Lao động
Đồng Nai: Đào tạo nghề phối hợp- mô hình hướng đến nhu cầu doanh nghiệp
01:12 PM 14/04/2017
(LĐXH) - Đào tạo nghề phối hợp là chủ đề của Hội thảo lần đầu tiên được Sở Lao động thương binh xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp Chương trình hợp tác Đức (GIZ) tổ chức vào sáng 12-4 tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ quốc tế Lilama II. Nhiều ý kiến trong Hội thảo nhấn mạnh việc doanh nghiệp phải tham gia và có trách nhiệm ngay từ đầu đến khi hoàn thiện quy trình đào tạo và sử dụng nhân lực sau đào tạo, góp phần thực hiện mục tiêu chương trình 1 “Đào tạo lao động kỹ thuật phục vụ phát triển tỉnh kinh tế xã hội Đồng Nai”.

Giám đốc sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh phát biểu tại Hội thảo

Thành công ở Lilama II

Mô hình “Đào tạo kép” hay “Đào tạo song hành” từ lâu đã là “thương hiệu” của nền giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp ở Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức. Sự ưu việt của mô hình này góp phần ghi danh nước Đức là Quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất châu Âu. Với sự hỗ trợ của GIZ, từ tháng 10-2014, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II đã vận dụng để thực hiện mô hình “Đào tạo nghề phối hợp” tại trường. Đến nay, 4 nghề theo tiêu chuẩn CHLB Đức gồm: Cơ khí xây dựng, Cơ khí cắt gọt kim loại –CNC, Điện tử công nghiệp và Cơ điện tử cùng nhiều nghề quốc tế khác đang được đào tạo thành công.

Chủ tịch Hội đồng nhà trường, TS Lê Văn Hiền cho biết: “Trước năm 2014 nhà trường đã thí điểm phối hợp với Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực (TVAG) của tập đoàn Bosch (CHLB Đức) dạy nghề thành công cho 42 học viên tốt nghiệp, làm việc tại Bosch, các tập đoàn kinh tế lớn: Dầu khí, Viễn thông và nhiều doanh nghiệp ở châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Trong mô hình này, cố vấn và chuyên gia của doanh nghiệp cùng với giảng viên của trường trực tiếp tham gia giảng dạy theo mô hình: 30% lý thuyết, 70% thực hành. Đến cuối quy trình đào tạo, học viên vừa là người học, vừa là người công nhân làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp và hưởng lương đảm bảo cuộc sống”.

Cũng theo ông Hiền, một thuận lợi nữa khi thí điểm mô hình, nhà trường được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn xây dựng thành Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao quốc tế theo tiêu chuẩn châu Âu, nhận được sự hỗ trợ của Đức, Pháp. Với cơ sở được trang bị, các chuyên gia của GIZ đang hỗ trợ kỹ thuật và trực tiếp tham gia giảng dạy tại nhà trường. Trong đó, doanh nghiệp có trách nhiệm đóng góp kinh phí, vật tư đào tạo và tham gia quá trình này ngay từ đầu đến khi đánh giá tốt nghiệp, nhận và sử dụng sản phẩm đào tạo. 

Lãnh đạo Sở LĐ-TBXH cùng nhà trường thăm quan mô hình “Đào tạo phối hợp” một số nghề tại trường

Doanh nghiệp tham gia đào tạo

Cố vấn trưởng GIZ, ông Piter Wunsch cho rằng, Để triển khai mô hình “Đào tạo nghề phối hợp” cần “3 yếu tố bắt buộc” là chương trình, giáo trình đào tạo; đội ngũ giảng viên, chuyên gia hướng dẫn của doanh nghiệp và 3 yếu tố hỗ trợ cùng quy trình đào tạo. Trong đó, quy trình đào tạo là quan trọng nhất có sự tham gia tích cực của phía doanh nghiệp. “Doanh nghiệp và người học khi tham gia chương trình đều có những lợi ích nhất định. Doanh nghiệp có ngay đội ngũ lao động vững kỹ năng nghề, đáp ứng ngay yêu cầu và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Còn người học sẽ tự tin cạnh tranh trên thị trường lao động vì được đào tạo bài bản, trải nghiệm qua hoạt động thực hành ngay trong quá trình đào tạo tại nhà trường và doanh nghiệp”, ông Piter Wunsch nói.

Giám đốc sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh cho hay, Mô hình ở Lilama II thành công là điều kiện để tỉnh nhân rộng, triển khai tại các trường nghề, phấn đấu thực hiện mục tiêu đào tạo 1000 nhân lực kỹ thuật trong chương trình 1 từ nay đến năm 2020. “Chúng tôi nhấn rõ vào điểm mới của “Đào tạo nghề phối hợp” chính là doanh nghiệp phải tích cực vào cuộc  ngay từ đầu đến khi hoàn thiện và nhận sản phẩm. Đây chính là giải pháp có hiệu quả nhanh nhất, tiết kiệm nhất trong giáo dục nghề nghiệp, khắc phục tình trạng doanh nghiệp phải đào tạo lại, sinh viên tốt nghiệp ra trường lại không có việc làm và tránh lãng phí”, ông Tịnh nhấn mạnh.

Giám đốc sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh cho biết thêm, sau hội thảo này, Sở sẽ thành lập “Tổ tư vấn dạy nghề”, mời trường Lilama II, các chuyên gia, cố vấn GIZ tham gia để nghiên cứu các bước đi thật cụ thể, tạo lập môi trường tốt nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm cho học sinh, gia đình và cho doanh nghiệp; đào tạo giúp các em có nghề nghiệp đúng sở thích, gắn việc làm sau này và thể hiện luôn cả thu nhập. “Cùng tổ tư vấn, chúng tôi sẽ thiết lập một trang Web, cung cấp thông tin đầy đủ nhu cầu về nguồn nhân lực để hỗ trợ học sinh trước khi lựa chọn nghề nghiệp, tránh tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp. Cung cấp thông tin về quá trình học tập, về việc chuyển từ giáo dục nghề nghiệp bậc thấp lên bậc cao, chứ không phải chỉ duy nhất con đường đại học, hạn chế tình trạng đào tạo không địa chỉ dẫn đến nhiều sinh viên tốt nghiệp không có việc làm”, ông Tịnh nói.

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề

Chủ tịch Hội đồng nhà trường, TS Lê Văn Hiền nhấn mạnh, sự khác biệt cơ bản nhất của chương trình “Đào tạo nghề phối hợp” là đào tạo hoàn toàn theo hướng phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Họ tham gia ngay từ đầu khi xây dựng chương trình đến khi tiếp nhận sinh viên thực tập, đánh giá kết quả học tập, cùng các tổ chức uy tín và nhà trường cấp bằng cho học viên. Một mặt giúp cơ sở đào tạo không tốn nguồn lực, doanh nghiệp không phải đào tạo lại vả giúp cho khung chính sách về mạng lưới giáo dục nghề nghiệp phát triển, thu hút học sinh vào học nghề, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp. 

N.Trinh