Lao động
Đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Lai Châu
04:17 PM 14/05/2018
(LĐXH) - Trong điều kiện kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song Lai Châu vẫn luôn chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, trên 80% ngân sách tỉnh phụ thuộc vào trung ương, một số cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong lĩnh vực này... và cần nhiều giải pháp đồng bộ...

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Lai Châu có 272.212 người trong độ tuổi lao động của tỉnh, chiếm 60,4% dân số, phần lớn lao động đang làm việc tại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (82,2%) năng suất lao động thấp, trình độ chuyên môn kỹ thuật hạn chế, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, địa phương vẫn chưa hình thành các khu công nghiệp nên chưa thu hút được nhiều lao động vào làm việc, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Trong khi đó, toàn tỉnh trên 1.100 doanh nghiệp, 96% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung trong các nhóm ngành dịch vụ và xây dựng, giải quyết việc làm cho khoảng 29.745 người, trong đó lao động thời vụ là 13.519 người.

Điều kiện làm việc là một trong những nguyên nhân dẫn tới nguy cơ mất an toàn

cho người lao động

Do điều kiện kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trên 80% ngân sách phụ thuộc vào trung ương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, không ổn định nên chưa quan tâm đúng mức tới công tác đảm bảo ATVSLĐ. Việc tổ chức sản xuất, tổ chức lao động không hợp lý, công nghệ sản xuất và tổ chức lao động tại các cơ sở sản xuất tư nhân còn lạc hậu, đặc biệt là các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác đá, đúc kim loại,... lao động thủ công chiếm tới 70 - 80%, và có tới gần 80% các khâu trong dây chuyền công nghệ mà người lao động phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại; Hầu hết các cơ sở sản xuất đều không có hệ thống thông gió, hút bụi, xử lý hơi khí độc trong nhà xưởng, ngay cả các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều hoá chất, nhiều chất dễ cháy, dễ nổ; Tuy tỷ lệ máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được sử dụng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ khá cao, chiếm 31,4% tổng số máy, thiết bị được thống kê, nhưng có tới 21,59% các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ đang sử dụng nhưng chưa khai báo; 42,54% máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ chưa được kiểm định, cấp phép sử dụng...

Việc báo cáo về công tác kiểm định của các Trung tâm kiểm định đối với các máy móc, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trên địa bàn còn thiếu cụ thể. Hoạt động đo, giám sát môi trường cũng như hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh còn khó khăn. Công tác kiểm tra, đánh giá về ATVSLĐ - PCCN đã được tăng cường nhưng việc xử lý vi phạm hành chính còn hạn chế.

Bên cạnh đó, nguyên nhân mất an toàn trong lao động sản xuất cũng xuất phát từ ý thức về đảm bảo ATLĐ từ phía người lao động chưa cao, có sự chủ quan, đối phó trong sử dụng trang bị bảo hộ lao động.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác an toàn lao động cụ thể và gần gũi nhất cho người lao động

Để hạn chế thấp nhất các vụ TNLĐ trong lao động, sản xuất, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là đơn vị có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ. Năm 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý vi phạm hành chính 9/10 đơn vị không thực hiện quy định về ATLĐ; phối hợp các ngành chức năng, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền về ATLĐ qua phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, băng-rôn, khẩu hiệu; phối hợp các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc sử dụng vật liệu nổ trong thi công xây dựng công trình và công tác ATLĐ tại các đơn vị thi công; hướng dẫn đơn vị thi công xây dựng hệ thống nội quy lao động, quy chuẩn kỹ thuật an toàn, bằng biển chỉ dẫn ATLĐ tại đơn vị và công trường. Đặc biệt, trong Tháng Hành động ATVSLĐ - tháng cao điểm tập trung triển khai các hoạt động về công tác an toàn, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện nhiều hoạt động liên quan. Nổi bật, các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tân Uyên đã triển khai chương trình, hành động cụ thể, nổi bật như: ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; tuyên truyền trên hệ thống phát thanh từ huyện xuống xã, khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, tổ chức kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động…

Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2018 với chủ đề: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế TNLĐ và BNN” được tổ chức từ 1-31/5 trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ đồng loạt đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ. Tùy theo điều kiện thực tế, các Sở, ngành, địa phương sẽ thực hiện tổ chức một số hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ hướng vào chủ đề của Tháng hành động. Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc tọa đàm, đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; về thực thi hiệu quả Luật ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh. Các Sở, ngành, địa phương cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe, khám BNN cho người lao động. Đồng thời, tổ chức một số hoạt động xã hội, cộng đồng lồng ghép về ATVSLĐ như: thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ có nội dung tuyên truyền về ATVSLĐ. Trước, trong và sau Tháng hành động, các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn sẽ được đẩy mạnh, tập trung vào việc tuyên truyền theo chủ đề của Tháng hành động./.

 Trần Huyền