Lao động
Để vốn 120 và vốn tín dụng ưu đãi thực sự bền vững và phát huy hiệu quả đối với các hợp tác xã Hà Nội
04:17 PM 27/09/2017
(LĐXH) Để có thể đạt được các mục tiêu phát triển HTX Hà Nội, các nguồn lực tài chính, đặc biệt là các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, trong đó có nguồn vốn vay giải quyết việc làm đóng vai trò rất quan trọng.
Các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, trong đó có nguồn vốn vay giải quyết việc làm
đóng vai trò rất quan trọng đối với các HTX Hà Nội.
Năm 2016, lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, đóng góp của khu vực HTX vào GDP của Thủ đô đã tăng khá hơn so với năm trước (đạt 5,05%), trong khi tỷ lệ vốn đầu tư chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế. Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 1.684 HTX và Quỹ Tín dụng nhân dân, các HTX chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 trong các ngành, lĩnh vực đã chủ động phát huy nội lực, đổi mới phương thức hoạt động, mạnh dạn đầu tư mở rộng liên doanh, liên kết thêm nhiều ngành nghề kinh doanh mới, thu hút thêm nhiều lao động có trình độ, giải quyết việc làm, tăng thêm nhiều sản phẩm hàng hóa góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định trật tự xã hội và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Các HTX đã thu hút, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hơn 1,5 triệu thành viên, người lao động (gồm lao động là thành viên và thành viên hộ gia đình). Thực tiễn cho thấy, các HTX Hà Nội có vai trò quan trọng không thể phủ nhận trong xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, về cơ bản, các mô hình HTX trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi và mô hình liên doanh, liên kết còn hạn chế; chưa tính đến yếu tố thị trường tiêu thụ; chưa coi trọng các yếu tố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường trong sản xuất, kinh doanh… dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường, việc nhân rộng điển hình tiên tiến, phổ biến kinh nghiệm hay về sản xuất - kinh doanh còn hạn chế.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Mạnh, Liên minh HTX Hà Nội phấn đấu đến năm 2022 đạt từ 80 đến 90% HTX thuộc diện tốt, khá; không để tồn tại HTX yếu kém và không hiệu quả. Về hoạt động, dự kiến, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của khu vực HTX đạt từ 7 đến 7,5%/năm; các HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt giá trị sản xuất tăng bình quân lên 12-15%/năm; các HTX dịch vụ nông nghiệp tăng 3-5%/năm. Hằng năm thành lập mới 30-50 HTX; khuyến khích HTX mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và thành lập Liên hiệp HTX; song hành, xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực, quy mô lớn, có sức lan tỏa, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển... Để có thể đạt được các mục tiêu trên, các nguồn lực tài chính, đặc biệt là các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, trong đó có nguồn vốn vay giải quyết việc làm đóng vai trò rất quan trọng.  Hà Nội hiện có 1.684 HTX và Quỹ Tín dụng nhân dân, trong khi đó nguồn vốn 120 được phân bổ chỉ vẻn vẹn 1,744 tỷ đồng, vốn Quỹ hỗ trợ HTX là 125 tỷ đồng. số vốn đó còn quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của các hợp tác xã, nhất là đối với những đơn vị cần mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh dịch vụ...
Để chương trình cho vay GQVL thực sự bền vững và tiếp tục phát huy hiệu quả, Liên minh HTX mong muốn các cơ quan có thẩm quyền bổ sung thêm nguồn vốn, đồng thời đơn giản hóa các qui trình, thủ tục để có thêm nhiều HTX được tiếp cận với nguồn vốn này. Cùng với đó, chính quyền các cấp cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (khuyến công, nông, lâm, ngư…) hướng dẫn dạy nghề, định hướng sản xuất, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với các hộ vay vốn; Phối hợp, lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi./.
Châu Giang