhằm đảm bảo nhà ở kiên cố cho NCC. Tiếp tục thực hiện các chế độ cho NCC như điều dưỡng, khám chữa bệnh miễn phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, trợ cấp ưu đãi học sinh, sinh viên là con thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…

Cùng những việc làm thực tế, Sở sẽ tham mưu quán triệt những văn bản mới có hiệu lực về NCC như Pháp lệnh 02 ưu đãi NCC; Nghị định 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định mới điều chỉnh mức hưởng trợ cấp cho NCC; Thông tư 13 của Bộ LĐ-TBXH hướng dẫn thực hiện các quy định ưu đãi NCC…để triển khai thực hiện nhằm nâng cao mức sống mọi mặt NCC. Đồng thời, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, gia đình chính sách, NCC trong dịp tết nguyên đán 2022.

Sở LĐ-TBXH cho biết, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với nỗ lực của toàn ngành, các hoạt động chăm sóc gia đình chính sách, NCC trên địa bàn năm 2021 vẫn được thực hiện đảm bảo tiến độ và đúng quy định của pháp luật. Trong đó, ước tính đến cuối năm, toàn tỉnh giải quyết chế độ chính sách khoảng 760 trường hợp; chi trả trợ cấp khoảng 13 ngàn lượt chế độ với tổng kinh phí khoảng 288 tỷ đồng. Giải quyết trợ cấp 1 lần 610 trường hợp với kinh phí 5 tỷ đồng…

 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Chuẩn nghèo mới giai đoạn này được thực hiện từ đầu năm 2022 với tiêu chí thu nhập dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng và thiếu hụt 3 chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản trở lên (khu vực nông thôn) và thu nhập dưới 2 triệu đồng/người/tháng và thiếu hụt 3 chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản trở lên (khu vực đô thị). Với chuẩn nghèo mới này, Sở LĐ-TBXH sẽ tham mưu cho tỉnh chỉ đạo rà soát đối tượng NCC để có kế hoạch chăm sóc tốt, phấn đấu không để NCC trong diện nghèo, khó khăn về mọi mặt…

Nguyệt Hà