Xã hội
Đo lường công việc không được trả lương của phụ nữ Việt Nam
09:51 AM 24/05/2017
(LĐXH) - Ngày 23/5, tại Hà Nội, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh Xã hội) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế của Canada (IDRC) tổ chức hội thảo “Đo lường công việc không được trả lương theo giới: xem xét dưới phạm vi kinh tế vĩ mô và hộ gia đình”.
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo có TS. Đào Quang Vinh- Viện trưởng viện Khoa học lao động Xã hội; Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới; TS. Anindya Chatterjee - Giám đốc IDRC Văn phòng Châu Á - đại diện dự án “Đo lường công việc không được trả công của phụ nữ”. Cùng các chuyên gia đến từ trường đại học Berkerly, California, USA; đại học Lao động Xã hội; Học viện Phụ nữ Việt Nam...
Công việc chăm sóc không lương là những công việc được thực hiện trong gia đình như: Nấu ăn, lau chùi, giặt giũ quần áo, chăm sóc trẻ em, người già... bởi các thành viên của gia đình để duy trì cuộc sống mà không được trả lương. Mặc dù công việc chăm sóc không lương có vai trò đặc biệt quan trọng để duy trì cuộc sống của các cá nhân và xã hội nhưng nó lại trở nên vô hình. Những hoạt động này không được tính trong Hệ thống tài khoản quốc gia và GDP. Điều đó cũng có nghĩa công việc chăm sóc không lương được gán cho là không có giá trị về kinh tế bất chấp một thực tế về những đóng góp to lớn của công việc này cho nền kinh tế và xã hội. Ở nhiều nước, công việc chăm sóc không lương được xem là vấn đề riêng của mỗi gia đình với trách nhiệm chủ yếu là của phụ nữ và trẻ em gái thay vì công việc cần phải tái phân bổ giữa các chủ thể khác nhau của xã hội.
Nghiên cứu mới cho thấy khoảng cách về giới trong việc chia sẻ công việc gia đình ở Việt Nam thấp hơn với nhiều nước khác trên thế giới. Nghiên cứu này đã được tiến hành theo dự án "Đo lường việc làm của phụ nữ" được phối hợp thực hiện bởi Đại học California, Berkeley, Trung tâm Đông Tây, Honolulu, và Đại học Cape Town ở Nam Phi. Nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ William and Flora Hewlett và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế (IDRC) hỗ trợ. Kết quả đã chỉ ra rằng nam giới và phụ nữ ở Việt Nam chia sẻ việc nhà nhiều hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, giữa đàn ông và các em trai với  phụ nữ và các em gái vẫn tồn tại sự chênh lệch về thời gian dành cho các công việc gia đình. Thời gian dành cho công việc gia đình có liên quan đến việc học hành- các em gái dành ít thời gian cho việc học hơn các em trai vì các em phải làm việc nhiều hơn ở nhà.

Ở Việt Nam, theo dữ liệu năm 2015, người trưởng thành (20 tuổi trở lên) đã dành 22,3 giờ một tuần cho công việc trên thị trường và 32,6 giờ một tuần cho công việc chăm sóc không được trả lương và công việc gia đình thường được gọi là “công việc của phụ nữ”. Đối với phụ nữ, những con số này là 19,7 giờ và 38,7 giờ và đối với nam giới là 25,1 giờ và 26,2 giờ. Công việc chăm sóc không lương và công việc nhà chiếm 61% thời gian làm việc, trong đó phụ nữ thực hiện 60%. Phụ nữ cũng tham gia 45% công việc trên thị trường. Định giá thời gian sử dụng trong công việc chăm sóc không lương và công việc gia đình ở mức lương tối thiểu của thị trường, giá trị của công việc này bằng 17-48% GDP, tùy thuộc vào việc chăm sóc không lương được định giá như thế nào, so với 70% GDP của thị trường lao động.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động rất cao. Sự chú trọng đến bình đẳng giới trong thị trường lao động là đóng góp quan trọng vào sự thành công trong công việc thu hẹp khoảng cách về giới trong tỷ lệ trẻ em đến trường, thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới trong những năm gần đây.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự cần thiết phải xem xét vấn đề chia sẻ công việc gia đình giữa nam và nữ hay rộng hơn là vấn đề bình đẳng giới trong công việc không được trả lương như thế nào. Tuy nhiên, thực thi một số chính sách trong thực tế còn nhiều vướng mắc, hiệu quả chưa cao. Điển hình là chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Lồng ghép trong xây dựng và thực thi các chính sách lao động - việc làm chưa đầy đủ và hiệu quả.

TS. Đào Quang Vinh phát biểu khai mạc hội thảo

TS. Đào Quang Vinh đề nghị các đại biểu thảo luận để có cái nhìn đầy đủ hơn về những đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trên cả cấp độ vĩ mô (nền kinh tế) và vi mô (hộ gia đình). trên cơ sở đó, có các đề xuất, khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường bình đẳng giới ở Việt Nam.

Tại hội thảo, Giám đốc IDRC-  Văn phòng Châu Á, Ts. Anindya Chatterjee nhấn mạnh là, nghiên cứu đã mổ sẻ về vấn đề bình đẳng giới: “Sự thành công của phụ nữ Việt nam sẽ khích lệ các nước khác trong khu vực và trên thế giới”. 

TS. Anindya Chatterjee phát biểu tại hội thảo

Theo truyền thống, thị trường lao động của Việt nam đã có sự tham gia của phụ nữ. Sự chú trọng của Việt Nam vào vấn đề bình đẳng giới đã tạo nên sự thành công của Việt Nam trong việc thu hẹp khoảng cách về giới trong việc đến trường (Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu WEF 2016). Mặc dù khoảng cách tiền lương theo giới vẫn còn tồn tại tại Việt Nam, một báo cáo khác gần đây đã cho thấy thành công của Việt Nam trong việc thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới trong những năm gần đây so với các nước thu nhập trung bình thấp khác trên thế giới (Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu WEF 2016).

Còn ông Edgard Rodriguez, Chuyên gia chương trình cao cấp của IDRC nhấn mạnh, "Mục tiêu chính của nghiên cứu này là xem xét vấn đề bình đẳng giới trong phạm vi hộ gia đình và giữa các thế hệ. Ông Rodriguez giải thích rằng mặc dù phương pháp Chuyển giao tài khoản quốc gia (NTA) đo lường các hoạt động kinh tế, nhưng phương pháp này bỏ qua các công việc chăm sóc trong gia đình do các công việc này không được trả lương và hầu hết phụ nữ đang phải thực hiện công việc này. Đo lường công việc không được trả lương có thể thực hiện được bằng một phương pháp đột phá mới: Chuyển giao tài khoản quốc gia về thời gian (NTTA) - sử dụng dữ liệu về thời gian để đo lường mức sản xuất, tiêu thụ và chuyển giao thời gian không được trả lương trong cùng một khuôn khổ với các ước tính của NTA . Khái niệm truyền thống "Các công việc của phụ nữ" đã bị loại khỏi các chỉ số kinh tế chính thống chủ yếu của chúng ta", Rodriguez nói.  Nghiên cứu được đựa ra dựa trên cuộc điều tra thí điểm về việc sử dụng thời gian ở Việt Nam, trong cuộc điều tra này người được hỏi được yêu cầu cung cấp thông tin về các hoạt động của họ trong khoảng thời gian 24 giờ. Cuộc điều tra này kết thúc năm 2015, là cuộc điều tra đầu tiên của quốc gia về sử dụng thời gian.

Tại hội thảo, một số khuyến nghị chính sách được đưa ra, bao gồm: Nhân rộng nghiên cứu thí điểm về sử dụng thời gian trên quy mô lớn hơn; Nhận thức được tầm quan trọng của công việc chăm sóc không lương và công việc tại Việt Nam; Xem xét các khả năng đầu tư cơ sở hạ tầng về nước, điện, và giao thông để giảm thiểu thời gian dành cho các công việc chăm sóc gia đình không được trả lương; Khuyến khích đối thoại quốc gia về các chuẩn mực về vai trò giới, trong gia đình cũng như trong thị trường lao động; Thực hiện các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển các doanh nghiệp thông qua hỗ trợ tiếp cận tín dụng và đào tạo kỹ năng và trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc nhằm giúp phụ nữ tìm kiếm mức lương tốt hơn và chống lại sự phân biệt tiền lương theo giới; Xem xét các chính sách hỗ trợ dịch vụ chăm sóc trẻ em cung cấp bởi thị trường cho phụ nữ trưởng thành; đồng thời hỗ trợ cả phụ nữ trẻ và nam giới, khi mà trách nhiệm chăm sóc cho các thành viên trong gia đình họ lấn át thời gian dành cho giáo dục./.

Nguyễn Hiền