Kinh tế
Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022: Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước phục hồi và phát triển sau đại dịch
11:53 AM 02/10/2022
(LĐXH)- Chiều ngày 1/10/2022, tại Hà Nội diễn ra phiên chính thức Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022 với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước phục hồi và phát triển sau đại dịch”.
Diễn đàn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp tổ chức với mục tiêu tạo động lực thúc đẩy đất nước vượt lên thách thức sau đại dịch, phát triển bền vững với tầm nhìn năm 2045.
Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và hơn 500 đại biểu là hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ đang có dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đại diện các trung tâm hỗ trợ, vườn ươm tạo khởi nghiệp, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ở nước ngoài…
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết, sau Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia lần thứ nhất năm 2018 và lần thứ hai năm 2020, nhiều chính sách đã được các bộ, ngành xây dựng, điều chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi sau những ảnh hưởng toàn diện và sâu rộng từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bằng sự đoàn kết, đồng lòng, chúng ta đang nỗ lực vượt qua, từng bước khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn
Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn tin tưởng Diễn đàn sẽ tiếp tục đón nhận được nhiều sáng kiến, giải pháp chất lượng, để góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, từ đó tạo động lực thúc đẩy cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đồng hành cùng đất nước vượt lên thách thức sau đại dịch và xa hơn là tham gia xây dựng đất nước phát triển hùng cường vào năm 2045.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những ý kiến, giải pháp mà các đại biểu đã đề xuất nhằm tiếp tục đóng góp cho việc cải thiện môi trường, thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; thúc đẩy cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đồng hành cùng đất nước vượt lên thách thức sau đại dịch. Đồng thời mong muốn thanh niên Việt Nam tiếp tục sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp, sáng tạo, từ đó đưa đất nước phát triển.
Anh Nguyễn Ngọc Lương, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn
Nhấn mạnh về những thách thức đặt ra hiện nay cho đất nước, đặc biệt là sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, để tiếp tục quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, thanh niên là một trong những lực lượng có vai trò, đóng góp quan trọng. Do đó, cần tiếp tục nuôi dưỡng, thôi thúc tinh thần làm giàu chính đáng trong mỗi thanh niên nói riêng cũng như người dân Việt Nam nói chung và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; qua đó góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như cải thiện các chỉ số cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế như chỉ số về môi trường kinh doanh, về phát triển bền vững, về sự phát triển của thị trường...; đồng thời thể hiện cam kết hỗ trợ của Chính phủ và sự tăng cường chất lượng pháp lý.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý quá trình khởi nghiệp luôn tiềm tàng những khó khăn với độ rủi ro cao, bởi vậy ngay từ đầu quá trình khởi nghiệp sáng tạo, thanh niên nên chú trọng đến những tiêu chí phát triển bền vững như “xanh”, “sạch”, “an toàn”...; ưu tiên phát triển những mô hình có sự lan tỏa, đóng góp cho việc phát triển cộng đồng như nông sản sạch, du lịch cộng đồng..., đồng thời cần duy trì tâm thế về trách nhiệm đối với xã hội.
  1. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành tham quan các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên
Tại buổi đối thoại, thanh niên, doanh nhân trẻ đang có các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã đối thoại trực tiếp với lãnh đạo các bộ, ngành về cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam; giải pháp để thanh niên khởi nghiệp tham gia giải quyết những bài toán lớn của đất nước. Các đại biểu cũng chia sẻ cách làm của mình, đề xuất những giải pháp để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Từng tham gia 5 diễn đàn khởi nghiệp quốc gia, doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Duy Hà chia sẻ, hiện nay, doanh nghiệp logistics của anh đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng và cần một cơ chế để vươn lên vượt ra ngoài, tiếp cận sự hợp tác toàn cầu, trong đó có đào tạo, nâng cấp chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Đại biểu Phạm Quốc Dũng (đại diện Quỹ Đầu tư ThinkZone Ventures) đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu và đưa ra cơ chế đột phá cho việc đầu tư, thoái vốn, rút vốn, chuyển nhượng vốn nhanh chóng dành riêng cho đối tượng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Shark Lê Đăng Khoa nêu ý kiến về cơ chế trao đổi nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các nước có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Những điều kiện thuận lợi trong chính sách visa hay giấy phép lao động sẽ giúp thu hút, tạo điều kiện cho nhóm chuyên gia có năng lực đổi mới sáng tạo đến với Việt Nam. Đồng thời, ông đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao xem xét có cơ chế đặc thù và đột phá để tạo điều kiện thu hút, trao đổi nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo.
  1. Lãnh đạo các Bộ, ngành đối thoại, trao đổi tại Diễn đàn
Còn đại biểu Lê Duy Hoàng, doanh nghiệp công nghệ thực phẩm, mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ có hoạt động đánh giá xếp hạng gắn với hiệu quả hoạt động của các vườn ươm, các trung tâm đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp để các start-up có thể dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ sở này.
Tại phiên đối thoại với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước phục hồi và phát triển sau đại dịch”, lãnh đạo nhiều Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi, giải đáp các vướng mắc liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam như tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài và thoái vốn, rút vốn, chuyển nhượng vốn nhanh nhằm thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào các startup Việt Nam; cơ chế đột phá cho việc thu hút, trao đổi nguồn nhân lực chất lượng cao cho khởi nghiệp sáng tạo; hệ thống giấy phép và các yêu cầu hành chính trong những năm đầu hình thành startup; cơ chế, chính sách dành cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, logistics…
Thông tin về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, hiện nay, Bộ đang phối hợp với đơn vị liên quan triển khai dự án hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với mục tiêu lựa chọn 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ toàn bộ chi phí về giải pháp chuyển đổi số, tư vấn về các lĩnh vực, trong đó có logistics... tới năm 2025 .
Về việc tạo điều kiện thuận lợi trong chính sách visa hay giấy phép lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, Việt Nam hiện tiếp nhận 4 đối tượng lao động nước ngoài vào làm việc, gồm: Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động có kỹ thuật cao. Có khoảng 100 nghìn lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, rà soát kỹ Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam để đề xuất Chính phủ có những sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện và tạo điều kiện phù hợp nhất…
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ KH-ĐT đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2027 nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, kiến thức và phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Trước đó, sáng ngày 1.10, 2 diễn đàn chuyên sâu với chủ đề “Cơ chế, chính sách đặc thù để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam” và “Phát triển hệ sinh thái thanh niên khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong thách thức của kinh tế số” đã được tổ chức. Các tham luận và ý kiến đóng góp xoay quanh nhiều vấn đề quan trọng như thực trạng về cơ chế, chính sách dành cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực trẻ thích ứng với khởi nghiệp trong nền kinh tế số ./.
Thảo Lan