Xã hội
Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho người dân
07:45 AM 25/12/2021
(LĐXH) - Thời gian qua, việc phát triển các dịch vụ trợ giúp xã hội đã ngày càng hỗ trợ người dân trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội.
Trong năm 2021, Cục Bảo trợ xã hội đã tham mưu Lãnh đạo Bộ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng, trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội; quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm công tác xã hội; tiêu chuẩn cộng tác viên công tác xã hội cấp xã; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm công tác xã hội; quản lý trường hợp; cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội; quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội trong các đơn vị sự nghiệp công lập; quy định định mức kinh tế-kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ trợ giúp xã hội.
Nhiều địa phương đã xây dựng và phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2025
Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH đã được hình thành nhiều nhất ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tiếp theo là ở các ngành Y tế, Giáo dục, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội… Các tỉnh, thành phố từng bước tiếp tục phát triển các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên cơ sở bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở. 
Đến nay, 63 tỉnh, thành phố có cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Trong đó có nhiều mô hình trung tâm công tác xã hội đã vận hành rất hiệu quả, như Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, Hồ Chí Minh…. Các Trung tâm này cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho hàng ngàn lượt đối tượng, như: đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp; người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, người nhiễm HIV/AIDS, người nghèo, trẻ em, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới; người nghiện ma túy, người bán dâm; người sau cai nghiện; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp và các đối tượng khác. Cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội; 34 trung tâm điều dưỡng người có công, còn lại là của các tổ chức xã hội; 120 cơ sở cai nghiện và hàng trăm cơ sở dịch vụ việc làm có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; hầu hết Bệnh viện tuyến Trung ương, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh có cung cấp dịch vụ CTXH cho bệnh nhân và cơ sở giáo dục - đào tạo có cung cấp dịch vụ CTXH; hội, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đều có cung cấp dịch vụ CTXH đối với các nhóm yếu thế, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội. 
Về đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội hiện có khoảng 235 nghìn người, trong đó có 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng… tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống. Trong công tác đào tạo công tác xã hội chuyên nghiệp, so với những năm đầu triển khai Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, số lượng các cơ sở có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội tăng nhanh. Đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hàng năm, đào tạo công tác xã hội hệ vừa làm, vừa học cho khoảng 3.000 lượt chỉ tiêu/năm; hỗ trợ các tỉnh, thành phố bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 10.000 cán bộ, nhân viên công tác xã hội.  
Trong năm 2021, Cục Bảo trợ xã hội đã trình Bộ phê duyệt Quyết định số 1070/QĐ-LĐTBXH ngày 27/9/2021 ban hành kế hoạch tổng thể Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021-2025; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2096/QĐ-TTg ngày 14/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 112/QĐ-TTg và Quyết định số 1929/QĐ-TTg và ban hành văn bản hướng dẫn gửi các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về việc tổng kết, đánh giá kết quả phát triển công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 và xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2025. Đến nay, đã có 9 Bộ, ngành, đoàn thể (gồm Bộ: Công an, Tài chính, Y tế, Giáo dục và đào tạo, Tư pháp, Thông tin truyền thông; Tòa án nhân dân tối cao, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Hội nông dân) và 60 tỉnh, thành phố đã xây dựng và phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2025.
Phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành lao động-thương binh và xã hội đào tạo, bồi dưỡng 07 lớp với 390 viên chức chuyên ngành công tác xã hội theo hình thức trực tuyến cho các tỉnh, thành phố (hạng 3 là 350 học viên; hạng 4 là 40 học viên); phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành theo quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP./.
Hồng Phượng