Lao động
Doanh nghiệp Hải Phòng xây dựng văn hóa an toàn lao động
08:35 AM 30/05/2022
(LĐXH)- Theo lãnh đạo các công ty, xây dựng và duy trì văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc là xu hướng tất yếu, mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động.
Nhận thức từ chính doanh nghiệp
Tại Công ty TNHH MTV ximăng Vicem Hải Phòng, hằng năm, lãnh đạo Công ty đều có kế hoạch bảo hộ lao động đáp ứng được yêu cầu ATVSLĐ – PCCC, có dự trù kinh phí, tổ chức thực hiện kế hoạch tốt đã đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất.
Lãnh đạo Công ty cho biết, Công ty luôn chú trọng thực hiện ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ, hoàn thành kế hoạch bảo hộ lao động đề ra qua các năm.
Công ty luôn trang bị đầy đủ bảo hộ cá nhân cho người lao động tuỳ theo nhu cầu từng công việc cụ thể như quần áo bảo hộ lao động, khẩu trang, nút tai, găng tay… Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, khám sức khoẻ trước khi tuyển dụng, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm việc trực tiếp, bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm các công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm, huấn luyện sơ cấp cứu ban đầu cho người lao động, trang bị tủ thuốc di động tại các khu vực làm việc.  
     Công nhân Công ty TNHH MTV ximăng Vicem Hải Phòng luôn được trang bị thiết bị an toàn lao động
Đặc biệt, công tác tuyên truyền huấn luyện về ATVSLĐ được Công ty hết sức coi trọng như: Tổ chức các khoá huấn luyện về các nguy cơ gây mất an toàn lao động đến tất cả người lao động như các khoá về an toàn điện, quản lý năng lượng nguy hiểm, an toàn thiết bị di chuyển, làm việc trên cao, quản lý mặt đất, làm việc an toàn trong không gian kín, bảo vệ tay và cánh tay…
Tuyên truyền bằng hình thức băng rôn, khẩu hiệu, sách, tạp chí về an toàn vệ sinh lao động. Có quy trình phân công rõ chế độ trách nhiệm an toàn, vệ sinh lao động đối với từng cấp, từng chức danh quản lý, có cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hộ lao động; có mạng lưới an toàn viên tại mỏ mà nhà máy chế biến, có lực lượng phòng cháy chữa cháy hoạt động hiệu quả tại mỏ và nhà máy chế biến.
Tại các khu vực làm việc có nội quy, hướng dẫn; khẩu hiệu an toàn rõ ràng, dễ thấy, dễ đọc đối với người lao động...  
Lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng, xây dựng văn hóa an toàn lao động vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức công đoàn lẫn doanh nghiệp và người lao động, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng làm việc.
Vai trò của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội
Thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các cấp công đoàn TP Hải Phòng đã phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền về ATVSLĐ; phát triển, củng cố mạng lưới an toàn vệ sinh viên; vận động người lao động thực hiện ký kết thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc tốt sức khỏe cho người lao động.
Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát kịp thời chấn chỉnh các vi phạm pháp luật về ATVSLĐ, qua đó giúp người lao động có môi trường làm việc tốt hơn, đồng thời tăng sự gắn kết lâu dài giữa người lao động với doanh nghiệp.
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương cũng đẩy mạnh huấn luyện, hỗ trợ trang thiết bị nâng cao năng lực hệ thống kiểm định, kiểm tra chất lượng sản phẩm; hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát ATVSLĐ; điều tra, thống kê, tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng; kiện toàn cơ sở dữ liệu quốc gia về ATVSLĐ; triển khai áp dụng các hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ phù hợp trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và làng nghề đang có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Công tác tuyên truyền về ATVSLĐ đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng và hình ảnh trực quan trên các trục đường chính, khu công nghiệp và khu dân cư.
Hình ảnh tại Lễ phát động Tháng an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 tại TP Hải Phòng
Sở đã phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng các phóng sự, tin, bài để tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ cho người dân, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao treo băng rôn, cờ phướn trên các trục đường chính, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư...
Bên cạnh đó, công tác huấn luyện ATVSLĐ cũng được đẩy mạnh với nhiều nội dung và nhiều chuyên đề khác nhau. Các hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ cũng được triển khai song hành.
Trong đó tập trung triển khai hoạt động hỗ trợ tư vấn, xây dựng hệ thống quản lý về ATVSLĐ cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; phát hành văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tổ chức thực hiện Tháng hành động ATVSLĐ phù hợp với tình hình thực tiễn của từng doanh nghiệp và đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Sở yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ cho người lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp phát động phong trào thi đua cam kết bảo đảm ATVSLĐ và tổ chức cho các phân xưởng, tổ, đội sản xuất đăng ký, không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố sản xuất.
Có thể khẳng định, việc chú trọng xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh trong các doanh nghiệp giúp công nhân, người lao động yên tâm làm việc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; hơn thế, trách nhiệm và ý thức của chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động cũng được nâng cao, nghiêm túc chấp hành nội quy, tuân thủ quy định pháp luật về ATVSLĐ tại nơi làm việc, hạn chế thấp nhất các tai nạn lao động có thể xảy ra./.
Tân Khang