Xã hội
Đẩy mạnh các hoạt động triển khai khắc phục hậu quả bom mìn
08:17 AM 01/04/2018
(LĐXH) – Sáng 30/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức “Họp báo thông tin khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam, hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4”.
Tham dự buổi họp có ông Nguyễn Hạnh Phúc - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC); ông Lưu Hồng Sơn - Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tướng Phạm Ngọc Khóa - Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ Khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Đại tá Nguyễn Văn Tín - Trưởng phòng Tuyên truyền cổ động, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị; Đại tá Thân Thành Công - Phó Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, cùng đại diện các bên liên quan.
Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC)
Với thông điệp: “Tăng cường bảo vệ, hòa bình và phát triển”, ngày thế giới phòng chống bom mìn năm nay (04/4/2018) thể hiện khát vọng về một thế giới hòa bình, không có bom mìn, một cuộc sống bình yên và phát triển của nhân dân trên toàn thế giới.
Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2025 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 21/4/2010 (Chương trình 504) với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý về tổ chức, quản lý và cơ sở hạ tầng cho các quốc gia, các tổ chức trong nước và quốc tế xem xét để viện trợ, tài trợ.
Đồng chí Phạm Ngọc Khóa, PCT Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Tổng Giám đốc VNMAC Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, trong năm 2017, thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2025 (Chương trình 504), Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ – TBXH), phối hợp cùng VNMAC và Bộ Quốc phòng đã triển khai các bước, hoàn chỉnh Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia 701, nhằm khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học.
Năm 2017 cũng chứng kiến nhiều hoạt động tích cực từ Hội và Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam khi quyên góp, hỗ trợ cho 151 nạn nhân bom mìn với số tiền lên tới 1.831 triệu đồng (trong đó hỗ trợ sinh kế cho 140 nạn nhân) tại các tỉnh Quảng Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bình Định, Quảng Trị. Công tác phối hợp với các Chính phủ, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ nhằm đẩy nhanh việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh cũng được đẩy mạnh. Triển khai các dự án nâng cao năng lực do chính phủ các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh… và các tổ chức quốc tế UNDP, GICHD, NPA, IC… tài trợ. Đặc biệt là việc nghiên cứu trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trong nước; tiến hành trao đổi hợp tác với các tổ chức quốc tế, các công ty chế tạo thiết bị dò tìm và xử lý bom mìn ở một số quốc gia. Riêng trong tháng 3/2018, đơn vị cũng đã tổ chức Lễ khởi động dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Các đại biểu tham dự buổi họp báo
Ngày 8/9/2000, Đại hội đồng LHQ đã thông qua tuyên bố Thiên niên kỷ, kêu gọi tất cả các quốc gia xem xét việc gia nhập Công ước về cấm sử dụng, tang trữ, sản xuất, vận chuyển và phá hủy các loại mìn sát thương cũng như Nghị định thư về mìn sát thương kèm theo Công ước về các loại vũ khí thông thường. Đến nay, đã có 164 nước trên thế giới nhất trí ràng buộc với Công ước này; 118 nước ký Công ước chống bom, đạn chum (CMM) và 125 nước tuân thủ Hiệp định thứ 5 về chất nổ còn sót lại sau chiến tranh của Công ước LHQ về vũ khí thông thường (CCCW). Đây được coi là những nố lực quốc tế nhằm loại trừ mối đe dọa bom mìn và chất nổ còn sót lại sau chiến tranh, là sự đóng góp hết sức quan trọng cho những tiến bộ về hòa binh và phát triển
Ông Lưu Hồng Sơn, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ - TBXH cho biết, việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng cũng được Bộ LĐ – TBXH, các địa phương và một số tổ chức phi chính phủ thực hiện một cách hiệu quả. Việc tái định cư cũng được Chính phủ quan tâm bằng nhiều chương trình, dự án cụ thể tại các địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ quốc tế cũng đã được đẩy mạnh, triển khai chính sách xã hội đối với nạn nhân bom mìn một cách toàn diện.
Ông Lưu Hồng Sơn, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ - TBXH phát biểu tại buổi họp báo
Thời gian tới, các bên sẽ hướng tới tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật sau khi Nghị định quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn được ban hành và có hiệu lực; xây dựng cơ chế vận động tài trợ, đáp ứng mục tiêu Chương trình 504; tiếp tục huy động sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế; tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đã ký kết với chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế với các tổ chức như UNMAS…, các nước Đông Âu như Nga, Đức, Czech, Hungary... đề xuất hỗ trợ về năng lực dò tìm, xử lý bom mìn dưới biển và chế tạo trang thiết bị dò tìm, xử lý bom mìn...
Đại diện VNMAC trả lời thông tin báo chí xung quanh các hoạt động kỷ niệm
Hưởng ứng ngày phòng chống bom mìn thế giới ngày 4/4, 9h sáng ngày 31/3, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các đơn vị thực hiện buổi meeting cùng lễ tuần hành đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm và Quảng trưởng Lý Thái Tổ, Hà Nội. Tại đây, một triển lãm cũng sẽ được tổ chức nhằm phản ánh thực trạng ô nhiễm và mối hiểm họa của bom mìn, vật nổ đối với con người; công tác khắc phục hậu quả trong những năm qua.
Nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm ngày phòng chống bom mìn thế giới, ngày 3/4 tới, tại Nhà Hát Lớn, chương tình giao lưu truyền hình với chủ đề “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam” cũng sẽ được tổ chức nhằm ra mắt Ban chỉ đạo 701; công bố hiện trạng tồn lưu bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam - giai đoạn 1; kết quả hoạt động của Chương trình 504; trao đổi kinh nghiệm khắc phục hậu quả bom mìn ở các địa phương, các tổ chức quốc tế, gặp mặt các nhà tại trợ lớn trong và ngoài nước.
Hà Giang