Nghiên cứu - trao đổi
Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì về lao động khi TPP được phê duyệt?
03:18 PM 31/05/2016
(LĐXH) - Hiệp định thương mại TPP dành hẳn Chương 19 quy định về lao động bao gồm nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt bởi các những quy định giàng buộc khắt khe vềrncấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất,rnquyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động…, đòi hỏi  các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có nghiên cứu và chuẩn bị trước để thích ứng với một kiểu FTA mới của Thế kỷ 21.

Quy định cơ bản về lao động

Việc các nước thành viên lần đầu tiên thống nhất đưa nội dung lao động vào một Hiệp định thương mại bên cạnh những quy định về thương mại thông thường không ngoài mục đích bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các nước thành viên trong TPP trong quan hệ thương mại. Khi các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng lao động có trình độ thấp, giá rẻ sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn nên sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước thành viên khác. Trên lý thuyết các doanh nghiệp này sẽ có được lợi nhuận lớn hơn so với nước áp dụng tiêu chuẩn lao động cao. Vì thực tế TPP cũng không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Trong khi đó Việt Nam với tư cách là thành viên của ILO từ năm 1992 và đã phê chuẩn 5/8 công ước cơ bản liên quan tới bốn lĩnh vực[1]: tự do lập hội và thương lượng tập thể, chống lao động cưỡng bức, xóa bỏ lao động trẻ em, chống phân biệt đối xử, nên hệ thống pháp luật đã tương đối hoàn thiện và phù hợp với các thừa nhận Quốc tế chung về lao động. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những xung đột pháp luật về quy định tiêu chuẩn lao động ở từng nước thành viên khi có hoạt động thương mại thực tế. Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam muốn kinh doanh bền vững cần có những định hướng đúng đắn về những vấn đề này ngay từ bây giờ. 

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động áp dụng trước những tiêu chuẩn lao động theo Hiệp định 

Thách thức với doanh nghiệp Việt Nam

Đối với những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, trẻ em, phân biệt đối xử trong lao động và quy định bảo đảm điều kiện lao động về lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn lao động thì hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định khá đầy đủ và cơ bản là phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết trong Hiệp định TPP. Nhưng để các doanh nghiệp áp dụng và ứng xử phù hợp trong thực tế cần một thời gian dài để thay đổi ý thức và hành vi. Thực tế còn khá nhiều doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận hoặc để dễ dàng bóc lột sức lao động trong ngắn hạn nên thường sử dụng người lao động trẻ em dưới 18 tuổi, thậm trí là dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ (theo danh mục của Bộ LĐ-TB&XH[2]) tại các nhà xưởng tập trung hoặc là gia công ở hộ gia đình. Bằng chứng là đa số các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu may mặc, thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề truyền thống đòi hỏi trình độ lao động thấp sử dụng đối tượng lao động này. Việc sử dụng lao động trẻ em đi liền với trình độ giáo dục thấp, doanh nghiệp sẽ còn phải đối mặt với việc trẻ em không đáp ứng được các yêu cầu căn bản của công việc để làm việc bền vững trong môi trường công nghiệp và hiện đại (xem bảng dưới đây về tình hình sử dụng lao động trẻ em).

Bảng  phân bổ lao động trẻ em theo khu vực kinh tế và nhóm tuổi[3]



 Nguồn: Bộ LĐTB&XH, Tổng Cục thống kê, ILO “Điều tra quốc gia về lao động trẻ em 2012”, 3/2014

Không phải tất cả trẻ em tham gia hoạt động kinh tế đều là lao động trẻ em và mặc dù ở độ tuổi dưới 18 trẻ em được phép làm việc phù hợp với độ tuổi của mình theo quy định pháp luật lao động của Việt Nam về thời gian làm việc, loại công việc… theo một quy trình ký kết hợp đồng lao động và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước một cách chặt chẽ,  nhưng đối với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là các nước thành viên TPP có các quy định cao về tiêu chuẩn lao động như Mỹ và Nhật Bản, bất kỳ sản phẩm nào họ nhập khẩu đều yêu cầu các doanh nghiệp trong nước phải khai báo thông tin chi tiết về quy trình sản xuất, công nhân tham gia quy trình đó từ khâu kiểm soát đầu vào đến khâu kiểm tra đầu ra. Bởi các nhà nhập khẩu lo ngại về việc phản đối sử dụng lao động trẻ em đang ngày một lan rộng trên các phương tiện truyền thông và các tổ chức công đoàn ngày càng ủng hộ các nhà cung cấp không sử dụng lao động trẻ em thông qua việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng ở các nước này. Điều này đang tạo ra áp lực cho nhà nhập khẩu nước ngoài khi mua hàng phải đảm bảo nguồn cung cấp không sử dụng lao động trẻ em. Dẫn đến các doanh nghiệp nhập khẩu buộc phải báo cáo các thông tin cơ bản về thời gian làm việc, chế độ bảo hộ lao động và độ tuổi của công nhân ở nước sản xuất hàng hóa cho khách hàng. Nếu bị phát hiện, doanh nghiệp trong nước có sử dụng lao động không đủ tiêu chuẩn sẽ kiến nghị hoặc thậm trí là hủy đơn hàng. Đồng thời với đó, Hội đồng lao động nước nhập khẩu sẽ tiến hành tố tụng ở cấp quốc gia theo quy định tại Chương 27 và 28 của Hiệp định TPP về việc xử lý vi phạm các cam kết trong Hiệp định thông qua Ủy ban TPP. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Viêt Nam sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% từ các nước thành viên nếu không cải thiện các tiêu chuẩn này và sẽ gây thiệt hại ngay cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa.

Một vấn đề quan trọng khác có tác động lâu dài và ảnh hưởng lớn đến các chủ doanh nghiệp là quy định của TPP về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động. Các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tôn trọng và không được ngăn cản quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Không giống như tổ chức công đoàn vừa do chủ doanh nghiệp hỗ trợ về tài chính, vừa có trách nhiệm thực hiện chủ chương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa bảo vệ quyền lợi của người lao động, mô hình tổ chức mới đại diện cho người lao động sẽ bảo vệ trực tiếp, riêng biệt và hiệu quả cho những quyền lợi của người lao động mà trước đây vì lí do ràng buộc về tài chính hay trách nhiệm chính trị nào đó mà tổ chức công đoàn ở một số doanh nghiệp chưa thực sự là công cụ hữu hiệu đấu tranh cho những tiêu chuẩn về lao động và nói lên tiếng nói của người lao động. Việc cho phép thành lập loại hình tổ chức đại diện này ngoài việc quản lý của nhà nước về vấn đề lập hội hoặc quy định về đăng ký lập hội đại diện cho người lao động, chính doanh nghiệp cũng cần phải coi đây là một thách thức lớn. Bởi tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập có thể gia nhập công đoàn hoặc hoạt động độc lập. Tổ chức này nếu thực sự bảo vệ các quyền lợi và lợi ích chính đáng của người lao động như tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký thì thực sự đáng hoan nghênh và làm cho tổ chức công đoàn cơ sở mạnh lên. Nhưng bên cạnh đó nó còn có thể xuất hiện những đòi hỏi, yêu sách phi pháp, trái với Điều lệ và nguyên tắc chung khi thành lập hoặc trái với tinh thần của Hiến pháp 2013 về vấn đề tự do lập hội. Dựa vào những quy định trong TPP nhằm bảo vệ tổ chức của người lao động, theo đó doanh nghiệp không được can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích của người lao động, chính “tổ chức” này có thể lợi dụng sức mạnh cộng đồng của tập thể người lao động để đấu tranh cho những đòi hỏi phi lý mà doanh nghiệp khó có thể đáp ứng ngay được thông qua ràng buộc trong đối thoại, thương lượng tập thể, thậm trí đình công và các hành động tiêu cực tập thể trá hình khác trong quan hệ lao động. Khi đó chủ doanh nghiệp buộc phải tiêu tốn thời gian, công sức, chi phí để thương lượng với người lao động hoặc sử dụng các biện pháp hành chính, tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc này tất yếu dẫn đến những chi phí phát sinh mà doanh nghiệp phải gánh chịu và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ khi đưa ra thi trường quốc tế và trong khu vực các nước thành viên TPP.

Giải pháp để thích ứng.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động áp dụng trước những tiêu chuẩn lao động theo Hiệp định mà ở thời điểm hiện tại có thể đáp ứng được, không giữ quan điểm bảo thủ trong toàn bộ vấn đề về lợi nhuận ngắn hạn, sử dụng lao động trẻ em và lập hội của người lao động. Doanh nghiệp phải nhận thức rằng đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về lao động liên quan đặc biệt đến loại bỏ lao động trẻ em, đảm bảo quyền tiếp cận công lý trong thực thi pháp luật lao động…. là thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời cũng là cách tốt nhất để đáp ứng xu hướng đòi hỏi tiêu chuẩn cao về lao động của khách hàng thuộc các nước thành viên TPP và trên thế giới. Mặt khác việc loại bỏ lao động trẻ em sẽ giúp cho doanh nghiệp duy trì nguồn lao động ổn định, chất lượng cao để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao về lao động quốc tế trong môi trường kỷ luật lao động cao. Với nhận thức như vậy, việc các tiêu chuẩn về lao động khi được áp dụng ngay từ bây giờ sẽ không gây ra khó khăn hay bất cập lớn cho những doanh nghiệp sau khi Hiệp định chính thức được phê duyệt.

Chủ doanh nghiệp cũng cần phải trang bị cho mình những kiến thức pháp luật về các quy định trong Hiến pháp, pháp luật lao động hiện hành và các quy định cụ thể trong chương 19 của Hiệp định TPP cũng như quy định của ILO theo nguyên tắc cơ bản tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam và theo các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Đồng thời chủ doanh nghiệp cũng phải có bộ phận chức năng tích cực nghiên cứu, giám sát các hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động trong doanh nghiệp mình có phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực thi quyền đại diện, bảo vệ cho các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại doanh nghiệp nơi họ làm việc hay không. Theo đó các tổ chức của người lao động không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào, cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ mục đích và Điều lệ hoạt động đã được đăng ký với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

ThS. Nguyễn Duy Phương (Đại học Lao động - Xã hội)

 

Tài liệu tham khảo, trích dẫn



[1] Thái Linh, “Thi hành 5 công ước cơ bản của ILO: Còn nhiều bất cập”- Báo Lao động số 156, tháng 07/2014

[2] Thông tư 11//2013/TTBLĐTBXH của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, ngày 11/06/2013

[3] Bộ LĐTB&XH, Tổng Cục thống kê, ILO “Điều tra quốc gia về lao động trẻ em 2012”, Tr.25-28, tháng 3/2014.

 

Từ khóa: TPP lao động