Xã hội
Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 sẽ được tổ chức thành phố Huế từ 26-29/9/2017
05:18 PM 20/09/2017
(LĐXH) – Ngày 20/9/2017, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Ngoại giao, VCCI tổ chức thông tin báo chí về Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017, được tổ chức thành phố Huế từ 26-29/9/2017 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐ – TBXH Đào Hồng Lan
Năm 1998, Hội nghị đầu tiên của Bộ trưởng APEC về Phụ nữ được tổ chức tại Philipines đã thừa nhận về phạm vi và mức độ phức tạp của các vấn đề mà phụ nữ và các nền kinh tế trong khu vực APEC phải đương đầu. Hội nghị đã đề xuất với các nhà Lãnh đạo APEC về thúc đẩy lồng ghép bình đẳng giới, thực hiện cách tiếp cận thực tế và có hệ thống, đầy đủ về phụ nữ tham gia vào các quá trình và hoạt động chính của APEC. Do đó, “Khuôn khổ hội nhập phụ nữ trong APEC” được ban hành năm 1999 và Nhóm Tư vấn đặc biệt cho Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM) về vấn đề Giới (AGGI) được thành lập để hỗ trợ việc thực hiện Khuôn khổ. Năm 2002, Nhóm AGGI được kiện toàn với tên mới là Mạng lưới đầu mối về Giới trong APEC (GFPN) để thúc đẩy tiến trình hội nhập của phụ nữ và duy trì thành tựu đạt được.

Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, chủ đề của WEF năm nay là Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi sẽ đóng góp vào nỗ lực chung của APEC 
Năm 2011, cùng với sự phát triển hợp tác, liên kết kinh tế đa tầng trong APEC và trước nhu cầu về tạo các cơ hội kinh tế mới cho phụ nữ trong quá trình phát triển, APEC tiếp tục phát triển Nhóm GFPN qua việc kết hợp với Mạng lưới các nhà Lãnh đạo nữ (WLN) để thành lập một cơ chế cao hơn, ở cấp độ đối tác công - tư nhằm lồng ghép và tăng cường sự ảnh hưởng của các vấn đề phụ nữ trong APEC, đó là Nhóm Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế (PPWE).
Từ đó đến nay, các nhà Lãnh đạo APEC đã nhất trí phải có những hành động cụ thể thúc đẩy tiềm năng kinh tế của phụ nữ. Vì vậy, Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế (WEF) được tổ chức hàng năm với ba hoạt động không thể tách rời : (i) Hội nghị đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế; (ii) Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế, và (iii) Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế (tương đương Hội nghị Bộ trưởng). Năm 2011, Diễn đàn được tổ chức tại Mỹ, năm 2012 tại Nga, năm 2013 tại Indonesia, năm 2014 tại Trung Quốc, năm 2015 tại Philipines, năm 2016 tại Peru và năm 2017, Diễn đàn được tổ chức tại Việt Nam.
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới phát biểu tại buổi họp báo
Theo Thứ tưởng Đào Hồng Lan, chủ đề của WEF năm naay là “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổisẽ đóng góp vào nỗ lực chung của APEC, đồng thời, cũng tiếp tục triển khai các khuyến nghị của các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC năm 2016 về hội nhập hiệu quả kinh tế, tài chính và xã hội, nâng cao quyền năng của phụ nữ cũng như tiếp cận bình đẳng của họ nền giáo dục có chất lượng và các nguồn lực kinh tế. Và đặc biệt, đóng góp vào thực hiện các ưu tiên của APEC 2017 vì thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Những nỗ lực này cũng góp phần thúc đẩy trách nhiệm của APEC đối với vấn đề toàn cầu.
Đại diện các Bộ ngành trả lời câu hỏi của các cơ quan thông tấn báo chí
Các sự kiện chính thức và bên lề của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế trong APEC năm 2017 bao gồm:
         - Hội nghị Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế APEC lần thứ 2, ngày 26-27/9/2017 (PPWE) (Hội nghị lần thứ nhất đã tổ chức tháng 5/2017): khoảng 160 đại biểu, họp kín cấp làm việc, cập nhật, thảo luận và thống nhất nội dung công tác hàng năm của Diễn đàn, hoàn thiện Văn kiện chính thức,  Dự thảo Tuyên bố Bộ trưởng năm 2017 để trình lên các Bộ trưởng (tại Đối thoại cao cấp). Chủ trì: Lãnh đạo cấp Vụ.  
         - Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC vào ngày 28/9/2017 (PPD WE): Sự kiện do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức; với hơn 500 đại biểu, họp mở rộng với sự tham dự đại diện Chính phủ và đông đảo khu vực tư nhân.
        - Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế, ngày 29/9/2017 (HLPD-WE): Là cuộc họp kín, thường niên để các Bộ trưởng 21 nền kinh tế thống nhất đưa ra Tuyên bố với những khuyến nghị chính sách thúc đẩy phụ nữ tham gia kinh tế trình lên Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo APEC 2017 vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.
Ngoài các sự kiện chính thức trên, Diễn đàn sẽ có 8 sự kiện bên lề (gồm cả hội nghị, hội thảo chuyên đề, diễn đàn và sự kiện văn hóa). Cụ thể như sau:
         - Ngày 26/9/2017: Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về phụ nữ trong kinh doanh bao trùm: Khoảng 100 đại biểu, do Philipines chủ trì.
         - Ngày 26/9: Hội thảo Phụ nữ APEC vận dụng khoa học công nghệ và phát huy sức mạnh sáng tạo: Khoảng 40 đại biểu, do Đài Bắc Trung Hoa chủ trì.
         - Ngày 27/9: Diễn đàn Phụ nữ và Giao thông  vận tải APEC: 150 đại biểu, do Mỹ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam chủ trì.
         - Ngày 27/9: Giải thưởng kinh doanh thành công trong APEC: 150 đại biểu, do Nga phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì.       
        - Ngày 27/9: Sự kiện Ẩm thực - Văn hóa - Sản phẩm của doanh nghiệp xã hội (ẩm thực và trưng bày sản phẩm, biểu diễn văn nghệ) từ 18h-21h: mời 200 đại biểu của các hội nghị dự sự kiện, do Quỹ Hòa Bình và Phát triển TP. Hồ Chí Minh chủ trì. Sự kiện được tổ chức Bảo tàng Văn hoá Huế.
         - Ngày 28/9/2017: Đối thoại công - tư về Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao tỷ lệ lãnh đạo nữ trong APEC: Khoảng 35 đại biểu, do Nhật Bản chủ trì.
         - Ngày 28/9/2017: Hội thảo Nữ doanh nhân APEC và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Khoảng 60 đại biểu, do Hàn Quốc chủ trì.
         - Ngày 29/9: Sau khi kết thúc Hội nghị Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế, tổ chức họp báo trao đổi thông tin với báo chí.
Hi vọng với sự tham gia của khoảng hơn 500 đại biểu đại diện khu vực công và tư, các CEO, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến từ 21 nền kinh tế APEC, Diễn đàn sẽ góp phần làm cho mối quan hệ đối tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân ngày càng khăng khít hơn. Đồng thời là dịp để Chính phủ của các nền kinh tế APEC được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chung của khu vực tư nhân, cùng với khu vực tư nhân bàn cách tháo gỡ, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Hà Giang