Lao động
Dạy nghề theo phương châm “cầm tay chỉ việc”
03:10 PM 27/04/2017
Với phương châm đào tạo “cầm tay chỉ việc”, liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, mua vật tư, phân bón theo phương thức trả chậm... Hội Nông dân (HND) tỉnh Bắc Ninh đã từng bước giúp hội viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Xác định đào tạo nghề cho nông dân là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (HND tỉnh) bám sát nhu cầu thực tế, chú trọng dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho hội viên nông dân. Giai đoạn 2011-2016, Trung tâm phối hợp với các cấp Hội tổ chức 76 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 2.300 lao động nông thôn, tập trung vào 4 ngành thuộc nhóm nghề nông nghiệp (kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, trồng nấm) và 4 ngành thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp (tin học văn phòng, đan lát thủ công, kỹ thuật nấu ăn, may công nghiệp). Sau khi đào tạo nghề, tỷ lệ học viên có việc làm đạt hơn 75%.
Đối với nghề nông, Trung tâm mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của địa phương và nhu cầu mở rộng kiến thức KHKT của học viên. Thời gian tổ chức lớp học tránh thời điểm mùa thu hoạch bận rộn của nông dân nhưng trùng với thời vụ sản xuất. Dựa trên quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi, đơn vị xây dựng các mô hình trình diễn để học viên thuận tiện trong quá trình thực hành. Gắn việc giảng dạy của giáo viên có kinh nghiệm với việc lấy “nông dân dạy nông dân” như: Mời chủ các trang trại, chủ mô hình đạt hiệu quả cao trực tiếp đến truyền đạt kinh nghiệm cho học viên; thường xuyên bổ sung và đổi mới nội dung, chương trình đào tạo… Nhờ đó học viên tiếp thu kiến thức nhanh hơn và đến lớp đông hơn.
 
Thông qua các lớp đào tạo nghề mây tre đan, nhiều hộ dân
xã Mộ Đạo (Quế Võ) có việc làm và thu nhập ổn định.

Nét mới trong hoạt động dạy nghề của Trung tâm là hướng vào đối tượng người lao động tại chỗ, mở các lớp đào tạo nghề ngay tại địa phương, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp mở rộng sản xuất ở vùng nông thôn, vừa tham gia dạy nghề, vừa nhận lao động và bao tiêu sản phẩm. Nhiều học viên sau đào tạo nghề đã tích cực ứng dụng kiến thức, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, có nguồn thu ổn định. Tiêu biểu là các tổ, nhóm nấu cỗ thuê tại phường Thị Cầu, phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh), xã Ngọc Xá (Quế Võ); tổ làm mây tre đan xuất khẩu ở xã Mộ Đạo (Quế Võ) và xã Lạc Vệ (Tiên Du); mô hình may công nghiệp ở phường Châu Khê (Từ Sơn) và xã Giang Sơn (Gia Bình); nuôi trồng thủy sản ở xã Thanh Khương (Thuận Thành)…

Ông Đào Trọng Đại, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết: Hàng năm, Trung tâm tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển sinh và phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề theo tinh thần “dạy những cái nông dân cần”. Thực tế cho thấy, các lớp học có tác động tích cực đến nhận thức của hội viên nông dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhiều gia đình có người học nghề có việc làm và không ít lao động nông thôn tận dụng được thời gian nông nhàn để sản xuất, làm các nghề phi nông nghiệp tăng nhu nhập, ổn định đời sống. Từ đó, họ trở thành những tuyên truyền viên cho công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh việc đào tạo nghề, công tác dịch vụ hỗ trợ nông dân cũng được chú trọng. Bình quân mỗi năm, Trung tâm phối hợp với Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cung ứng hơn 1.000 tấn phân bón các loại cho nông dân theo hình thức trả chậm; mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất, nhân rộng các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học. Năm 2016, Trung tâm hỗ trợ các hộ trồng măng tây xanh trên địa bàn tỉnh thành lập Câu lạc bộ, cùng liên kết, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất; tư vấn, giới thiệu việc làm cho con em hội viên đi lao động tại các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Thông qua công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân đã góp phần duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống, mở rộng và nhân cấy một số nghề mới ở các địa phương, thúc đẩy phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Báo Bắc Ninh