Giáo dục - Nghề nghiệp
Đào tạo nghề gắn với thực tế cho lao động ở huyện miền núi Bác Ái
08:15 AM 22/04/2023
(LĐXH) - Huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) có 09 xã/38 thôn. Dân số tính đến cuối năm 2022 là 8.026 hộ/33.608 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai (chiếm trên 87%), lao động trong độ tuổi là 17.476 người, chiếm 52%. Mặc dù còn khó khăn về mọi mặt, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động - TBXH, Huyện ủy, UBND huyện đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện các chương trình về việc làm, đào tạo nghề và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Địa phương xác định Đề án 1956, Quyết định số 71/QĐ-TT là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là cơ hội để người dân lao động huyện Bác Ái tiếp cận được khoa học kỹ áp dụng vào sản xuất và tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập phát triển kinh tế gia đình, từng bước cải thiện nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần. Do đó, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh, Thường trực Huyện ủy về thực hiện công tác giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai. Hàng năm, Ban Chỉ đạo huyện hướng dẫn Ban Chỉ đạo các xã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên các lớp nghề gắn nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới để đề xuất kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn của địa phương nhằm đảm bảo được hiệu quả khi mở lớp.

Khi được tham gia các lớp đào tạo nghề, người lao động tiếp cận được những kỹ thuật mới trong lao động sản xuất để nâng cao năng suất làm việc, tạo thu nhập ổn định hơn

Qua quá trình triển khai thực hiện giai đoạn 2020-2023, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt hiệu quả đáng kể. Kết quả có hơn 400 lao động tự tạo việc làm và được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh, chiếm 90%; những lao động được đào tạo nghề nông nghiệp đã trang bị những kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giúp người lao động tự tạo việc làm ngay tại diện tích hộ gia đình, tham gia thành hợp tác xã; lao động học nghề phi nông nghiệp sau khi học nghề đã được giới thiệu vào các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tổng số lao động được giải quyết việc làm mới 3.350 lao động đạt 86,6% kế hoạch tỉnh giao, các lao động chủ yếu được giới thiệu việc tại các công ty trong và ngoài tỉnh và tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó: lao động ngoài tỉnh 998 người; lao động trong tỉnh 1.484 người và 20 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả trên đây cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm của huyện Bác Ái và các ngành chức năng nhằm thực hiện tốt chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện.

Đáng ghi nhận, trong quá trình triển khai các chính sách về việc làm, đào tạo nghề, nhận thức của đồng bào dân tộc ở Bác Ái cũng từng bước được nâng lên. Lao động nông dân cũng nhận thức hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp. Học nghề đã giúp nhiều lao động nông thôn nắm vững khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi thói quen canh tác theo hướng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập.

Địa phương đang nỗ lực tạo ra hướng phát triển mới đối với làng nghề ở vùng đồng bào DTTS và miền núi

Lãnh đạo UBND huyện Bác Ái cho biết, để chủ động nguồn nhân lực, cùng với việc đưa người lao động nông thôn đi học nghề tại những nơi khác trong và ngoài tỉnh, tại huyện, đơn cử như Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Phước Thắng đã tổ chức đào tạo nghề dệt chiếu truyền thống, thu hút nhiều phụ nữ dân tộc Raglai theo học và tình nguyện đăng ký làm xã viên của hợp tác xã. Chị em được các nghệ nhân dệt chiếu truyền thống hướng dẫn, đào tạo kỹ năng thao tác nghề…, vừa khôi phục, lưu giữ nghề truyền thống lâu đời của dân tộc Raglai, đồng thời có việc làm, tăng thêm thu nhập trong thời gian lao động nhàn rỗi, có điều kiện nâng cao đời sống.

Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Để thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, huyện Bác Ái tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn vay; phối hợp doanh nghiệp tuyển lao động, đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, làm việc ngoài tỉnh, giúp người lao động có  điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững./.

Trần Huyền

Từ khóa: đào tạo nghề