Sức khỏe - Đời sống
Diễn đàn Y tế Tương lai 2018: Cơ hội chia sẻ kinh nghiệm về các xu hướng toàn cầu trong chính sách chăm sóc sức khỏe
07:32 PM 12/11/2018
(LĐXH) Trong hai ngày 12-13/11/2018, tại Hà Nội, Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp cùng tập đoàn Novartis tổ chức Diễn đàn Y tế Tương lai lần thứ 11 – khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Diễn đàn năm nay có chủ đề “Kiến tạo con đường tương lai cho ngành y tế: Sử dụng nguồn lực và vận hành hiệu quả để đạt kết quả tối ưu đối với các quốc gia có dân số già nhanh tại châu Á” quy tụ nhiều báo cáo viên và các đại biểu quan trọng.
Đây là một sự kiện Novartis tổ chức thường niên nhằm kết nối các nhà lãnh đạo, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cùng nhau trao đổi sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các xu hướng toàn cầu về chính sách y tế và phát triển các giải pháp cho những thách thức đối với ngành y tế hiện nay. Mỗi năm, một quốc gia ở châu Á được chọn làm nước chủ nhà. Năm nay, diễn đàn quay trở lại Việt Nam trong bối cảnh nước ta đang chứng kiến nhiều sự biến chuyển và phát triển mạnh mẽ ở lĩnh vực y tế.
Họp báo trong khuôn khổ Diễn đàn Y tế tương lai 2018
“Năm nay, Novartis vinh dự khi có cơ hội hợp tác cùng Tổng hội Y học Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn Y tế Tương lai lần thứ 11 – Khu vực châu Á Thái Bình Dương. Diễn đàn thể hiện sự cam kết của Novartis trong việc hỗ trợ cải thiện ngành y tế Việt Nam về chất lượng khám chữa bệnh, chi phí và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho người dân. Chúng tôi mong muốn trở thành đối tác tin cậy trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam thông qua việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống y tế quốc gia” ông Roeland Roelofs, đại diện Novartis Việt Nam phát biểu.   
PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam chia sẻ với báo giới tại cuộc họp báo trong khuôn khổ Diễn đàn: “Trong xu thế hội nhập và phát triển, ngành y tế Việt Nam cũng như các quốc gia châu Á đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đột phá về nhiều mặt, nhất là về chất lượng nhân lực, khoa học công nghệ và mô hình quản lý, vận hành. Đặc biệt, khi đặt trong bối cảnh tình trạng lão hóa dân số đã và đang diễn ra ngày càng phổ biến không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các quốc gia châu Á, đặt ra nhiều thách thức lớn, có tác động lâu dài cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ở mỗi quốc gia, thì việc sử dụng các nguồn lực, quản lý vận hành sao cho hiệu quả là điều nên được quan tâm và chú trọng thực hiện.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn
Mục tiêu của Diễn đàn nhằm tạo điều kiện kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách y tế và các chuyên gia học thuật đầu ngành để trao đổi các ý tưởng, sáng kiến, chia sẻ các kinh nghiệm hay từ các nước trong khu vực và thảo luận các xu hướng toàn cầu về chính sách chăm sóc sức khỏe, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển một hệ thống y tế hoạt động hiệu quả, bền vững.
Thay mặt Tổng hội Y học Việt Nam, tôi xin gửi lời cám ơn tới Tập đoàn Novartis đã hỗ trợ tổ chức Diễn đàn lần này. Những đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách tại diễn đàn sẽ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia châu Á nói chung, cũng như tăng cường sự hợp tác về lĩnh vực y tế trong khu vực”
TS.BS. Nguyễn Văn Tiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam cũng có phần chia sẻ về việc chăm sóc sức khỏe toàn dân và sự chuyển đổi hệ thống y tế tại Việt Nam.  
Những báo cáo viên khác của diễn đàn bao gồm: GS. Jeong Hyoung-Sun, đến từ Đại học Yonsei, Hàn Quốc; ông Amos Garcia, Milken Institute tại Singapore; Dr. David Duong của Harvard Medical School; PGS.TS.BS. Đỗ Quang Huân, Giám đốc Viện tim TP.HCM, Việt Nam; ông Phạm Anh Đức, Nhà sáng lập và Tổng giám đốc ViCare; ông Edward Booty, Tổng giám đốc Allied World Health; Dr. Sutayut “Tam” Osornprasop, Chuyên viên phát triển nhân sự cấp cao, Ngân hàng thế giới; PGS.TS.BS. Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế; PGS.TS.BS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường Việt Nam, Bộ Y tế; Dr. Po-chang Lee, National Health Insurance Administration, Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan; TS. Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế — Bộ Y tế; ông Iwan Pasila, Giám đốc PT. Mandiri InHealth Indonesia; Dr. Suthira Taychakhoonavudh, ĐH Chulalongkorn, Thái Lan; Dr. Chang Liu, Giám đốc điều hành, Access Health International; và bà Prastoeti Soewondo, TNP2K, Văn phòng Phó chủ tịch nước Cộng hòa Indonesia.
 Diễn đàn Y tế tương lai 2018 có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo,
các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Theo TS.BS Tống Thị Song Hương, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn Phòng Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Vụ Trưởng Vụ Bảo Hiểm Y Tế, Bộ Y Tế Việt Nam: Ba chủ đề chính được thông tin và chia sẻ trong 2 ngày diễn ra hội nghị, bao gồm: (1) Mục tiêu dành cho hệ thống y tế tại châu Á: Mô hình hiện tại sẽ kéo dài đến khi nào?; (2) Tăng cường sự đóng góp từ xã hội và bệnh nhân: gia tăng sức khỏe, giảm chữa bệnh; (3) Dẫn đầu và đóng góp vào sức khỏe chung toàn cầu - Xây dựng các kiểu mẫu y tế điển hình tại châu Á.
Đối với tiểu chủ đề đầu tiên,Mục tiêu dành cho hệ thống y tế tại châu Á – Mô hình hiện tại sẽ kéo dài đến khi nào?”, các báo cáo viên sẽ chia sẻ những góc nhìn, phân tích chuyên sâu về nhu cầu, thách thức đặt ra đối với hệ thống y tế các nước châu Á, cũng như sự kết nối và sáng tạo trong toàn hệ thống y tế để cùng tạo ra những chương trình mang đến lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân; và việc áp dụng các ứng dụng công nghệ mới và kỹ thuật số để vận hành hệ thống y tế một cách hiệu quả và bền vững.
Tiếp theo đó, tiểu chủ đề thứ hai “Tăng cường sự đóng góp từ xã hội và bệnh nhân: gia tăng sức khỏe, giảm chữa bệnh” sẽ xoay quanh những thách thức ngày càng lớn trong hệ thống y tế, từ đó tìm ra cách tiếp cận tối ưu và lâu dài từ việc phối hợp các ngành, hướng đến việc xây dựng một hệ thống y tế bền vững.
Tiểu chủ đề cuối cùng“Dẫn đầu, đóng góp vào sức khỏe chung toàn cầu - Xây dựng các mô hình kiểu mẫu y tế điển hình tại châu Á” sẽ được phân tích tại ngày làm việc thứ hai, tập trung vào 3 phần chính: Bảo hiểm y tế công – tư; Các bước tiếp cận gần hơn tới đánh giá kỹ thuật can thiệp y tế dựa vào giá trị, và cuối cùng là các yếu tố cần thiết để xây dựng nguồn lực tài chính bền vững, từ đó hỗ trợ bảo hiểm y tế công.
Những chủ đề này đã thể hiện sự quan tâm chung, thiện chí và quyết tâm của tất cả chúng ta trong việc thúc đẩy việc phát triển một nền y tế một cách bền vững, thông qua việc sử dụng nguồn lực và vận hành hiệu quả để đạt kết quả tối ưu trong việc khám chữa bệnh, mang lại những lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân.
 Thảo Lan