Lao động
Điểm tên 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động thấp nhất
08:04 AM 13/08/2022
(LĐXH)- Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương để đôn đốc thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ được tổ chức ngày 12/8, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã điểm tên 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động thấp nhất.
Thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tính đến 18 giờ ngày 11/8/2022, 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất gồm: An Giang 0,36%, Hải Phòng 0,40%, Bình Định 0,47%, Nghệ An 0,95%, Vĩnh Long 1,06%, Thanh Hóa 1,16%, Bắc Ninh 1,57%, Quảng Trị 1,60%, Quảng Nam 2,16%, Bình Thuận 2,25%. Đặc biệt có 4 địa phương đã nhận hồ sơ, duyệt hỗ trợ nhưng chưa thực hiện giải ngân là Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tới đây Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ thường xuyên cập nhật các địa phương chậm giải ngân trên các phương tiện thông tin truyền thông

Ông Nguyễn Quí Quý, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Nam, thông tin: Tính đến ngày 10/8, các địa phương của tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 148 doanh nghiệp, với tổng số lao động hơn 7.200 lượt người, tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng. Trong đó, Quảng Nam sẽ hỗ trợ cho người lao động đang làm việc tại 127 doanh nghiệp, với hơn 7.000 lượt lao động, kinh phí hỗ trợ hơn 3,5 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động quay lại thị trường lao động tại 21 doanh nghiệp, với 174 lượt lao động, kinh phí hỗ trợ 174 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế đến nay, số tiền đã chi hỗ trợ đạt tỷ lệ còn thấp so với quyết định phê duyệt tại các địa phương.
“Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn không kịp thời lập danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng mà gộp 2 - 3 tháng mới lập danh sách gửi cho cơ quan Bảo hiểm Xã hội, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố xác nhận. Do đó tiến độ thực hiện chính sách bị chậm” - Phó Giám đốc Nguyễn Quí Quý, lý giải. 
Trao đổi tại hội nghị, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: Lãnh đạo địa phương nhận thức và thấu hiểu về tầm quan trọng của chính sách này và rất quan tâm chỉ đạo triển khai. Tuy nhiên, địa phương có số giải ngân thấp so với kế hoạch do thực tế số người lao động thuộc diện hỗ trợ thấp hơn dự kiến ban đầu. Quảng Nam cam kết là chậm nhất đến ngày 15/8, địa phương sẽ hoàn thành nhận hồ sơ và đảm bảo đến 31/8 hoàn thành việc giải ngân chi trả chính sách hỗ trợ cho người lao động.
“Quan điểm của tỉnh là trên địa bàn nào còn người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ mà doanh nghiệp không báo cáo khiến người lao động thiệt thòi thì doanh nghiệp đó phải tự bỏ tiền hỗ trợ cho công nhân. Sau ngày 31/8, nếu có người lao động khiếu nại khiếu kiện, doanh nghiệp phải xuất tiền chi trả theo mức hỗ trợ của Chính phủ cho người lao động” - Phó Chủ tịch Trần Anh Tuấn, cho biết. 
Là một trong 4 địa phương chưa giải ngân đồng nào, thì sau hội nghị giao ban, đúng 15h chiều ngày 12/8, tỉnh Sơn La đã hoàn thành việc hỗ trợ tiền thuê nhà trọ tới tay 13 lao động với tổng số tiền 18.500.000 đồng. Như vậy, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Sơn La đã quyết tâm thực hiện lời hứa trước hội nghị là nếu sau 17h ngày 12/8, người lao động đã được phê duyệt mà chưa nhận được tiền hỗ trợ, lãnh đạo Sở sẽ xin từ chức.
Còn tại tỉnh Phú Yên, theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đến ngày 11/8, đơn vị đã trình hồ sơ của 11 đơn vị với 25 đối tượng tổng số tiền là 28 triệu đồng, để hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định đối với 13 đối tượng số tiền thụ hưởng là 10,5 triệu đồng.
Thành phố Hà Nội là một trong 10 địa phương có số tiền giải ngân cao nhất
Nguyên nhân số đối tượng được thụ hưởng theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg trên địa bàn ít là do tỉnh có khoảng 10.000 lao động làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp nhưng hầu hết là người địa phương, đi làm gần nhà nên có ít trường hợp thuê trọ. Cũng vì lý do này mà các hồ sơ đã giải quyết chỉ là đối tượng người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, không phải nhóm người lao động quay trở lại thị trường lao động…
Thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, tính đến 18 giờ ngày 11/8/2022, các địa phương đã giải ngân cho 17.627 doanh nghiệp với 1.117.107 người lao động, vơi tổng kinh phí hơn 787,9 tỷ đồng (đạt 12,14% so với dự kiến). Có 02 tỉnh không có đối tượng là Lai Châu và Điện Biên; tỉnh Cao Bằng báo cáo tính đến thời điểm ngày 10/8/2022 không có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Đến nay, việc hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 46.480 đơn vị với 3.661.045 lao động, trong đó có 3.657.615 lao động có tham gia BHXH bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà; 3.430 lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Đối với việc hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, đã xác nhận cho 13.847 đơn vị với 252.727 lao động; trong đó có 246.479 lao động có tham gia BHXH bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà; 6.248 lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc/mới được tuyển dụng đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chậm nhất trước ngày 15/8/2022 tổ chức họp báo, giao ban với các địa phương để xác định nguyên nhân chậm trễ và có giải pháp xử lý, đôn đốc giải quyết việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động bảo đảm khẩn trương, hiệu quả.
Chí Tâm