Xã hội
Đổi thay vùng căn cứ cách mạng
09:38 AM 20/03/2020
(LĐXH) - Trước sức tấn công như vũ bão của quân và dân ta trong mùa Xuân 1975, ngày 17-3 Chi khu Định Quán (H. Định Quán ngày nay) được hoàn toàn giải phóng.

Các cựu chiến binh từng tham gia giải phóng Định Quán chụp hình lưu niệm và kể chuyện chiến trường tại Tượng đài chiến thắng La Ngà- Định Quán


45 năm sau ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo, quản lý của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân H. Định Quán, vùng chiến trường ác liệt xưa kia nay đã khởi sắc, đổi thay nhanh chóng…

Ký ức không quên

Từng trực tiếp tham gia trong trận đánh giải phóng Chi khu Định Quán 45 năm trước, ông Nguyễn Văn Bé (trú tại Thị trấn Tân Phú, Huyện Tân Phú. tỉnh Đồng Nai) kể lại, vào thời điểm ngày 10-3 khi tin quân dân ta thắng lợi ở chiến dịch Tây Nguyên, bọn địch ở Chi khu Định Quán, nhất là đồn lính bảo an 125 (đóng khu vực Phú Ngọc- La Ngà ngày nay) có biểu hiện hoảng loạn.

“Lúc đó, tôi là đội trưởng đội Trinh sát đặc công tỉnh Tân Phú (do chính quyền cách mạng lập nên) được giao nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình địch tại khu vực đồn 125 cùng một số cao điểm địch thuộc Chi khu Định Quán và phối hợp dẫn đường cho bộ đội chủ lực (chủ yếu là Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) tiến về giải phóng Chi khu Định Quán. Khí thế chiến thắng giúp toàn đội phấn khởi, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ để bộ đội chủ lực tiến về giải phóng nhanh chóng Chi khu Định Quán vào chiều tối 17-3”.

Trầm ngâm nhớ về những đồng đội đã hy sinh trong giải phóng quê hương, ông Bé nói: “Quân ta đánh tới tấp giải phóng Chi khu Định Quán, khu vực cầu La Ngà và vài ngày sau giải phóng Phú Túc, Phú Cường…nhưng trong niềm vui ấy, nhiều đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh, không kịp chứng kiến giây phút chiến thắng. Bản thân tôi cũng 13 lần bị thương, hiện còn nhiều mảnh đạn găm trên cơ thể…”.

Bà Lê Thị Ánh Nguyệt (ngụ ấp 2, xã Phú Ngọc, H. Định Quán) trực tiếp làm y tá quân y phục vụ bộ đội tác chiến, làm nhiệm vụ cứu thương trong trận đánh giải phóng Định Quán kể lại: “Lúc đó khói súng mù mịt, chúng tôi thấy rất nhiều người hy sinh (cả ta và địch) nên tổ y tá chỉ kịp ra tải thương băng bó, đưa về tuyến sau”.

Bà Nguyệt cho biết thêm: “Có một kỷ niệm làm tôi không bao giờ quên là khi tổ y tá chúng tôi ở đối diện khu vực đồn bảo an 125 và cao điểm 112 thuộc Chi khu Định Quán (địa bàn xã Phú Ngọc ngày nay), thấy lính bảo an khiêng thương binh giống như bộ đội ta, chúng tôi liền chạy sang băng bó. Bọn địch để yên cho chúng tôi làm nhiệm vụ nhưng khi băng bó xong, trước sức tấn công của quân ta, chúng vội khiêng lính bị thương chạy và bản thân tôi cùng 2 chị em trong tổ thoát chết trong gang tấc”…

Đào tạo nghề là một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế xã hội huyện phát triển

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thảo Nguyên, hội viên Hội CCB xã La Ngà, H. Định Quán không chỉ được biết đến là một người làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia các hoạt động của Hội, ông còn là một người nổi tiếng khi đang học năm 2 Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1972 đã cắt máu viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu giữa thời khắc ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Kỷ niệm mà ông nhớ nhất trong trận đánh giải phóng Chi khu Định Quán chiều 17-3, trước sức tấn công mạnh mẽ của quân ta, tổ trinh sát 3 người của ông đã hy sinh 2 đồng chí, chỉ còn mình ông. “Được chứng kiến giờ phút giải phóng, được sống trong hòa bình, tôi luôn nhớ về đồng đội, đã cùng các đoàn tìm kiếm và lấy được hài cốt của 2 đồng đội là đồng chí Công và đồng chí Tạo đưa về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Hưng Yên theo nguyện vọng của gia đình”, ông Nguyên nói…

Đổi thay vùng cách mạng

45 năm sau ngày giải phóng, H. Định Quán hôm nay đã đổi thay, khởi sắc với nhiều điểm nhấn tích cực. Đến cuối năm 2018, huyện đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và cuối năm 2019, huyện có 2/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đời sống người dân vùng cách mạng được cải thiện rõ rệt cả vật chất, tinh thần từ những vùng trung tâm đến các xã vùng sâu, vùng xa trong huyện...

Đặc biệt trong những năm trở lại đây, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đoàn kết toàn dân, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, cơ cấu cây trồng được dịch chuyển phù hợp sang cây công nghiệp và ăn trái...

Chủ tịch UBND huyện Trần Quang Tú cho biết, chỉ riêng trong năm 2019, cả 5 chỉ tiêu về kinh tế đều tăng trung bình từ 3,7% đến 10% so mục tiêu nghị quyết; 18/19 chỉ tiêu về xã hội đều đạt và vượt; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển đạt trên 1.268,7 tỷ đồng, tăng 11,33% so cùng kỳ 2018; tỷ lệ hộ nghèo A đầu năm 2020 còn 654 hộ (0,51%) theo chuẩn mới Đồng Nai.

Di tích Đá Ba chồng một trong những biểu tượng của Huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai  ngày nay

 “UBND huyện xác định, nông nghiệp vẫn là kinh tế chính trong cơ cấu kinh tế nên đầu tư mạnh vào hệ thống thủy lợi, phục vụ mục tiêu sản xuất nông nghiệp; kết hợp hạ tầng giao thông, điện khí hóa đưa vào các vùng sản xuất chuyên canh, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp; tiếp tục chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; đầu tư, kêu gọi khai thác các tiềm năng du lịch gắn kêu gọi đầu tư các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quyết việc làm cho người dân có cuộc sống ổn định”, ông Trần Quang Tú nhấn mạnh.

Là một hộ dân đã sinh sống từ những thập kỷ 60 tại khu vực gần Chi khu Định Quán, gia đình ông Nguyễn Ngọc Thành, nổi tiếng với mô hình nuôi cá trình cho thu nhập cao cho biết: “Ngày mới giải phóng nhà cửa còn thô sơ, chỉ có những con đường mòn cho xe thô sơ đi vào rừng lấy cây. Hiện nay, với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều tuyến đường nông thôn mới chạy thẳng vào tận ấp, tận rẫy, tạo thuận lợi cho người dân làm kinh tế, làm giàu, ổn định cuộc sống”.

CCB Nguyễn Thảo Nguyên (xã La Ngà) kết hợp trồng xoài, mít, măng tre với nuôi bò, gà, cá cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho hay, sau giải phóng, ông đã ở lại lập nghiệp tại vùng đất cách mạng với mong muốn tìm được hài cốt đồng đội đã hy sinh. Đến năm 2015, hài cốt của hai đồng chí Công và Tạo đã được tìm thấy đưa về Hưng Yên theo nguyện vọng của gia đình.

“Giờ hòa bình, mình phải sống thay những người đã khuất, phải vươn lên chiến thắng nghèo đói, góp phần xây dựng quê hương”, CCB Nguyễn Thảo Nguyên nói…

Theo các tài liệu lịch sử, khi quân giải phóng tấn công Buôn Mê Thuột mở đầu chiến dịch Tây Nguyên ngày 10-3, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đã nhận định: địch sẽ dùng quốc lộ 20 phía Nam Xuân Lộc để nối đường 21, chi viện cho Tây Nguyên. Chi khu Định Quán là điểm phòng thủ án ngữ đường 20 nên Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo quân giải phóng (chủ lực là Sư đoàn 7, Sư đoàn 9-Quân đoàn 4) phối hợp với lực lượng địa phương tỉnh Tân Phú tấn công địch trên địa bàn…

Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) kể lại: “Ngày 17-3, cuộc tiến công đường 20 bắt đầu, quân giải phóng đánh vào các phân, chi khu quân sự của địch và giằng co ác liệt tại các điểm La Ngà, Núi Tràn, đồi Lăng Xi, cao điểm 112, Chi khu Định Quán... Đến chiều tối cùng ngày, ta chiếm được Chi khu Định Quán và cắm cờ giải phóng trên nóc sở chỉ huy địch, tạo đà tiếp tục tiêu diệt các cụm cố thủ của chúng trên dọc quốc lộ 20, giải phóng hoàn toàn khu vực tỉnh Tân Phú, tạo điều kiện cho quân chủ lực cách mạng bao vây, tiến công thị xã Long Khánh (TP. Long Khánh ngày nay).

Nguyệt Trinh