Kinh tế
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói về vụ 8B Lê Trực: “Hà Nội mắc bệnh hứa quá nhiều, hứa như “đinh đóng cột” nhưng không làm”
12:02 PM 23/05/2019
Ngày 21/5, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng bên hành lang Quốc hội về việc chậm xử lý công trình 8B Lê Trực, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, xử lý vụ việc 8B Lê Trực, Hà Nội đã hứa là phải làm nhưng ở đây có việc hứa quá nhiều, hứa như “đinh đóng cột” nhưng lại không làm.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, vụ việc 8B Lê Trực là câu chuyện giữa chính quyền và doanh nghiệp nhưng ở đây người mua nhà lại là nạn nhân, họ đang phải đứng ra chịu trách nhiệm.
“Vấn đề này tôi đã có kiến nghị chuyển đơn tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Tôi cho rằng cần xem xét lại việc cắt ngọn dự án 8B Lê Trực. Người ta nói rằng sai phạm nên phải cắt ngọn, tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ tôi thấy rằng, nguyên nhân là do nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo có 1 quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất này trong đó cho phép xây dựng không quá 69m. Bộ Tổng Tham mưu – Bộ Quốc Phòng cũng có văn bản yêu cầu xây dựng không quá 70m. Mặt khác, dự án này đã có quy hoạch 1/500, trong giai đoạn này theo quy định của pháp luật thì thuộc diện không phải cấp phép. Vậy vì sao Sở Xây dựng lại cấp phép xây dựng 53m cho 18 tầng, đó là điểm tôi vẫn băn khoăn và đề nghị làm rõ vấn đề này”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng: “UBND quận Ba Đình cũng dựa vào quyết định của Sở Xây dựng để yêu cầu cắt ngọn dự án. Tôi không bênh vực những sai phạm về xây dựng, nhưng đó là điểm chưa hợp lý khiến cử tri băn khoăn”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng

về vụ việc 8B Lê Trực tại hành lang Quốc hội (ngày 21/5).

Vấn đề thứ hai là các nhà đầu tư mua căn nhà để ở, họ tiết kiệm rất nhiều năm mới có tiền để mua căn hộ tại đây. Vậy tại sao câu chuyện giữa chính quyền và doanh nghiệp nhưng người mua nhà lại phải chịu. Người mua nhà là nạn nhân, chứ người ta không tiếp tay cho sai phạm, họ khác hoàn toàn với những người tiêu thụ đồ ăn cắp mà có. Do vậy, người dân của chúng ta đang là những người bị tổn thương. Bây giờ Hà Nội sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Đó là điều mà chính quyền phải tìm câu trả lời.
Một vấn đề nữa là nếu có sai phạm của chính quyền thì đã xử lý chưa? Ai bị xử lý? Điều này phải được làm rõ, bởi anh bất chấp quy định của pháp luật, việc ra quyết định đè lên quyết định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm gì? Việc UBND quận Ba Đình tổ chức cắt ngọn có đúng không? Chứ không phải tuyên truyền sai phạm rồi đi cắt ngọn.
“Tôi thấy Hà Nội đang mắc căn bệnh là hứa nhiều và hứa như đinh đóng cột nhưng không làm được. Tôi cho rằng đã hứa là phải làm”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.
Được biết, sau khi có Quyết định cưỡng chế số 32/QĐ-UBND của UBND quận Ba Đình vào tháng 1/2016 về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, chính quyền quận Ba Đình đã lập chốt bảo vệ trước cổng công trình không cho người dân và doanh nghiệp qua lại.
Bức xúc trước việc để công trình đứng như “tội đồ”, nhiều năm qua, những người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực đã nhiều lần căng băng rôn, biểu ngữ “đòi nhà” nhưng vẫn không có ngành chức năng nào đứng ra xử lý.

Lần thứ 4 các khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực

tiếp tục căng băng rôn, biểu ngữ “đòi nhà”.

Đỉnh điểm là vào sáng 20/5 (thời điểm khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV), hàng chục hộ dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực lại tiếp tục căng băng rôn, biểu ngữ với hy vọng chính quyền sẽ sớm giải quyết để họ được về nhà ở. Tuy nhiên, sự việc lại bị dẹp đi trong vô vọng.
Tìm hiểu được biết, những bất cập từ việc quy hoạch một đằng, cấp giấy phép xây dựng một nẻo đã khiến cho vấn đề pháp lý ở công trình 8B Lê Trực bị “rối như canh hẹ”.
Cụ thể, ngày 5/12/2008, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2452/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương tỷ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu L30, địa điểm số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Theo quyết định này, dự án được phê duyệt có quy mô 20 tầng và chiều cao công trình không quá 70m.
Năm 2009, sau khi được Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng; Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định thiết kế cơ sở công trình thuộc dự án với quy mô 4 tầng hầm, 20 tầng nổi với chiều cao công trình là 69,1m.
Năm 2010 công trình đã thi công xong cọc khoan nhồi, tường vây, 4 tầng hầm đến mặt đất có 0,00m theo kết cấu có quy mô công trình 4 tầng hầm, 20 tầng nổi với chiều cao công trình là 69,1m. Nhưng khi công trình đang xây dựng dở dang đã xong 4 tầng hầm thì bất ngờ lại bị dừng lại.
Mặt khác, điều đáng nói là Sở Xây dựng Hà Nội sau đó lại cấp giấy phép xây dựng sai với quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 của UBND TP Hà Nội với quy mô chiều cao công trình chỉ còn 53m và 18 tầng với chiều cao bình quân các tầng là 2,94m (53m : 18 tầng = 2,94m), trong khi chiều dày bê tông, dầm sàn, trần đã chiếm tới 0,6m. Như vậy, chiều cao thông thuỷ mỗi tầng chỉ còn lại 2,4m. Điều bất cập thể hiện rõ nhất là tầng 1 chỉ cấp phép cao 2,6m, sau khi trừ đi chiều dày bê tông dầm sàn, trần thì chiều cao thông thủy chỉ còn 1,9m.
Điều này cũng cho thấy, chiều cao các tầng nhà và công trình được cấp không đúng như tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về thiết kế nhà ở, nhà cao tầng (chiều cao thông thủy không được nhỏ hơn 3m).
Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu cứ để thời gian kéo dài, công trình chịu mưa nắng và không được hoàn thiện nó sẽ sớm trở thành phế tích, trong khi người dân đã nộp tiền nhưng không được dọn đến ở. Ai sẽ chịu trách nhiệm, nếu không phải là Chủ tịch UBND TP Hà Nội đương nhiệm?
Theo baoxaydung.com.vn