Xã hội
Đồng bộ nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong toàn ngành
10:24 AM 18/02/2022
(LĐXH) - Năm 2022, các chỉ tiêu được Chính phủ giao cho toàn Ngành BHXH Việt Nam đều tăng cao, cụ thể như chỉ tiêu về BHXH bắt buộc tăng khoảng 11,4% so với thực hiện năm 2021 (cao gấp 2 lần so với bình quân hằng năm). Chỉ tiêu BHXH tự nguyện tăng khoảng 53,6% so với thực hiện năm 2021 (cao gấp 1,8 lần so với bình quân hằng năm); chỉ tiêu BHYT tăng khoảng 3,2% so với thực hiện năm 2021 (cao gấp 1,5 lần so với bình quân hằng năm); chỉ tiêu thu tăng khoảng 6,6% so với năm 2021…
Trong 2 tháng đầu năm, số người tham gia BHXH bắt buộc trên cả nước đạt 15,2 triệu người, tăng 103 nghìn người (0,7%) so với thực hiện năm 2021). Số người tham gia BH thất nghiệp đạt 13,502 triệu người, tăng 107 nghìn người (0,8%) so với thực hiện năm 2021. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Có 61/63 tỉnh, thành phố hỗ trợ thêm mức đóng cho người cận nghèo, 15/63 tỉnh, thành phố hỗ trợ thêm mức đóng cho học sinh sinh viên; tổng số tiền đã huy động hỗ trợ từ ngân sách các địa phương là khoảng 43,4 tỷ đồng, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ được 6,9 tỷ đồng mua thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.Thông qua rà soát dữ liệu thuế đã phát triển được 313 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc; thu hồi được 1.338 tỷ đồng thông qua thanh tra đột xuất; phát triển được 140,5 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, 213,8 nghìn người tham gia BHYT thông qua các hội nghị khách hàng.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, thực hiện linh hoạt các hình thức thông tin, tuyên truyền, đảm bảo thông tin đến được với đông đảo người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người mới thoát nghèo để vận động tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tổ chức linh hoạt các hình thức vận động theo nhóm nhỏ, các hội nghị khách hàng đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với từng nhóm đối tượng tiềm năng...
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thê Mạnh khẳng định,  trước những khó khăn, thách thức đặt ra trong năm 2022, BHXH các tỉnh, thành phố cần chủ động triển khai từ sớm, từ xa các giải pháp, bám sát sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam, chủ động đề xuất với cấp ủy, chỉnh quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chú trọng tham mưu chỉ đạo, giao chỉ tiêu đến từng xã, phường. Tích cực đề xuất ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ người dân trên địa bàn tham gia BHXH, BHYT.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, kế hoạch- đầu tư và nhất là chính quyền các xã. Xây dựng các kịch bản linh hoạt, thay đổi theo từng tình huống, từng thời kỳ, phù hợp với từng địa phương, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Mỗi một cấp cơ quan BHXH, từng bộ phận, lĩnh vực nghiệp vụ, đều phải có kịch bản cụ thể.
Tiếp tục chuẩn hóa, làm giàu dữ liệu, phân tích dữ liệu người chưa tham gia BHXH, BHYT để xác định các biện pháp hiệu quả, chính xác, đúng, trúng nhóm đối tượng tiềm năng; ưu tiên các nhóm dễ trước. Chú ý vận động nhóm tham gia bền vững, dài hạn.
Về công tác truyền thông, phải chủ động thông tin, đi trước một bước để người dân nắm được những thay đổi. Chú trọng truyền thông đến nhóm nhỏ, có tính đặc thù, có kế hoạch chung cho toàn Ngành, trên cơ sở đó, các đơn vị cơ sở triển khai. Truyền thông phải rõ kết quả đầu ra, rõ tiêu chí đánh giá, cụ thể là số người tham gia BHXH, BHYT. Cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ truyền thông ở cơ sở.
Về các tổ chức tham gia làm đại lý thu, BHXH các tỉnh rà soát để xây dựng các quy chế phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương, họp thống nhất để mục tiêu, rõ cách làm để cùng triển khai nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Về thanh tra, kiểm tra, nhấn mạnh đây là vừa là công cụ vừa là giải pháp quan trọng, Tổng Giám đốc yêu cầu quá trình thực hiện phải hết sức linh hoạt, đạt mục tiêu cuối cùng là giảm nợ, thu đúng, thu đủ. Bên cạnh đó, quy trình thanh tra, kiểm tra cũng cần được nghiên cứu, xây dựng phù hợp với thực tiễn công tác của Ngành hiện nay, thực hiện chủ động ngay với các đơn vị có nguy cơ nợ lớn, nợ đọng lâu, phát huy dữ liệu điện tử, thu hồi nợ bằng các phương pháp gắn với ứng dụng CNTT. Cùng với đó là phải chủ động phối hợp chặt chẽ với Công an, khởi tố các đơn vị vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT.  
Nam Khánh