Xã hội
Cần có phương pháp tiếp cận mới trong công tác phòng chống bạo lực đối với trẻ em
04:22 PM 25/07/2018
(LĐXH) - Ngày 25/7/2018, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp và làm việc với ngài Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam. Hai bên tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Unicef nhằm góp ý cho Việt Nam nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em.
Toàn cảnh buổi làm việc

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách, chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng hiệu quả. Chính phủ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cam kết không ngừng đồng hành cùng Unicef trong các chương trình nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách trong việc thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt chú trọng tới công tác đấu tranh, xử lý nghiêm minh nạn xâm hại tình dục trẻ em. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ một số kết quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thời gian qua

Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay, khi mà vấn nạn xâm hại, bạo lực trẻ em chưa có xu hướng giảm, Bộ trưởng mong muốn được lắng nghe và trao đổi kinh nghiệm với ngài trưởng đại diện và các thành viên trong đoàn nhằm nâng cao công tác phòng chống bạo lực xâm hại tình dục ở trẻ em tại Việt Nam. Bộ trưởng cũng đề nghị phía Unicef đưa ra đánh giá khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã đầy đủ chưa, cần bổ sung nội dung gì? 

Trưởng đại diện Unicef cho rằng để bảo vệ trẻ em có hiệu quả cần nhiều yếu tố, bao gồm cam kết chính trị mạnh mẽ, hành lang pháp lý và hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em

Đáp lời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Youssouf Abdel-Jelil chúc mừng những kết quả mà Việt Nam đạt được trong phòng, chống bạo lực đối với trẻ em và những cam kết gần đây trong giải quyết vấn đề này. Nổi bật là việc thông qua và triển khai tổ chức thực thi Luật Trẻ em. Trong Luật Trẻ em, có một chương về bảo vệ trẻ em, trong đó cung cấp một khuôn khổ pháp lý quan trọng cho sự phát triển của hệ thống bảo vệ trẻ em. Tiếp đó là việc xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ em toàn diện để ngăn chặn và bảo vệ tất cả trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực trong khuôn khổ của Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2010-2015 và 2016-2020. Đặc biệt gần đây, Tòa gia đình và người chưa thành niên thứ hai được ra mắt tại Đồng Tháp với sự tham dự và quan tâm của các các vị lãnh đạo cấp cao. Điều này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, vấn đề trẻ em đã được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc gia.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu cơ bản nhưng theo Trưởng đại diện Unicef “trẻ em ở Việt Nam vẫn bị bạo hành, bóc lột và lạm dụng”. Ở góc độ vi mô, liên quan đến thực hành và bảo vệ trẻ em, ông Youssouf Abdel-Jelil đã nhấn mạnh một số vấn đề cần được xem xét và tham mưu của cơ quan quản lý Nhà nước:

Thứ nhất, về độ tuổi trẻ em, hiện định nghĩa về trẻ em theo Luật Trẻ em không phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC), Hiến pháp Việt Nam và các luật khác. Điều 1 của Luật trẻ em 2016 định nghĩa trẻ em là người dưới 16 tuổi. Theo luật pháp Việt Nam, tuổi trưởng thành  là 18 năm; theo Hiến pháp 2013 quy định tuổi để đi bầu cử là 18; theo Bộ luật Dân sự 2015, xác định “người lớn” là người từ 18 tuổi trở lên và những người chưa đủ 18 tuổi là người “chưa thành niên”. Do đó, định nghĩa về trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em không phù hợp với các định nghĩa về độ tuổi được xác định theo nhiều văn bản Luật như Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Định nghĩa này trái với Công ước về Quyền trẻ em định nghĩa, đó là: Trẻ em là tất cả những người dưới 18 tuổi. Do đó, thanh thiếu niên ở độ tuổi 16-18 bị hạn chế tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ và phúc lợi khác.

Thứ hai, cần luật hóa các vấn đề bảo vệ trẻ em khác nhau. Hiện một số hình thức lạm dụng trẻ em và bạo lực, chẳng hạn như trừng phạt, khiêu dâm trẻ em, buôn bán trẻ em trong độ tuổi từ 16-17, lạm dụng và bóc lột trẻ em trên môi trường mạng chưa được xác định rõ ràng và bị trừng phạt thích đáng theo quy định. Điều này không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, trong quá trình thực thi chính sách và pháp luật, việc thiếu các thủ tục và quy trình thân thiện với trẻ em và phối hợp liên ngành một cách có hiệu quả để tiếp nhận và xử lý các báo cáo trường hợp lạm dụng trẻ em vẫn tồn tại, không có quy định trách nhiệm rõ ràng của các bên liên quan. Sự chậm chạp trong nhân rộng mô hình Tòa gia đình và người chưa thành niên diễn ra trên khắp đất nước, trong đó việc đào tạo nhân sự làm thẩm phán cho các tòa này đã cản trở tiến bộ trong bảo vệ trẻ em.

Thứ tư, về nguồn nhân lực về bảo vệ trẻ em, hiện đang xảy ra tình trạng không đủ nguồn nhân lực về bảo vệ trẻ em ở các cấp địa phương vì họ không có năng lực cần thiết và đầy đủ để bảo vệ trẻ em. Hầu hết cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và cán bộ bảo vệ trẻ em ở cấp xã không có bằng cấp về công tác xã hội hoặc các lĩnh vực liên quan. Ngoài ra, chính sách hiện hành của Chính phủ để giảm bớt số lượng các vị trí dịch vụ dân sự có tác động tiêu cực đến việc làm và việc triển khai của các nhân viên xã hội nhằm cung cấp các dịch vụ dựa vào cộng đồng.

Thứ năm, về nguồn lực dành cho các hoạt động bảo vệ trẻ em phần lớn dựa trên chương trình và ngân sách thường khiêm tốn và không hỗ trợ đầy đủ các dịch vụ cần thiết cho công tác bảo vệ trẻ em.

Thứ sáu, vấn đề phát triển công việc xã hội như một nghề vẫn còn khó khăn và bất cập bởi hiện nay vẫn chưa có luật về công tác xã hội ở Việt Nam. Nếu không có sự công nhận pháp lý đối với nghề công tác xã hội thì người làm công tác xã hội không thể thể hiện vai trò nghề nghiệp mà họ đã được đào tạo. Chính phủ cần tiếp tục đấu tranh để tiếp cận tới các nhóm cư dân dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta để thực hiện chương trình dang dở về chăm sóc xã hội.

Thứ bảy, việc phối hợp liên ngành chưa được chặt chẽ trong việc giải quyết tình trạng lạm dụng và bạo lực đối với trẻ em. Cần phải xây dựng kế hoạch hành động liên ngành về chấm dứt bạo lực trẻ em, trong đó xác định rõ các giải pháp và trách nhiệm của từng cơ quan liên quan.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, các chuyên gia là đại diện các bộ phận của Unicef cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ các quốc gia, đặc biệt là trong khu vực Asean. Nhìn chung, xâm hại bạo lực trẻ em vẫn là vấn đề nổi cộm vì những hậu quả trước mắt cho trẻ và hệ lụy lâu dài cho mỗi quốc gia. Các nước thành công trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đều là những quốc gia có cam kết chính trị rõ ràng, đầu tư vào vào phòng ngừa, xây dựng được hệ thống dịch vụ (bao gồm cả hệ thống thông báo và hệ thống theo dõi thông tin), đồng thời tập trung giải quyết cốt lõi vấn đề dựa vào cộng đồng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Unicef tiếp tục đồng hành hỗ trợ Việt Nam trong công tác trẻ em

Ghi nhận sự hợp tác tốt đẹp giữa hai bên thời gian qua, đặc biệt là lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ, với mục tiêu đảm bảo tất cả các trẻ em đều được hưởng lợi từ các dịch vụ cơ bản và hệ thống trợ giúp xã hội để có môi trường lành mạnh, an toàn cho các em phát triển tiềm năng, góp phần xây dựng Việt Nam thịnh vượng trong tương lai, Chính phủ Việt Nam rất mong muốn Unicef hỗ trợ hiệu quả và tham vấn cho Việt Nam các vấn đề liên quan đến bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp thu, nghiên cứu để có hướng tiếp cận phù hợp nhất với những khuyến nghị của Trưởng đại diện và các thành viên Unicef đưa ra./.

Đăng Doanh