Lao động
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ
01:51 PM 25/12/2017
(LĐXH) Với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lực lượng lao động nông thôn, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) đã được triển khai từ năm 2010 với tổng vốn đầu tư lên tới 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai, Đề án này vẫn còn tồn tại nhiều khuyết điểm và cần được tập trung sửa đổi trong thời gian tới.
Điểm khó khăn đầu tiên khi triển khai Đề án là sự hưởng ứng và tiếp nhận của lao động nông thôn. Có nhiều chính quyền địa phương được phân bổ chỉ tiêu, kinh phí để tuyên truyền, vận động về đào tạo nghề giải quyết việc làm cho nhân dân khi xảy ra thiên tai, bão lũ, số lao động thất nghiệp tăng nhanh. Nhưng thực tế lại cho thấy người dân không quá mặn mà với chính sách này, họ thà chịu đói đợi qua đợt khó khăn rồi tự tìm việc làm hơn là tham gia các lớp đào tạo nghề mới. Một số bộ phận người trẻ mang tâm lý thích làm thầy, nhiều người muốn theo học tại các cơ sở đào tạo tập trung, chính quy để “có cái bằng”. Một bộ phận còn lại, vì điều kiện tuổi tác, hạn chế về trình độ nên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc học nghề. Bởi vậy số lượng học viên của các lớp nghề thường không ổn định hoặc không đủ chỉ tiêu để mở lớp, nhất là vào thời gian mùa vụ. Người dân có xu hướng lựa chọn các việc họ đã quen tay hơn là chọn lựa một ngành nghề mới, dù nghề đó có thể đem lại thu nhập cao hơn.
Số liệu của  Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, số lượng đào tạo giai đoạn 2010 - 2015 của toàn tỉnh là hơn 38.390/119.984 LĐNT có nhu cầu học nghề, chỉ đáp ứng được khoảng 32% số người có nhu cầu học nghề.
Xác định nhu cầu nghề nghiệp của lao động nông thôn là việc rất cần thiết
Dù vậy, bản thân một số khóa học dạy nghề cũng có hạn chế nhất định, khiến lao động không tin tưởng vào chất lượng đầu ra, khó đưa nghề học vào thực tiễn. Cụ thể là có những ngành nghề đòi hỏi thời gian học nghề lâu dài để đạt được những kĩ năng, kiến thức cần thiết đủ để thành nghề. Nhưng thời gian của các lớp đào tạo nghề thường lại quá ngắn ngủi, chỉ khoảng 3 tháng. Học viên mới sơ bộ nắm được cách sử dụng công cụ và kiến thức cơ bản, tư duy và kĩ năng chưa đủ để xin việc hoặc mở xưởng riêng. Với những ngành nghề kỹ thuật cao như hàn, máy lái.., lớp học lại bị hạn chế về máy móc, trang thiết bị, học viên không có điều kiện thực hành nên tay nghề yếu, khi kết thúc khóa đào tạo vẫn khó xin được việc hoặc bị từ chối. Thời gian học ngắn, ngành nghề không phù hợp nhu cầu đã khiến lao động nhiều địa phương không tìm được việc làm sau đào tạo.
Tình hình các lớp học nghề liên quan tới nông nghiệp có vẻ khả quan hơn vì những kiến thức học được ít nhiều được bà con nông dân áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt tại gia đình. Bởi, phần lớn học viên đã có sẵn tư liệu sản xuất, khi tham gia các khóa học như kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y..., họ đã vận dụng được những kiến thức đã học vào thực tế. Tuy nhiên, việc sử dụng kiến thức được học để mở rộng hơn quy mô, phát triển các mô hình kinh tế lớn thì không hề đơn giản, bởi người dân cần nhiều hơn những cơ chế, chính sách hỗ trợ sau đào tạo, như: Vốn, khoa học - kỹ thuật...
Cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tại cơ sở đào tạo nghề địa phương
Trước thực trạng triển khai kém hiệu quả trong thời gian dài này, cần có những sửa đổi, bổ sung thích hợp để Đề án 1956 có thể đi sâu vào nhu cầu học nghề và đào tạo lao động của người dân. Đầu tiên, muốn thu hút người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề, trước hết cần điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT và công tác dự báo xu hướng phát triển, quy hoạch của từng địa phương, tránh tình trạng “cầu một đằng, cung một nẻo”. Các ngành nghề đào tạo có phù hợp với đặc điểm tự nhiên và xu hướng nghề nghiệp địa phương thì người lao động mới có nguyện vọng muốn tham gia. Cần làm tốt công tác dự báo về nhu cầu sử dụng nghề của xã hội để đảm bảo cho các học viên đã qua đào tạo có cơ hội tìm kiếm việc làm. Thêm vào đó, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của đề án trên địa bàn tỉnh là việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề chưa phù hợp với chương trình, đối tượng đào tạo của đề án. Hầu hết các cơ sở đào tạo nghề đang tập trung đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy các nghề phi nông ngiệp, trong khi đó, kết quả trong 7 năm qua, các nhóm nghề nông nghiệp chiếm từ 50 đến 55% tổng số lao động đã được đào tạo; các nhóm nghề về công nghiệp, dịch vụ chỉ chiếm 27%. Không những vậy, đội ngũ giáo viên đảm nhiệm dạy nghề nông nghiệp không phải là những người công tác cố định tại cơ sở, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo. Cần có sự điều chỉnh về chính sách nhân sự của các trung tâm đào tạo nghề, nhất là các cơ sở dạy nghề dành cho lao động nông thôn.
Ngoài vai trò của các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các doanh nghiệp cũng cần chung tay trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm sau đào tạo. Có như vậy người lao động mới yên tâm tham gia các lớp học nghề để nâng cao tay nghề và kĩ năng, tìm kiếm cơ hội công việc với mức lương ổn định hơn. Có thể nói, Đề án 1956 được đánh giá là đã góp phần thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất để nâng cao đời sống. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao hơn trong thực tiễn, đề án cần được nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể để đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm phát huy hiệu quả trong chặng cuối, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển nông thôn bền vững.
Minh Ngọc