Thời sự
Diễn biến dịch COVID-19 ngày 26/3
10:45 AM 26/03/2020
(LĐXH) - Số liệu tổng hợp từ website worldometers.info cho thấy tính đến 7h00 ngày 26/3, cả thế giới có 468.155 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 21.180 ca tử vong. Như vậy, chỉ trong 24 giờ qua, số ca mắc mới bệnh COVID-19 đã tăng thêm 44.106 trên toàn thế giới, số ca tử vong tăng thêm 2.255.
Tại Trung Quốc, ngày 26/3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) tiếp tục không ghi nhận thêm ca lây nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nào ở Trung Quốc đại lục. 
Theo NHC, trong ngày 25/3, Trung Quốc đã phát hiện thêm 67 ca mắc COVID-19 và tất cả các trường hợp này đều là những người nhập cảnh vào nước này.
Cùng ngày, NHC đã ghi nhận tổng cộng 401 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 được phép xuất viện, nâng tổng số ca được điều trị thành công ở Trung Quốc lên 74.051 trường hợp. Như vậy, tính đến hết ngày 25/3, Trung Quốc đại lục đã xác nhận tổng cộng 81.285 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.287 trường hợp tử vong.
Tính đến nay, Trung Quốc, Italy, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Iran, Pháp, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Anh là 10 nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trên thế giới.
Tại Hàn Quốc, cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 26/3 cho biết tổng số ca nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này tăng thêm 104 ca lên 9.241 ca. Số ca tử vong tăng thêm 5 ca, lên thành 131 ca trong khi số ca hồi phục là 4.144.
Theo kế hoạch, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ khai mạc hội nghị nêu trên vào lúc 21 giờ ngày 25/3 (theo giờ Seoul) để thảo luận về COVID-19 sau đề xuất của Tổng thống Moon Jae-in trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hồi đầu tháng.
Trước đó một ngày, ngày 24/3, Hàn Quốc công bố gói cứu trợ khẩn cấp 42.000 tỷ won (34 tỷ USD) để giảm bớt tình trạng căng thẳng tín dụng và ổn định thị trường tài chính do tác động xấu của dịch COVID-19. Gói cứu trợ được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh đến các công ty Hàn Quốc cũng như thị trường tài chính nước này.        

Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố kế hoạch tăng gấp đôi gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lên 100.000 tỷ won (80 tỷ USD).
Tại Iran, trước tình hình số ca mắc COVID-19 và tử vong trong nước ngày một tăng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định sẽ áp đặt các biện pháp quyết liệt hơn, trong đó có việc cấm đi lại, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Các biện pháp mới sẽ được áp dụng trong 15 ngày và có thể được tiến hành ngay từ đêm 25/3.
Cho đến nay, Iran vẫn chưa áp dụng biện pháp cấm đi lại, chỉ vận động người dân nên ở nhà. Tuy nhiên, đa số người dân phớt lờ khuyến cáo này. Bất chấp tình hình dịch bệnh, cuối tuần qua, hằng trăm người dân Iran vẫn đổ ra các đường phố để tận hưởng kỳ nghỉ Năm mới Ba Tư kéo dài 2 tuần.
Do đó, người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei ngày 25/3 cảnh báo này có thể đối mặt với một làn sóng bùng phát COVID-19 thứ hai.
Nước Đức đã ghi nhận hơn 37.179 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 206 ca tử vong, tăng 49 ca so với một ngày trước đó.         

Các bang có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất là Nordrhein-Westfalen (9.686 ca nhiễm, 66 ca tử vong), Bayern (7.289 ca nhiễm, 41 ca tử vong) và Baden-Württemberg (7.252 ca nhiễm, 56 ca tử vong). Thủ đô Berlin ghi nhận 1.645 ca nhiễm và 4 ca tử vong.

Theo tờ die Welt (Thế giới), Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn và Chánh văn phòng Thủ tướng Đức Helge Braun đều thống nhất quan điểm với các chính trị gia và nhà khoa học rằng, Đức không thể đứng trước tình trạng khẩn cấp lâu dài.
Trong tương lai gần, việc hạn chế có khả năng áp dụng chủ yếu đối với người già và những người mắc các bệnh nền. Những hạn chế đối với đời sống kinh tế và công cộng càng kéo dài sẽ gây thiệt hại càng lớn, cả về kinh tế lẫn con người.
Tại Mỹ, đã có 64.832 người nhiễm bệnh COVID-19, trong đó 913 người tử vong. Mỹ là ổ dịch COVID-19 "nóng" thứ hai thế giới vào thời điểm này, chỉ sau Italy. Đáng lưu ý, Mỹ đã xác nhận trường hợp trẻ em đầu tiên tử vong do COVID-19 tại thành phố Los Angeles dù bệnh nhân trước đó có tình trạng sức khỏe tốt. Đây là ca tử vong ở trẻ em đầu tiên do virus SARS-CoV-2 tại Mỹ và là ca tử vong thứ ba trên thế giới ở độ tuổi này. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/3 đã kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua dự luật trị giá 2.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ và kích thích nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo dự kiến, Thượng viện Mỹ sẽ thông qua dự luật này cùng ngày, sau đó Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu vào ngày 26/3, mặc dù vẫn còn những bất đồng vào phút chót liên quan đến tiền trợ cấp thất nghiệp.
Hiện tại, Italy là nước có số ca COVID-19 tử vong cao nhất thế giới. Tính tới 6h sáng 26/3, nước này ghi nhận thêm 5.210 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 74.386 ca, trong khi có 683 ca tử vong mới. Tổng cộng, Italy đã ghi nhận tới 7.503 ca tử vong. Trong khi đó, số bệnh nhân được điều trị thành công là 9.362 trường hợp (tăng 1.036 ca).       

Tại vùng tâm dịch Lombardy, tổng số ca nhiễm bệnh được ghi nhận là 32.346 trường hợp (tăng 1.643 ca). Trong đó, số ca tử vong tăng thêm 296 trường hợp, nâng tổng số bệnh nhân thiệt mạng ở vùng này lên 4.474 trường hợp. Trong tổng số 11.262 ca nhập viện có 10.026 trường hợp phải nhập viện với các triệu chứng, và 1.236 trường hợp phải chăm sóc tích cực.         

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 25/3, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WTO) tại Italy, ông Ranieri Guera cho biết dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia Nam Âu này có thể sẽ đạt đỉnh điểm trong tuần này, sau đó sẽ giảm dần.
Thục Quyên (Tổng hợp)
 

 

 

Từ khóa: Covid-19