Xã hội
Đẩy mạnh truyền thông về nghề công tác xã hội với người có vấn đề sức khỏe tâm thần
09:12 AM 24/11/2017
(LĐXH)- Thông qua báo chí, không chỉ các cấp, ngành, địa phương, mà bản thân người nhà bệnh nhân tâm thần và các đối tượng thụ hưởng đã bước đầu hiểu hơn về nghề CTXH.
Ngày 24/11 tại TP Hải Phòng, Tạp chí Lao động – Xã hội, Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐTB&XH) phối hợp tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng truyền thông phát triển nghề công tác xã hội với người có vấn đề sức khỏe tâm thần”.
Tham dự Hội thảo có TS. Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch thường trực Hội Người cao tuổi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH; TS.Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; TS. Trần Bá Dung, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam; TS.Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động – Xã hội; các chuyên gia; đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo chí cùng hơn 40 phóng viên báo chí Trung ương và địa phương.
Ban Tổ chức điều hành Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết tại Việt Nam, số người bị rối nhiễu tâm trí ước tính khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người, trong đó số người tâm thần nặng ước tính 2,5% số người rối nhiễu tâm trí (tương đương 300 ngàn người). Các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như: Tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy…
Thực thực hiện Đề án giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2015 phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng (PHCN) cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí (RNTT) dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020. Bộ LĐTB&XH và các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai vào 5 nhóm công việc chính là: Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở chăm sóc và PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; phát triển nguồn nhân lực; truyền thông, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc và PHCN cho người tâm thần và hợp tác quốc tế.
TS. Nguyễn Văn Hồi thông tin tại Hội thảo
Đến nay, 100%  dân các tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án 1215 giai đoạn 2016-2020. Một số tỉnh, thành phố chủ động bố trí ngân sách của địa phương và huy động các tổ chức để xây dựng, nâng cấp, mở rộng các trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần. Nhận thức, hiểu biết về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần đã có bước chuyển biến tích cực.
Mạng lưới cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí đã từng bước được củng cố và phát triển. Đã có 20 tỉnh, thành phố hỗ trợ nâng cấp, mở rộng trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Tỷ lệ đầu tư đạt 70% so với quy hoạch. Hiện nay đã có 07/26 tỉnh, thành phố được hỗ trợ mua sắm trang thiết bị. tỷ lệ đầu tư đạt 30% so với quy hoạch. Đã có 05/10 tỉnh, thành phố hỗ trợ xây dựng cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí. Tỷ lệ thí điểm mô hình đạt 50% so với quy hoạch.
Các Trung tâm đã bước đầu tổ chức lại chức năng, nhiệm vụ theo hướng phục hồi chức năng luân phiên, hỗ trợ phục hồi chức năng cho đối tượng dựa vào cộng đồng, quản lý trường hợp, tổ chức các dịch vụ vụ lao động trị liệu, trị liệu tâm lý.

TS. Đàm Hữu Đắc nhấn mạnh, Hội thảo giúp nâng cao trình độ, chuyên môn và thiết thực đối với những phóng viên theo dõi mảng LĐTB&XH nói chung, lĩnh vực bảo trợ xã hội nói riêng. Đây là cơ hội tốt đối với lĩnh vực BTXH và cần lan tỏa ra các lĩnh vực trọng yếu khác của Bộ.

TS.Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động – Xã hội nhấn mạnh, vai trò của báo chí đối với lĩnh vực sức khỏe tâm thần hết sức quan trọng, đòi hỏi người viết phải có trái tim và cách nhìn đúng đắn, có sự chia sẻ, đồng cảm để từ tác phẩm làm cho con người có thể được chia sẻ, thoát ra những vẫn đề tinh thần đang mắc phải trong cuộc sống.
Thông qua báo chí, không chỉ các cấp, ngành, địa phương, mà bản thân người nhà bệnh nhân tâm thần và các đối tượng thụ hưởng đã bước đầu hiểu hơn về nghề CTXH trong chăm sóc và trợ giúp người có vấn đề sức khỏe về tâm thần, từ đó nâng cao hiểu biết để sẻ chia và chăm sóc tốt hơn người bệnh; đồng thời cũng giúp ngành y tế và các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc người bệnh tâm thần có các biện pháp điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tốt hơn. Báo chí ngày càng gần gũi hơn với ngành LĐTB&XH.
TS. Trần Ngọc Diễn phát biểu tại Hội thảo
TS. Trần Ngọc Diễn nhấn mạnh, để nâng cao năng lực và nhận thức về CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần, bên cạnh việc đào tạo một đội ngũ CTXH chuyên sâu về lĩnh vực này; tổ chức tập huấn, trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về CTXH trong điều trị các dạng rối nhiễu tâm trí hay gặp ở Việt Nam như bệnh tâm thần phân liệt, stress, trầm cảm, thì việc đẩy mạnh công tác truyền thông về phát triển CTXH đối với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng về lĩnh vực này là rất cần thiết, trong đó báo chí giữ vai trò trung tâm.
TS. Trần Ngọc Diễn đề xuất, các cơ quan báo chí trong chức năng, nhiệm vụ của mình cần tăng cường thời lượng và tần suất thông tin và truyền thông về phát triển CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần trên tất cả các loại hình, từ báo in, báo nói, báo hình đến báo điện tử.  
Nội dung tuyên truyền trên cần hướng vào việc phổ biến pháp luật, chính sách về sức khỏe tâm thần; cung cấp các kiến thức, kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe tâm thần, từ dự phòng, kiểm soát rối loạn tâm thần, khám, phát hiện, chẩn đoán, đến điều trị, phục hồi chức năng, quản lý rối loạn tâm thần cho nhiều nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đến các đối tượng là các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội và cán bộ truyền thông. 
Đặc biệt, cần phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, niềm vui và nỗi vất vả của những người làm công tác xã hội trong lĩnh vực này; có kỹ năng truyền thông phù hợp, đánh giá được tác động của thông tin để tránh gây hiểu lầm, tạo dư luận không tốt trong xã hội, tránh mặc cảm, kỳ thị đối với các rối loạn tâm thần và người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người thân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc, giúp đỡ và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại cộng đồng.
Hội thảo thu hút đông đảo phóng viên Trung ương và địa phương tới dự, đưa tin
Cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức chuyên sâu về truyền thông nghề công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần đối với các nhà báo, phóng viên, biên tập viên được phân công theo dõi về mảng xã hội để khai thác đề tài cho phong phú và hấp dẫn, đồng thời tận dụng tối đa ưu thế của internet và các mạng xã hội như facebook, zalo để lôi kéo các nhà hoạch định chính sách, bạn bè, các nhóm CTXH… vào cuộc để khai thác đề tài, nắm bắt thông tin thực tế từ CTXH.
Các cơ quan quản lý Nhà nước về nghề CTXH (cụ thể là Cục Bảo trợ Xã hội) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí tiếp tục nhân rộng các mô hình tuyên truyền có hiệu quả; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; tổ chức thêm nhiều buổi hội thảo, tập huấn, các chuyến đi thực tế cho đội ngũ phóng viên để họ nắm được các kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này, từ đó mới có thể tuyên truyền chuyên sâu hơn về lĩnh vực này.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức các giải báo chí viết về đề tài CTXH trong chăm sóc và phục hồi chức năng cho người có vấn đề về sức khỏe về tâm thần ở quy mô lớn, rộng khắp hơn nhằm khuyến khích các cơ quan báo chí, các nhà báo và những người làm báo không chuyên, các nhân viên CTXH tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở y tế cùng vào cuộc tham gia viết về đề tài này, tạo thành chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Bên cạnh tuyên truyền trên báo chí, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác giáo dục về sức khỏe tâm thần trong trường học; xây dựng tài liệu truyền thông, giáo dục về sức khỏe tâm thần phù hợp với các cấp học, bậc học.  Thúc đẩy sự phát triển và thực hiện các mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng phù hợp với điều kiện địa phương và các nhóm dân cư, bao gồm các mô hình trường học nâng cao chăm sóc sức khỏe tâm thần, nơi làm việc khỏe mạnh, gia đình khỏe mạnh, cộng đồng và thành phố khỏe mạnh.  Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông về chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua cán bộ của các tổ chức xã hội và nhân viên các nhà thuốc vì họ là người có thể tiếp xúc với những người có có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần ở cộng đồng. 

TS. Nguyễn Hải Hữu

Nói về công tác đào tạo CTXH trong chăm sóc SKTT ở các trường đại học, TS. Nguyễn Hải Hữu, Chủ tịch Hội các Trường Đào tạo công tác xã hội cho biết: Sự bùng nổ mạnh mẽ số lượng các cơ sở đào tạo CTXH tất yếu dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu giảng viên CTXH tại chính các cơ sở này. Nhiều cơ sở đào tạo quan tâm nâng cao chất lượng giảng viên cử người đi học thạc sỹ, tiến sỹ về CTXH ở nước ngoài, những người này khi trở về sẽ là lực lượng nòng cốt thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo CTXH ở Việt Nam.

Tuy nhiên do thời gian chuẩn bị lực lượng giảng viên CTXH ngắn, nên nhiều giảng viên được đạo tạo theo các chuyên ngành khác như xã hội học, tâm lý học, giáo dục học… cũng được huy động tham gia giảng dạy lấp vào chỗ thiếu hụt.

Mặc dù nhiều người là những giảng viên giỏi của các chuyên ngành khác nhưng kiến thức và kỹ năng thực hành CTXH với thân chủ không phải là thế mạnh của họ mà đối với chuyên ngành CTXH thì đây lại là vấn đề cốt lõi trong quá trình đào tạo. Vì thực hành nghề CTXH là điều kiện tiên quyết giúp người học hiểu CTXH là gì, CTXH làm gì và CTXH làm như thế nào, CTXH cần đạt được cái gì. Do vậy người giảng chỉ năng về lý thuyết mà chưa giỏi về thực hành, dẫn đến kỹ năng thực hành của sinh viên cũng hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Y Duyên, chuyên gia của Unicef Việt Nam chia sẻ thông tin tại Hội thảo

Ths.BS. Vũ Công Nguyên - Phó viện trưởng, Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển thông tin thêm: Trên thế giới, trầm cảm là tình trạng bệnh khá phổ biến. Các nước càng phát triển, tỷ lệ càng cao. Tại Mỹ, có khoảng 40 triệu người trưởng thành (>18 tuổi) có mắc trầm cảm, khoảng 18.1% mỗi năm. Trầm cảm nặng có thể dẫn đến tự tử, tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

Tại Việt Nam, chưa có điều tra mẫu đại diện quốc gia, nhưng số liệu từ các nghiên cứu điều tra cắt ngang nhỏ làm tại nhiều địa bàn, nhiều nhóm dân cư cho thấy tỷ lệ trầm cảm tại Việt Nam khoảng từ 8%-15% với các mức độ trầm cảm khác nhau khi sử dụng các thang bảng đánh giá khác nhau (11 loại forms sàng lọc khác khau).

Ths.BS. Vũ Công Nguyên cho biết, tại Việt Nam, để đào tạo đội nghũ cán bộ CTXH và bệnh trầm cảm, Cục BTXH, Đại học SFU (Canada) và Viện PHAD với sự tài trợ của GCC Canada đã tiến hành thử nghiệm mô hình Kết hợp CTXH và Y tế trong quản lý trầm cảm tại cộng đồng. Bắt đầu từ Thanh Hóa, Bến Tre (2015) và hiện mở rộng tại 8 tỉnh.

Mô hình kết hợp CTXH – YT trong quản lý trầm cảm tại cộng đồng là mô hình Việt hóa từ quy trinh và phác đồ Tự quản lý trầm cảm sử dụng sổ tay Kỹ năng Quản lý trầm cảm, do các Gs, Bs đầu ngành về trầm cảm của Canana, Đại học SFU phát triển và áp dụng rộng rãi tại Canada từ nhiều năm nay. Dự án đang triển khai tại 32 xã và đang trong giai đoạn so sánh kết quả điều trị với nhóm chứng, sau đó sẽ tiến hành can thiệp tại tất cả các xã.

Ông Phạm Quang Thịnh-  Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội cho biết: với 03 Trung tâm thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội, hiện đang thực hiện quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho gần 900 người tâm thần phân liệt, cùng với khoảng 200 người đang được chăm sóc dịch vụ tại các cơ sở tư, như vậy mới chỉ đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu thực tế trên địa bàn thành phố. Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân tại các cơ sở đa phần thiên về thực hiện các chế độ hỗ trợ của nhà nước để duy trì chăm sóc, nuôi dưỡng, chưa có các phương pháp trợ giúp hiệu quả, phù hợp với thực tế để phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

Chia sẻ kinh nghiệm về công tác tuyên truyền về nghề CTXH trên Báo Thái Nguyên, nhà báo Đỗ Thị Thìn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên cho biết: Báo Thái Nguyên luôn coi trọng công tác truyền thông, tuyên truyền về CTXH, tuyên truyền về phát triển nghề CTXH nói chung và nghề CTXH đối với người có sức khỏe tâm thần nói riêng. Trung bình, mỗi năm, tòa soạn có gần 100 tác phẩm về đề tài này đăng tải trên Báo Thái Nguyên in và Báo Thái Nguyên điện tử.

Nhà báo Đỗ Thị Thìn chia sẻ tại Hội thảo

Để thực hiện được kết quả trên, Báo Thái Nguyên đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về CTXH; bám sát những hoạt động của các địa phương, cơ sở trong tỉnh để tuyên truyền giúp cho công chúng có thêm kiến thức về CTXH và nghề CTXH. Các sự kiện lớn hàng năm về CTXH hoặc liên quan đến CTXH như: Ngày Công tác xã hội 25-3; Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6; Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10; Ngày Khuyết tật Việt Nam 18-4… đã được Báo quan tâm, tuyên truyền cả trước, trong và sau sự kiện. Qua đó, đã giúp cho hàng triệu độc giả của Báo Thái Nguyên tiếp cận với những thông tin mới về CTXH và nghề CTXH.

Trên Báo Điện tử, ngoài những bài viết từ nguồn báo giấy, chúng tôi đã thực hiện nhiều tác phẩm báo chí đa phương tiện độc lập xuất bản riêng trên Internet. Nhiều phóng sự truyền hình về CTXH và nghề CTXH được đăng tải trên Báo Điện tử thời gian qua đã không chỉ cung cấp thông tin mà còn cung cấp hình ảnh trực quan, âm thanh trung thực tại hiện trường giúp cho độc giả dễ dàng tiếp cận thông tin.

Chia sẻ về kỹ năng truyền thông giáo dục SKTT, TS. Trần Bá Dung nhấn mạnh, nhà báo viết về lĩnh vực này cần nhận thức đúng về GDSK và SKTT. Cần tìm hiểu hoàn cảnh riêng của họ và chọn các hành động bảo vệ, giúp đỡ, tăng cường SK phù hợp; hướng tới, tác động tới cộng đồng là chính.

TS. Trần Bá Dung chia sẻ tại Hội thảo

CSSKTT là một quá trình cần tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài bằng nhiều biện pháp khác nhau chứ không phải một lần là xong. Khi viết bài, đưa hình ảnh, chú ý không gây tổn thương về tình cảm, tinh thần. Sử dụng nhiều chuyên mục, nhiều thể loại; nhiều hình ảnh, tranh vẽ để công chúng dễ hiểu, dễ thực hiện. Cần chú ý phản ánh những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng. Đặc biệt cần nêu gương những cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp quan tâm công tác này... lay động lòng người, tạo hiệu ứng xã hội ủng hộ. Lấy tấm gương chính các bệnh nhân, các gia đình, các cộng đồng, doanh nghiệp quan tâm giúp đỡ... để thuyết phục, kêu gọi mọi người dân và XH tham gia chăm sóc SKTT.

TS. Trần Bá Dung cũng lưu ý một số vấn đề đạo đức nghề nghiệp như vì cạnh tranh thông tin, “giật gân”, câu view, nên đưa tin tức chưa được kiểm chứng hoặc chưa có sự đồng thuận của gia đình, của các nhà chuyên môn, gây hoang mang cho người tiếp nhận; sao nhãng nội dung. Nhiều phóng viên ngại chấp nhận khó khăn, thiếu hứng thú với đề tài này.

TS. Trần Bá Dung cũng hy vọng trong những Giải báo chí quốc gia những năm tiếp theo sẽ có những tác phẩm báo chí hay, đoạt giải về lĩnh vực này.

Nhà báo Minh Nguyệt, Báo điện tử Dân Việt trao đổi thông tin với các chuyên gia
Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi viết về nghề CTXH dành cho các phóng viên và sẽ tổng kết, trao giải cho những tác giả có tác phẩm xuất sắc vào dịp cuối năm./.
Nhóm PV