Xã hội
Định hướng truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
08:52 PM 13/05/2018
(LĐXH) - Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2018, ngày 12/5/2018, tại TP.HCM, Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội thảo Định hướng truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em phát biểu tại Hội thảo

Tham dự hội thảo có ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em; bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em; ông Nguyễn Hoài Nam – Đại diện Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đại diện một số cơ quan báo, đài tại TP.HCM.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết: “Những năm gần đây, Chính phủ, xã hội, doanh nghiệp và người lao động rất quan tâm đến vấn đề cách mạng công nghiệp thế hệ thứ 4 hay còn gọi là cách mạng 4.0 trong đó có vấn đề liên quan đến công nghệ số. Và cuộc sống an toàn, lành mạnh của trẻ em trên môi trường mạng cũng như trên thế giới công nghệ số đang đặt ra nhiều vấn đề khá cấp bách hiện nay. Và nó được thể hiện ở 2 góc độ. Góc độ thứ nhất: Là làm sao để thế giới công nghệ số và môi trường mạng phát huy đến mức tối đa cái lợi ích cho trẻ em và góc độ thứ hai là cần phải nâng cao nhận thức cho xã hội, cho các cơ quan, tổ chức, gia đình và chính trẻ em về những tiêu cực và rủi ro đến với trẻ em trên môi trường mạng và công nghệ số tác động.

Bên cạnh đó, về mặt tiêu cực của môi trường mạng tác động đến trẻ em ông Nam cũng chỉ ra một số nội dung như: Thông tin liên quan đến bạo lực tình dục trái với thuần phong mỹ tục, không phù hợp đến lứa tuổi phát triển của trẻ em; Hội chứng nghiện mạng, nghiện game của thanh thiếu niên và căn bệnh này cũng đã được các nước cảnh báo; Vấn đề trẻ em bị bóc lột, bị bạo lực trên môi trường mạng như tiết lộ bí mật đời sống riêng tư trên môi trường mạng; Xâm hại trẻ em(bạo lực tình dục) trên môi trường mạng.

Tại hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về giảm thiểu rủi ro của trẻ em trên môi trường mạng, ông Nguyễn Hoài Nam, Đại diện Cục An toàn thông tin cho biết: Hiện nay, có 2 giải pháp, đó là giải pháp về quản lý nhà nước và giải pháp giành cho gia đình.

Theo đó, về giải pháp quản lý nhà nước sẽ có 3 nội dung chính là: Quy định đối với nhà cung cấp dịch vụ; Cung cấp kênh thông tin về bảo vệ trẻ em trên mạng; Tuyên truyền ứng dụng kỹ thuật để giảm thiểu rủi ro của trẻ em trên mạng

Còn về giải pháp dành cho gia đình, theo ông Nam sẽ có 4 phương pháp chính, đó là: Để các thiết bị truy cập Internet ở vị trí có thể truy cập được; Kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ điều hành và trình duyệt Web; Thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em; Cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em (Ví dụ: Qustodio: https://www.qustodio.com/en/ công cụ quản lý máy tính; KidLogger: http://kidlogger.net công cụ nắm bắt hoạt động của trẻ em trên mạng; Zoodles: https: //www.zoodles.com trình duyệt web an toàn cho trẻ) và giải pháp quan trọng nhất đó là cha mẹ và nhà trường cần hưỡng dẫn trẻ em sử dụng mạng internet an toàn đồng thời lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi sử dụng internet.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng được lắng nghe một số bài tham luận cũng như nhiều câu hỏi thắc mắc liên quan đến bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em liên quan đến môi trường mạng của đại diện một số đơn vị báo, đài  được đặt ra cho ban tổ chức hội thảo.

Về liên quan đến Tháng hành động vì trẻ em năm 2018, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cũng cho biết: Năm nay, Tháng hành động với chủ đề: “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” sẽ được tổ chức để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền phổ biến, vận động các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.

Mục đích, nội dung của Tháng hành động vì trẻ em năm nay đó là đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được tham gia vào các vấn đề của trẻ em và quyền được bảo vệ để không bị xâm hại trong thế giới công nghệ số; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình trong việc phát huy các tác động tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em; Thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục, kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em; Thực hiện “ Mùa hè an toàn cho trẻ em”, tổ chức thực hiện tốt phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền cơ sở, các tổ chức, đoàn thể trong việc quản lý trẻ em./.

Lê Việt