Xã hội
Điện Biên tạo môi trường xanh – sạch – đẹp gắn với nâng cao chất lượng điều dưỡng người có công
09:49 AM 27/10/2020
(LĐXHH)- Xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp gắn với nâng cao chất lượng điều dưỡng người có công với cách mạng được Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sỹ và Điều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh Điện Biên chú trọng thực hiện.
Nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của đồng chí và đồng bào cả nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.
Song song với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Điện Biên đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, duy trì và đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Trách nhiệm và tình cảm đối với người có công đã trở thành một nội dung quan trọng, nét đẹp trong đời sống văn hóa nhân dân các dân tộc toàn tỉnh. Trong đó, hoạt động chăm sóc, điều dưỡng người có công, thân nhân người có công cũng được các cấp, các ngành, địa phương ở Điện Biên quan tâm thực hiện thường xuyên.
Môi trường xanh - sạch - đẹp tạo cảm giác yên bình và thoải mái cho người có công đến điều dưỡng
Năm 2004, nhờ sự quan tâm của Bộ Lao động - TBXH, Điện Biên được đầu tư xây dựng Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sỹ và Điều dưỡng người có công với cách mạng (đóng tại phố 6, phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ). Trung tâm là đơn vị sự nghiệp (trực thuộc Sở Lao động – TBXH Điện Biên) do Nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động, kết hợp giữa tiếp đón, phục vụ thân nhân liệt sỹ trong cả nước đến Điện Biên thăm viếng, tìm kiếm mộ liệt sỹ, thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ và điều dưỡng luân phiên người có công trong tỉnh.
Nằm trong khuôn viên, cảnh quan rộng 3.153m2, hiện tại, Trung tâm có 2 khu nhà 2 tầng (A1 + A3) dành cho công tác điều dưỡng, mỗi khu nhà có 11 phòng nghỉ và 01 khu nhà  2 tầng (A2) dành cho tiếp đón thân nhân liệt sỹ, gồm 11 phòng nghỉ. Ngoài ra còn có 01 khu nhà bếp nhà ăn, khu làm việc hành chính, hội trường, nhà văn hoá thể thao.
Để phục vụ công tác đón tiếp và điều dưỡng người có công ngày một tốt hơn, tỉnh Điện Biên, Bộ Lao động – TBXH đã tạo điều kiện đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình nhà nghỉ, bếp ăn… cũng như mua sắm trang thiết bị phục vụ người có công. Đến nay, cơ sở vật chất của Trung tâm từng bước được cải thiện đáng kể, đáp ứng nhu cầu tiếp đón, chăm sóc sức khoẻ cho người có công và thân nhân người có công.
Từ khi thành lập đến nay, cán bộ, nhân viên Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sỹ và Điều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh Điện Biên đã xác định công tác điều dưỡng là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cũng như đáp ứng nhu cầu trong công tác chăm sóc sức khỏe, tinh thần của các đối tượng. Chính vì vậy, Trung tâm luôn nêu cao tinh thần phục vụ hết mình, tận tâm và trách nhiệm với những người đã chịu nhiều thiệt thòi, những người phải bỏ lại một phần xương máu của mình ở chiến trường vì nền độc lập của dân tộc.
Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, Trung tâm đã tổ chức điều dưỡng 18 đợt với tổng số 562 đối tượng là người có công với cách mạng của tỉnh Điện Biên đạt kết quả tốt. Riêng 9 tháng năm 2020, đơn vị tổ chức điều dưỡng cho 200 người có công, phục vụ 295 thân nhân liệt sĩ đến Điện Biên thăm, viếng các nghĩa trang liệt sĩ.
Thiết bị hiện đại giúp chăm sóc sức khỏe người có công tốt hơn sau mỗi đợt điều dưỡng
Lần đến Trung tâm điều dưỡng mới đây, bệnh binh Nguyễn Thế Hưởng ở phường Thanh Trường (thành phố Điện Biên Phủ), hồ hởi bảo với chúng tôi rằng: Ở đây vui lắm, được chăm sóc tận tình từ bữa ăn, giấc ngủ, nên sức khỏe cũng tốt lên. Không những vậy, mỗi cán bộ, nhân viên lại rất tận tình, ân cần và chu đáo... Thời gian chỉ chưa đầy chục ngày ở Trung tâm, nhưng với tôi, đó là cả một kỷ niệm đáng nhớ và rất xúc động về tình người. Đến đây, ai cũng dễ dàng nhận thấy khoảng khuôn viên xanh mát, không khí trong lành, thoáng đãng bởi môi trường luôn xanh – sạch – đẹp, tạo một cảm giác yên bình và thoải mái.
Dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ vừa qua, thương binh Khoàng Văn Xóm ở bản Mới 1, xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) rất vui mừng khi đây là lần thứ 4 ông được Phòng Lao động – TBXH huyện Nậm Pồ đưa về điều dưỡng ở Trung tâm. Ông Khoàng Văn Xóm tâm sự: Tôi nhập ngũ năm 1959, tham gia chiến đấu tại cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào). Năm 1964, tôi bị thương nặng, được đưa về nước điều trị và xuất ngũ sau đó với mức độ thương tật 44%. Về địa phương tôi tham gia nhiều hoạt động, từng giữ một số chức vụ ở UBND xã, đến năm 1998 thì về nghỉ hưu. Đến điều dưỡng tại Trung tâm, tôi thấy rất vui, thoải mái vì được cán bộ điều dưỡng, nhân viên y tế chăm sóc ân cần, nhiệt tình. Được kiểm tra sức khỏe hàng ngày, hướng dẫn chế độ ăn, tập thể dục phù hợp với sức khỏe bản thân; được đi tham quan các khu di tích lịch sử trên địa bàn.
Còn thương binh Tòng Văn Nún, bản Na Phát A, xã Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông), chia sẻ: Ðây là lần đầu tiên tôi về điều dưỡng tại Trung tâm, ngoài việc đón tiếp, phục vụ nồng hậu, phòng ốc còn gọn gàng sạch sẽ, khẩu phần ăn thay đổi theo từng bữa, đảm bảo dinh dưỡng và có những món ăn dân tộc rất hợp với khẩu vị của Thái như tôi. Ngoài ra, Trung tâm còn có sân tập thể dục (bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn…), ghế mát xa toàn thân hiện đại, môi trường xung quanh thì sạch sẽ…
Được biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ điều dưỡng nguời có công với cách mạng trên địa bàn, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và thông báo thời gian điều dưỡng cụ thể tới Phòng Lao động – TBXH các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, triển khai công việc cụ thể tới từng phòng chuyên môn, từng cá nhân của đơn vị để chuẩn bị cơ sở vật chất, sửa chữa những dụng cụ phục vụ sinh hoạt như: bếp nấu ăn, bàn ghế, phòng ăn, các trang thiết bị điện, nước tại các phòng nghỉ, chăm sóc cây cảnh, cây xanh bóng mát.
Tặng quà cho các đoàn người có công sau khi kết thúc mỗi đợt đến Trung tâm điều dưỡng
Bà Trần Thị Tươi, Giám đốc Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sỹ và Điều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh Điện Biên, cho biết: Do số lượng đối tượng người có công của tỉnh ít, đại đa số lại là những người tuổi cao, sức khoẻ yếu nên số lượng đi điều dưỡng tập trung rất thấp, phần lớn thực hiện chế độ điều dưỡng tại gia đình. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn khắc phục khó khăn, tạo mọi điều kiện tốt nhất để nâng cao chất lượng điều dưỡng. Lấy tiêu chí hiệu quả và chất lượng điều dưỡng làm mục tiêu đánh giá các mặt công tác của đơn vị. Áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm, các phương pháp cải tiến về chế độ dinh dưỡng, về y tế, về các biện pháp phục hồi chức năng cho thương binh, bệnh binh, người cao tuổi, các sáng kiến nâng cao sức khoẻ tinh thần cho người có công trong thời gian điều dưỡng… Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị điều chỉnh thời gian điều dưỡng cũng như chế độ dinh dưỡng và các hoạt động nâng cao thể trạng của đối tượng nhằm hoàn thiện công tác chăm sóc sức khoẻ cho người có công.
Được biết, nhiều năm qua, tại Trung tâm không xảy ra mất an toàn vệ sinh, ngộ độc thực phẩm trong quá trình điều dưỡng, đa số đối tượng sau đợt điều dưỡng đã được cải thiện đáng kể về sức khoẻ và tinh thần. Để làm được điều này, đơn vị lên kế hoạch trực lãnh đạo, trực nhà ăn, nhà phòng, riêng y sĩ và bảo vệ trực 24/24 giờ, đảm bảo an ninh trật tự cho các đợt điều dưỡng. Làm tốt công tác chuẩn bị từ khâu nhà phòng, nhà ăn, điện, nước, y tế... Đồng thời, tổ chức họp đoàn quán triệt công tác điều dưỡng, thông báo chế độ, bầu trưởng, phó đoàn.
Ngay sau khi các đối tượng đến điều dưỡng, phòng phục hồi sức khoẻ tiến hành khám và kiểm tra sức khoẻ toàn diện cho các đối tượng, lập kế hoạch chăm sóc cho từng người. Bởi lẽ, các đối tượng đến điều dưỡng phần lớn là tuổi cao, sức khoẻ yếu do vậy các hoạt động của các đối tượng không đồng đều, từ đó Trung tâm có chế độ chăm sóc thích hợp như: chế độ ăn thì thực đơn hàng ngày được thay đổi thường xuyên, hoạt động vui chơi, tập luyện phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và kết hợp với dùng thuốc bổ.
Trong thời gian điều dưỡng, ngoài việc duy trì chế độ điều dưỡng theo quy định, đơn vị còn bổ sung một số hoạt động thiết thực như: tổ chức cho các đối tượng đi thăm quan các khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ, tham quan một số điểm du lịch trong thành phố, nghe nói chuyện thời sự, giao lưu văn nghệ... Nhờ đó mà sau mỗi đợt điều dưỡng, nhìn chung các đối tượng đều tăng từ 0,5 đến 3kg, sức khoẻ và tinh thần được cải thiện rõ rệt.
Đánh giá về chất lượng công tác điều dưỡng cũng như kết quả các mặt nhiệm vụ công tác, Giám đốc Trung tâm Trần Thị Tươi, cho biết: Trong quá trình hoạt động, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Sở Lao động – TBXH Điện Biên, sự phối kết hợp các phòng, ban của Sở và Phòng Lao động - TBXH các địa phương. Ban Giám đốc Trung tâm luôn sát sao tới mọi hoạt động phục vụ người có công, từ đưa đón, ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện phục hồi chức năng đến tổ chức đưa đoàn đi tham quan các khu di tích và danh lam thắng cảnh trong tỉnh, tổ chức nói chuyện thời sự, tư vấn sức khỏe… Quy trình đón tiếp người đến điều dưỡng có nhiều thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và nhu cầu của người có công, như: tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyên môn, giao tiếp ứng xử; thường xuyên đánh giá sự hài lòng của người đến điều dưỡng đối với công tác phục vụ của cán bộ, kịp thời xử lý những vướng mắc, phát sinh trong quá trình điều dưỡng.
Chiến tranh đã lùi xa, song những di chứng để lại còn rất nặng nề, biết rằng sẽ mãi không thể bù đắp được những mất mát và nỗi đau mà họ gánh chịu, vẫn biết rằng khó có thể trị khỏi hoàn toàn những vết thương ấy. Song bằng những việc làm với tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sỹ và Điều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh Điện Biên đã và đang góp phần mang đến niềm vui, sự hài lòng cho các thương, bệnh binh, đối tượng người có công trên địa bàn.

Chí Tâm