Giáo dục - Nghề nghiệp
Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
05:06 PM 26/12/2022
(LĐXH) – Ngày 26/12/2022, tại trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị “Đánh giá công tác truyền thông năm 2022, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp năm 2023”. Nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp (GDNN), qua đó, phát huy tiềm lực nguồn lao động trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai...
Toàn cảnh Hội nghị
Thời gian qua, công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp đã phản ánh đầy đủ, chân thực, kịp thời các hoạt động của GDNN và các nhiệm vụ, sự kiện, hoạt động trọng tâm của GDNN, tập trung truyền thông các nội dung về gắn kết doanh nghiệp, phân luồng, đào tạo chất lượng cao...Từ đó, làm nổi bật các thông điệp “Đồng hàng nâng tầm kỹ năng lao động - Vì một Việt Nam thịnh vượng”, “Giáo dục nghề nghiệp: Thực học - Thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai”, “Tương lai tươi sáng cùng giáo dục nghề nghiệp”.
Bên cạch đó, Tổng cục GDNN đã chú trọng bố trí phân bổ nguồn lực phù hợp cho công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí truyền hình, báo giấy, báo điện tử, báo ảnh, tạp chí bằng các sản phẩm truyền thông đa dạng. Qua đó, đăng tải thông tin kịp thời các hoạt động, sự kiện truyền thông thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xây dựng và hình thành các không gian truyền thông GDNN lan tỏa tới toàn xã hội.
Ngoài ra, các cơ sở GDNN đã chủ động trong công tác truyền thông, xây dựng và phát hành các ấn phẩm truyền thông; số lượng, tần suất, chất lượng các bài viết về GDNN không ngừng tăng; nội dung đã định hướng, phản ánh được chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước trong GDNN. Nhiều cơ sở GDNN đã chủ động kết nối, gửi tin bài, ảnh, video... cho Tổng cục GDNN đăng tải, phổ biến, nhất là về các mô hình, tấm gương điển hình, tiêu biểu trong hoạt động GDNN.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, GDNN được coi là một trong những lĩnh vực quan trọng hàng đầu, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế trong tình hình mới. Để nâng cao nhận thức của xã hội về lĩnh vực GDNN, qua đó, thúc đẩy các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên tích cực tham gia vào hoạt động GDNN từ việc đăng ký tham gia học, quá trình dạy, đánh giá kết quả, việc làm sau đào tạo đến đầu tư để phát triển GDNN thì công tác truyền thông cần phải được đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức để đưa thông tin đến cộng đồng đầy đủ, kịp thời”.
Nhìn chung, công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp đã được quan tâm, đóng góp tích cực trong việc hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của GDNN, công tác tuyển sinh, phân luồng định hướng được dư luận trong các vấn đề, kịp thời giải đáp thắc mắc của độc giả, đã có sự tương tác giữa độc giả và cơ quan quản lý nhà nước về GDNN. Thông tin tuyên truyền đã có chuyển biến rõ rệt ở cả Trung ương, địa phương và các cơ sở GDNN; truyền thông đã có tác động lớn đến các đối tượng người học, gia đình và người sử dụng lao động và phần nào làm thay đổi được nhận thức của học sinh, phụ huynh học sinh, doanh nghiệp, cả xã hội về GDNN.
Tuy nhiên, công tác truyền thông trong lĩnh vực GDNN vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Việc triển khai các nội dung, hoạt động quy mô, phạm vi lớn về  thông tin, tuyên truyền và truyền thông GDNN còn gặp nhiều hạn chế, do vướng mắc về định mức, thủ tục và thẩm quyền phê duyệt thực hiện các hợp đồng có giá trị từ 100 triệu trở lên, dẫn đến chưa có các chương trình giá trị, mang tính truyền thông cao; Chưa triển khai tố chức được các chương trình lớn, game show về GDNN để tạo sân chơi cho học sinh, sinh viên và các nhà giáo GDNN; Các chuyên mục, chuyên sâu về GDNN trên các cơ quan thông tấn báo chí chưa nhiều; Thông tin, tuyên truyền và hoạt động truyền thông GDNN tới vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Các chương trình phát thanh tiếng dân tộc chưa nhiều.
Các đại biểu thảo luận phương hướng, nhiệm vụ công tác truyền thông trong lĩnh vực GDNN 
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, trong khuôn khổ Hội nghị các đại biểu đã thảo luận đưa ra phương hướng, giải pháp để triển khai hiệu quả công tác truyền thông trong lĩnh vực GDNN như:
- Tiếp tục tập trung thực hiện Quyết định số 534/QĐ-LĐTXH ngày 07/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch truyền thông về GDNN giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 270/QĐ-TCGDNN ngày 18/6/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN về việc xây dựng và phát triển không gian truyền thông GDNN, hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN giai đoạn 2021-2025;
- Tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động truyền thông và hình thức triển khai, xây dựng chuyên trang, chuyên mục, kênh, sóng riêng về GDNN, phát thanh tại khu vực nông thôn, bảo đảm thông tin tin cậy, đầy đủ, kịp thời, phù hợp với từng nhóm đối tượng về hình ảnh, vị thế, thông điệp về GDNN gắn với 02 biểu tượng Skilling Up Viet Nam và Worldskills Viet Nam, ngày kỹ năng lao động Việt Nam, tuần lễ kỹ năng nghề;
- Tiếp tục thực hiện từng bước hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN với sự tham gia của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cơ sở đào tạo, người học, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội;
- Triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông trên các phương tiện truyền thông của Tổng cục: Website, Fanpage,…để tạo được sự lan tỏa, đồng nhất trong toàn hệ thống GDNN;
- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông về GDNN; chú trọng tuyên truyền về Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”; công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài và nhân rộng trong cả nước; triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ GDNN giai đoạn 2021-2025 và Chỉ số nâng cao chất lượng đào tạo nghề; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và chương trình đầu tư công giai đoạn 2021-2025.
- Tổ chức các chương trình, sự kiện, cuộc thi, giải thưởng, danh hiệu nhằm tôn vinh người học, nhà giáo, người dạy nghề, cán bộ quản lý, người sử dụng lao động, lao động có kỹ năng, các tổ chức có nhiều thành tích, đóng góp cho hoạt động GDNN và phát triển kỹ năng nghề tại các địa điểm công cộng, nơi vui chơi,… kết hợp với truyền thông và phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội phổ biến./.
Lê Minh