Kinh tế
Để các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững
09:43 AM 06/10/2017
(LĐXH) Ngày 5/10/2017, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) phối hợp với Tổ chức Forest Trends tổ chức Hội thảo “Xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới năm 2017: Diễn biến mới về thị trường”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ có thể đạt 8 tỷ USD năm 2017 do trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2017 đạt 3,57 tỉ USD, tăng 13,6% so với con số 3,14 tỉ USD của cùng kỳ năm 2016. Trung bình 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt khoảng 700 triệu USD/tháng. Trong khi đó, "mùa xuất khẩu" mặt hàng này là 3 tháng cuối năm.
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ) cho biết, trong 6 tháng đầu 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ nguyên liệu đạt 1,2 tỉ USD, tăng 12,8% so với kim ngạch 6 tháng đầu 2016 (1,07 tỉ USD).
Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam trong 6 tháng đầu 2017 đạt 2,36 tỉ USD, tăng 14% so với kim ngạch cùng kỳ năm 2016 (2,07 tỉ USD). Tính đến hết tháng 9/2017, ước giá trị xuất khẩu đạt 5,51 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2016.
 Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 - chiếm 70,3% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Cũng theo ông Nguyễn Tôn Quyền, sản phẩm xuất khẩu năm nay khác với những năm trước đó là ván nhân tạo tăng rất mạnh. Có nhiều thị trường mới nổi lên, trong đó có Australia. Đây là tiền đề để ngành chế biến gỗ phát triển trong những năm tới. 
Một cơ sở sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hầu hết tăng trưởng mạnh tại những thị trường truyền thống, thị trường chủ đạo như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Giá trị kim ngạch xuất vào năm thị trường này chiếm gần 90% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Mam. Tuy nhiên, tại các thị trường xuất khẩu, nhiều tín hiệu cho thấy sẽ có những thay đổi trong chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hơn các mặt hàng gỗ nhập khẩu. Tín hiệu rõ ràng nhất có thể thấy ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu theo đúng lộ trình của Chính phủ Hàn Quốc, cuối 2017 các nhà nhập khẩu Hàn Quốc bắt đầu phải thực hiện trách nhiệm giải trình. 
Tương tự sẽ diễn ra tại Nhật Bản (năm 2018). Thực hiện các quy định này sẽ tác động trực tiếp đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. 
Hiện nay, ngoài nguồn gỗ trong nước, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu gỗ tròn và xẻ. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn với 1,7-1,8 tỷ USD, tương đương khoảng 20-30% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Tháng Năm vừa qua, sau tiến trình đàm phán kéo dài sáu năm, Việt Nam đã chính thức ký tắt Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (VPA/FLEGT). Thực thi Hiệp định này tại Việt Nam trong tương lai sẽ đảm bảo rằng toàn bộ các sản phẩm gỗ nằm trong danh mục đã được thống nhất giữa Chính phủ Việt Nam và EU, bao gồm cả các sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa và các sản phẩm xuất khẩu là các sản phẩm hợp pháp. 
Ký kết VPA/FLEGT là sự kiện đặc biệt quan trọng, có thể tạo ra những thay đổi căn bản ngành chế biến gỗ của Việt Nam, cho cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, bao gồm cả các quốc gia cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam và các quốc gia tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam. 
Việc mở rộng và phát triển của ngành gỗ hiện nay đang phải đối mặt với một số khó khăn, trong đó đặc biệt phải kể đến cạnh tranh về nguồn gỗ nguyên liệu. Cạnh tranh thể hiện cả về nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung từ trong nước
Chính sách cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên của chính phủ Trung Quốc cộng với chính sách siết chặt việc khai thác, thương mại và xuất khẩu gỗ nguyên liệu tại một số quốc gia cung gỗ rừng tự nhiên từ rừng nhiệt đới làm gia tăng cạnh tranh về cung toàn cầu, trong đó bao gồm một số công ty nhập khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu trong nước đặc biệt gay gắt đối với gỗ rừng trồng và gỗ cao su, giữa các công ty chế biến đồ gỗ với công ty chế biến dăm gỗ, và giữa công ty trong nước với công ty nước ngoài, điển hình là Trung Quốc. Biến động nguồn cung gỗ cho Việt Nam còn do các quốc gia cung cấp gỗ rừng tự nhiên từ khu vực nhiệt đới cho Việt Nam siết chặt kiểm soát việc khai thác, thương mại và xuất khẩu.
Không những vậy, cung gỗ nguyên liệu từ các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông có nhiều biến động, với nguồn cung từ Lào gần như mất hẳn, trong khi nguồn cung từ Campuchia gia tăng đột biến.
"Nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Lào mặc dù có tác động tiêu cực, ít nhất trong ngắn hạn tới các làng nghề, các công ty trực tiếp tham gia nhập khẩu và công ty xuất khẩu sản phẩm được làm từ nguồn gỗ này qua Trung Quốc, nhưng giảm cung từ nguồn này giúp nâng cao hình ảnh ngành chế biến gỗ của Việt Nam trong việc loại bỏ nguồn gỗ có rủi ro cao. Tuy nhiên, gia tăng đột biến về lượng nhập khẩu từ Campuchia lại có tác động ngược lại, làm mất đi các hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam...
Gỗ cao su được coi là một trong những nguồn gỗ lớn, hợp pháp của ngành chế biến gỗ Việt Nam. Bà Trần Thị Thúy Hoa, Trưởng Ban tư vấn phát triển ngành cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho biết gỗ cao su đã từng là sản phẩm cứu cánh cho ngành cao su Việt Nam khi những năm trước đây giá mủ cao su xuống quá thấp. 
Hàng năm, ngành phải tái canh hàng chục nghìn hécta cao su và đây là nguồn nguyên liệu gỗ lớn. Khi tái canh, chủ trương là diện tích trồng mới sẽ sử dụng giống cao su lấy gỗ-mủ để tăng giá trị từ cây cao su. Cây cao su sẽ có hai sản phẩm chính là gỗ và mủ; sản phẩm gỗ hướng tới sẽ chiếm hơn 50%.
Các chuyên gia cũng chỉ rõ, không chỉ có sự biến động ở nguồn cung, tại các thị trường xuất khẩu, có những tín hiệu cho thấy sẽ có những thay đổi trong chính sách của chính phủ nhằm quản lý chặt chẽ hơn các mặt hàng gỗ nhập khẩu.
Tín hiệu rõ ràng nhất có thể thấy ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, là hai trong số năm thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ lớn nhất của Việt Nam. Nếu theo đúng lộ trình của chính phủ Hàn Quốc, cuối 2017 các nhà nhập khẩu Hàn Quốc bắt đầu phải thực hiện trách nhiệm giải trình. Tiến trình tương tự sẽ được diễn ra tại Nhật Bản, tuy nhiên với thời gian muộn hơn. Thực hiện các quy định này sẽ tác động trực tiếp đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này
Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, cho rằng loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao có nguồn gốc từ nhập khẩu, thay thế bởi các nguồn gỗ nguyên liệu “sạch” là nhu cầu cấp bách. Điều này không những nhằm đáp ứng với các yêu cầu hiện nay từ các thị trường xuất khẩu quan trọng truyền thống của Việt Nam mà còn góp phần chuẩn bị sẵn sàng cho ngành gỗ Việt Nam trong việc đáp ứng với các yêu cầu mới tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tương lai. 
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, không chỉ vì riêng VPA/FLEGT mà Việt Nam phải có gỗ hợp pháp mà đây là xu thế chung của thế giới. Các doanh nghiệp cũng đã xác định nguồn gốc gỗ là vấn đề quan trọng trong sản xuất, chế biến gỗ. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp. Do vậy, Việt Nam cũng phải thực hiện cam kết bảo vệ các loại động, thực vật hoang dã, quý hiếm để duy trì phát triển bền vững ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. 
Để dễ dàng đảm bảo nguồn gốc trong nước hợp pháp, ông Võ Đình Tuyên, Vụ Kinh tế ngành - Văn phòng Chính phủ cho rằng, vấn đề quan trọng là phải gắn kết nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu. Điều này giúp ngành chế biến gỗ hướng đến phát triển bền vững. 

Thảo Lan