Giáo dục - Nghề nghiệp
Đẩy mạnh truyền thông giáo dục nghề nghiệp hướng tới đối tượng người học
11:17 AM 23/01/2021
(LĐXH) - Chiều ngày 22/1/2020 tại TP.HCM, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội thảo truyền thông về Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021 - 2025. Chủ chì hội thảo, TS. Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, kế hoạch truyền thông của Tổng cục với các cơ quan báo chí tới đây cần chuyển mạnh về địa phương, cơ sở, hướng tới đối tượng là người học,..

TS. Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN trao giải thưởng cho các cá nhân đạt giải Cuộc thi “Tôi chọn nghề”.

Tham dự hội nghị còn có Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM, đại diện lãnh đạo một số Sở LĐ-TB&XH, cơ sở GDNN cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tại TP.HCM.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh, GDNN không chỉ dừng lại ở câu chuyện đào tạo trang bị kiến thức kỹ năng, tay nghề cho lao động mà đằng sau đó còn là vấn đề kinh tế, vấn đề chính trị. Vai trò của nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cũng đã nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ đề cập và gần đây nhất là ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực kỹ năng nghề góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Thế giới cũng xếp kỹ năng nghề vào nhóm trụ cột kinh tế.

TS. Trương Anh Dũng,Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN khẳng định cần đẩy mạnh truyền thông GDNN hướng tới đối tượng người học

TS. Trương Anh Dũng cho rằng, trong kế hoạch truyền thông của Tổng cục với các cơ quan báo chí tới đây cần chuyển mạnh về địa phương, cơ sở, hướng tới đối tượng là người học tiềm năng, người lao động có kỹ năng, người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp và các đối tượng là người sử dụng lao động. Trong đó đối với người sử dụng lao động cần nắm bắt được nhu cầu sử dụng lao động, yêu cầu đòi hỏi với lao động…

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề xuất, trong thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ phía Tổng cục GDNN cũng như các cơ sở GDNN với cơ quan truyền thông, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông nhằm lan tỏa sâu rộng hình ảnh, giá trị GDNN trong đời sống kinh tế xã hội. Qua đó, nâng cao nhận thức người dân, xã hội, doanh nghiệp và cải thiện hình ảnh GDNN; Thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội, doanh nghiệp góp phần mở rộng quy mô,  đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh THCS, THPT vào GDNN,…


TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN trao Giấy khen cho các tập thể đã tích cực hưởng ứng tham gia Cuộc thi “Tôi chọn nghề”.

Trước đó, đại diện Tổng cục GDNN cho biết, mục tiêu cụ thể của kế hoạch truyền thông về GDNN giai đoạn 2021 – 2025 được Tổng cục GDNN đặt ra là tất cả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về GDNN được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN; gắn kết doanh nghiệp với cơ sở GDNN từ tuyển sinh, đào tạo, đánh giá tới tuyển dụng và việc làm nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Mỗi năm có ít nhất 500 sản phẩm truyền thông (tin, bài, ảnh, phóng sự…) được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về hoạt động của GDNN. Bám sát và kịp thời truyền thông về các sự kiện, chương trình, hoạt động của GDNN đảm bảo nhanh, chính xác, đầy đủ...

Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ -TBXH TPHCM phạt biểu  tại HỘi thảo

Tại hội thảo, Tổng cục GDNN và báo Tuổi Trẻ cũng đã  trao giải cuộc thi viết “Tôi chọn nghề” lần II cho 6 tác phẩm, gồm: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba và 3 giải khuyến khích. Đồng thời, Tổng cục GDND còn tặng Giấy khen cho 8 tập thể đã tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi này.

Được biết, Cuộc thi “Tôi chọn nghề” được tổ chức phát động thành công năm 2017, Cuộc thi “Tôi chọn nghề” lần II được tổ chức trong bối cảnh Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp mới, nâng cao chất lượng GDNN với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ tích  cự cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo

Trong 8 tháng diễn ra (từ 30/6/2019-30/6/2020) cuộc thi đã nhận được hơn 300 bài dự thi. Đối tượng gửi bài dự thi khá đa dạng, trong đó phần lớn là học sinh tự kể câu chuyện chọn nghề của mình. Bên cạnh đó, cũng có những bậc phụ huynh kể chuyện đã để cho con em mình chọn nghề như thế nào: Các giáo viên ở trường THPT cũng tham gia gửi bài dự thi, kể chuyện chọn nghề của học trò,… Theo ban tổ chức cuộc thi, ngành nghề của nhận vật trong các bài viết cũng đa dạng, phong phú. Trong đó, nhiều nhất là nghề liên quan đến du lịch như: hướng dẫn viên du lịch, pha chế rượu, lễ tân nhà hàng khách sạn, đầu bếp,… và một số nghề khác như cơ khí, công nghệ thông tin, sửa chữa xe máy, sửa chữa mái tính, điện thoại di động, thợ điện,…

Đăng Hải