Xã hội
Đổi mới hoạt động của Qũy Bảo trợ trẻ em từ trung ương đến địa phương
04:24 PM 30/10/2017
(LĐXH) - Nhằm đánh giá sự cần thiết, vai trò của Quỹ Bảo trợ trẻ em trong việc thực hiện hỗ trợ thực hiện quyền trẻ em, thống nhất ý kiến để tham mưu, đề xuất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về mô hình tổ chức và hệ thống của Quỹ Bảo trợ trẻ em, ngày 30/10/2017, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Đổi mới hoạt động Quỹ Bảo trợ trẻ em.

Tham dự hội thảo có đồng chí Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện lãnh đạo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch tài vụ (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), hơn 20 tỉnh/thành phố từ Quảng Ngãi trở ra tham dự Hội thảo.

Giám đốc Qũy Bảo trợ trẻ em Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Hiện nay, tại một số địa phương, có sự sắp xếp lại về mô hình tổ chức, nhân sự, tài chính theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính Phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sắp xếp bộ máy tổ chức, tạm dừng cấp kinh phí Nhà nước cho các hoạt động cũng như chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về tổ chức bộ máy Quỹ Bảo trợ trẻ em ở địa phương, gây khó khăn cho hoạt động của hệ thống của Quỹ Bảo trợ trẻ em. Tại hội thảo, các đại biểu đã có những tham luận về hoạt động Quỹ Bảo trợ trẻ em tại địa phương, đồng thời đưa ra những thuận lợi, khó khăn trong công tác tổ chức, huy động động nguồn lực để hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Các đại diện Vụ, đơn vị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã đóng góp những ý kiến về chuyên môn, đề xuất những điều kiện cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan chỉ đạo hoạt động của Qũy trong thời gian tới

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đào Hồng Lan chỉ đạo, trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động đánh giá lại mô hình và hoạt động chung, đưa ra những đề xuất để xây dựng các dịch vụ sự nghiệp hoặc phát triển các dịch vụ sự nghiệp có sẵn; Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cần chủ động tham mưu, đề xuất lên cơ quan có thẩm quyền, chuyên môn, đồng thời phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ rà soát, sắp xếp lại bộ máy tổ chức. “Cần phải bảo vệ hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em, xây dựng mô hình về tổ chức, hoạt động phù hợp tại Trung ương và các địa phương”, Thứ trưởng Lan khẳng định.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lai Châu

đề xuất ý kiến hoàn thiện hoạt động của Qũy Bảo trợ trẻ em

Theo Luật Trẻ em được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 05/04/2016 và có hiệu lực từ ngày 01/06/2017, điều 95 đã quy định: “Quỹ Bảo trợ trẻ em được thành lập nhằm mục đích vận động sự đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, viện trợ quốc tế và hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết cho các mục tiêu thực hiện các quyền trẻ em của nhà nước. Việc vận động, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em phải đúng mục đích, theo quy định pháp luật về quản lý tài chính”.

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam là Quỹ duy nhất của Nhà nước được thành lập tháng 5/1992 theo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, có nhiệm vụ vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu vì trẻ em của Chính Phủ. Hiện nay, Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Đăng Doanh