Thời sự
Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn
02:57 PM 12/04/2019
(LĐXH) – Sáng ngày 12/4/2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng với Trường Đại học Hoa Sen tổ chức Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019, với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019

Tham dự diễn đàn có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Chủ tịch UBND.TP HCM Nguyễn Thành Phong; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng; ông Trần Lưu Quang - Phó Bí thư thường trực Thành Ủy TP HCM cùng với hơn 300 đại biểu là các Bộ, ban ngành liên quan, Sở Du lịch trong cả nước, các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp.

Theo Ban Tổ chức, hiện tại, cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp từ sơ cấp đến đại học. Riêng TPHCM có 63 cơ sở đào tạo du lịch (24 đại học, 20 cao đẳng, và 19 trung cấp).

Trong những năm qua, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và cơ cấu. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã dần được nâng cao. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn còn gặp những bất cập trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực như quy mô đào tạo tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế.

Theo thống kê sơ bộ từ ngành du lịch Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, đòi hỏi mỗi năm phải đào tạo khoảng 25.000 lao động mới, đồng thời phải đào tạo lại số lượng nhân lực tương tự.

Các đại biểu tham dự tại diễn đàn

Nước ta có khoảng 1,3 triệu lao động trong lĩnh vực du lịch, chiếm 2,5% tổng số lao động của cả nước, trong đó có khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Trong xu thế phát triển, việc tìm ra đáp số cho bài toán nguồn nhân lực du lịch là không đơn giản mà nguyên nhân là những bất cập trong quy mô đào tạo, sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, chính sách và hành lang pháp lý. 

Vì vậy, Diễn đàn sẽ là dịp để cho các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo về du lịch gặp gỡ trao đổi tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch Việt Nam. Đồng thời đánh giá khách quan, toàn diện và khoa học nguồn nhân lực cho du lịch Việt Nam hiện nay; phân tích thực trạng và nhu cầu đối với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Diễn đàn  tập trung vào 3 nhóm chủ đề chính là đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân sự du lịch; ứng dụng hiệu quả công nghệ mới trong đào tạo nhân lực và hoạch định chính sách trong phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đây là lần đầu tiên TPHCM tổ chức diễn đàn để lắng nghe một cách toàn diện và khoa học về thực trạng, giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch cho TP; đồng thời tăng cường mối liên kết giữa nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cả nước.

Toàn cảnh tại diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển ngành du lịch, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08, Chính phủ ban hành Nghị quyết 103 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì vai trò, vị trí của ngành du lịch ngày càng được khẳng định, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với TPHCM, Ban thường vụ Thành ủy cũng đã ban hành chỉ thị số 07 cũng như các văn bản triển khai, phát triển ngành du lịch TP. Từ năm 2001 đến nay, ngành du lịch đã được TP xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu và có mức tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của TP.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ rõ, số lượng doanh nghiệp lữ hành tăng trung bình 8%/năm, số lượt khách quốc tế đến TP tăng 19%/năm, số lượt khách du lịch nội địa tăng 16%/năm, tỷ trọng ngành du lịch chiếm 11% GRDP của TP. TP phấn đấu đến năm 2020, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc dân tộc, cạnh tranh với các thành phố trong khu vực. Dự tính, đến năm 2030 TP phấn đấu thuộc nhóm các TP có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Còn theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ -  Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, trong 3 năm qua lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh, từ 10 triệu lượt vào năm 2016 tăng lên 15,5 triệu lượt vào năm 2018. Cùng trong dòng chảy này, TPHCM tăng từ 5,2 triệu lượt năm 2016 lên 7,5 triệu lượt vào năm 2018. Năm 2019 ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Tăng trưởng nhanh về du lịch vừa là tín hiệu tốt, vừa đặt ra cho ngành du lịch những thách thức trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại diễn đàn

Thực tế hiện nay, ngành du lịch đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực lành nghề, chất lượng cao.  Ông Vũ dẫn chứng, TP hiện có hơn 5.418 hướng dẫn viên du lịch đang hành nghề và được cấp thẻ, tuy vậy nhiều hướng dẫn viên du lịch chưa đạt chuẩn ngoại ngữ (bao gồm các ngôn ngữ như Nhật, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc). Trong khi thị trường du khách quốc tế đến từ các quốc gia tăng đều qua các năm thì số lượng hướng dẫn viên quốc tế đa dạng ngoại ngữ lại tăng không tương xứng, tạo ra một rào cản rất lớn cho việc tiếp cận các thị trường tiềm năng cho du lịch TPHCM.  

 Chia sẻ kinh nghiệm về việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại doanh nghiệp (DN), ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist, cho biết các tiêu chí để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Saigontourist được hoạch định cụ thể theo từng giai đoạn, đặc biệt là được thực hiện trên cơ sở đáp ứng yêu cầu và thực tế tình hình. Saigontourist xây dựng các tiêu chuẩn chức danh cho các cấp lãnh đạo từ cấp trung cho đến quản lý cấp cao. Tùy theo từng chức danh tại các cấp sẽ có các tiêu chuẩn khác nhau căn cứ theo kiến thức-năng lực và các tiêu chuẩn cụ thể.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, đại diện Vietravel cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các trường học nên chú trọng đào tạo thực hành… Bởi thực tế, doanh nghiệp (DN) hầu như phải đào tạo lại, đối với các em sinh viên đã tốt nghiệp ra trường. Cần có chính sách khuyến khích thành lập các trường trong doanh nghiệp, chú trong  đào tạo chuyên sâu, chuyên ngành cho đối tượng trực tiếp làm du lịch; đào tạo cho đối tượng quản lý…

Ngoài ra, cũng tại diễn đàn các đại biểu cũng sẽ được lắng nghe một số bài tham luận và ý kiến của các đai diện đến từ sở Du lịch TP HCM, trường Đại Học Hoa sen, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng một số doanh nghiệp, Khách sạn - Nhà hàng Vatel International - Pháp trong phiên họp lần thứ nhất của diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 3 câu hỏi và một số gợi ý chiến lược đối với nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, cũng với những trăn trở. Theo Thủ tướng, nguồn nhân lực được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược hàng đầu để đưa Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình.

Thủ tướng gặp gỡ các đại biểu tham dự diễn đàn

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề ngành du lịch liệu có đủ hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút nhân tài, lực lượng lao động có kỹ năng trong nước và cả quốc tế vào làm hay không? Vì các thu hút đãi ngộ nhân tài sẽ quyết định việc thu hút nguồn nhân lực từ môi trường làm việc, văn hóa công ty… Đây không chỉ là câu hỏi dành cho doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý nhà nước, bởi du lịch là ngành có tính cạnh tranh toàn cầu.

"Môi trường tạo nên con người. Đầu vào quan trọng nhưng đầu ra cũng quan trọng, vậy doanh nghiệp, xã hội đã sử dụng nguồn nhân lực như thế nào? Chúng ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm trên 10%GDP, tạo sức lan tỏa với ngành kinh tế cả nước vậy phải làm gì để tối ưu hóa nguồn lực sẵn có?" – Thủ tướng đặt câu hỏi.

Quan trọng không kém, cộng đồng du lịch sẽ đóng vai trò quyết định sự phát triển của du lịch, từ người dân bán hàng rong đến tài xế taxi…. Ở Hội An, sáng sớm vào xem đồ không mua cũng không sao nhưng ở nơi khác, du khách có thể bị chửi một phần do cách ứng xử. Hay giữa lúc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, có nhiều người dân bưng bát nước chè ra cho phóng viên quốc tế cũng là hình ảnh đẹp cho du lịch. Do đó, có rất nhiều bộ phận liên quan góp phần cho ngành du lịch phát triển chứ không chỉ doanh nghiệp, trường học. Thủ tướng đúc kết "con người, cơ sở hạ tầng và chiến lược" là ba yếu tố quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực du lịch để góp phần xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn.

Lê Việt