Lao động
Đẩy mạnh tuyên tuyên Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bắc Kạn
03:03 PM 06/10/2020
(LĐXH)- Lao động nông thôn của tỉnh Bắc Kạn chiếm 75% dân số và hơn 50% lực lượng lao động. Ðể người dân có sinh kế bền vững, tỉnh Bắc Kạn tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
Bắc Kạn có 8 đơn vị hành chính, gồm thành phố Bắc Kạn và 7 huyện với 108 xã, phường, thị trấn. Lao động nông thôn (LÐNT) trên địa bàn tỉnh hiện chiếm 75% dân số và hơn 50% lực lượng lao động xã hội. Nhiều năm qua, để người dân có sinh kế bền vững, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo nghề (nay là GDNN) gắn với giải quyết việc làm, trong đó có việc nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT.  
Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 – 2020, các cơ sở GDNN ở Bắc Kạn đã đào tạo đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng cho 28.686 người, trong đó đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án đạt 10.400/17.500 người, đạt 59% so với kế hoạch. Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách Trung ương bố trí đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị cho các cơ sở GDNN là 12,9 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất là 4,8 tỷ đồng, mua sắm thiết bị đào tạo là 8,1 tỷ đồng và kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT là 29,588 tỷ đồng.
Bắc Kạn tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động trên những mô hình hiệu quả tại huyện Bạch Thông
Để đạt được kết quả này, tỉnh Bắc Kạn đã xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng để tạo nên sự đồng thuận  trong việc tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT. Do đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác đào tạo cho LĐNT trên địa bàn tỉnh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng cho các cơ quan thông tin tuyên truyền, các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền tập trung vào mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tác động của đào tạo nghề cho LĐNT gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các giải pháp chủ yếu để thực hiện các chỉ tiêu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt là quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, nội dung, chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên dạy nghề; phổ biến, tư vấn về pháp luật dạy nghề; tổ chức cho người sau khi học nghề thăm quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; xây dựng tin, bài chuyên đề phản ánh các hoạt động dạy nghề, tư vấn nghề và việc làm.
Đặc biệt, hàng năm, Sở Lao động – TBXH Bắc Kạn tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tập huấn kỹ năng tuyên truyền, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người lao động, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề đến cán bộ cơ sở. Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: xây dựng chuyên mục tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc đăng tải trên cổng thông tin điện tử, in tờ rơi, in sổ tay với nội dung tuyên truyền chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn...
Các cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh, địa phương thực hiện các tin, bài phóng sự phản ánh về các hoạt động của Đề án đào tạo nghề cho LĐNT. Các tin, bài cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho LĐNT; thông tin phản ánh gương lao động sản xuất giỏi, tuyên truyền về các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, các hình thức tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với người lao động tại các địa phương trên địa bàn tỉnh…
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phụ nữ nông thôn ở Bắc Kạn đã tự tạo được việc làm sau học nghề
Nhờ đó, trong quá trình thực hiện thực hiện Đế án đào tạo nghề cho LĐNT ở tỉnh Bắc Kạn đã xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả, như: mô hình đào tạo nghề trồng và chế biến các sản phẩm từ cây dong riềng tại xã Côn Minh (huyện Na Rì), xã Mỹ Phương (huyện Ba Bể); chăn nuôi gà thả đồi tại xã Thanh Mai (huyện Chợ Mới); vỗ béo trâu, bò ở xã Nghiên Loan (huyện Pác Nặm); sản xuất bún, phở khô tại thị trấn Phủ Thông (huyện Bạch Thông) và xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới); mô hình du lịch cộng đồng (huyện Ba Bể)... Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện đã có sự lồng ghép tốt với các chương trình khác, như: chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến công, khuyến nông...
Có thể nói, công tác dạy nghề cho LĐNT tỉnh Bắc Kạn được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện một cách đồng bộ từ khâu điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, năng lực dạy nghề của các cơ sở GDNN và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để xây dựng đề án dạy nghề cho LĐNT của tỉnh và các địa phương. Xác định nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề công lập cấp huyện; đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho đội ngũ giáo viên dạy nghề, kỹ năng học cho người dạy nghề đáp ứng yêu cầu dạy nghề cho LĐNT. Bên cạnh đó khuyến khích, huy động các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia dạy nghề cho LĐNT và giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề. Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án, công tác dạy nghề cho LĐNT tỉnh Bắc Kạn cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Lê Hoàng