Xã hội
Đánh giá kết quả công tác y tế, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho đối tượng bảo trợ xã hội
11:00 AM 15/05/2018
(LĐXH)- Ngày 14/5, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả công tác y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng; bàn nhiệm vụ, phương hướng năm 2018-2020 và các năm tiếp theo của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội”.
Tham dự và chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng; Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn Hồi; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và các Trung tâm, Bệnh viện, cơ sở bảo trợ xã hội và phục hồi chức năng thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - TBXH) Nguyễn Văn Hồi, cho biết: Hiện nay, cả nước có 325 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập. Lực lượng lao động có khoảng 53 triệu người, trong đó có 22 triệu người lao động làm việc trong khu vực có hợp đồng lao động (50% trong số này có được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế). Khoảng trên 30 triệu người lao động còn lại làm việc trong khu vực phi kết cấu, không có hợp đồng lao động, tự kiếm sống và không tham gia bảo hiểm xã hội. Hiện mới chỉ thực hiện được việc khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho 20 - 30% người lao động có bảo hiểm xã hội, khám bệnh nghề nghiệp cho 100.000-120.000 người lao động có nguy cơ, phát hiện được từ 5.000- 7.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp và số người lao động được chuyển sang giám định để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp chỉ chiếm 10 -15%, do vậy số người lao động sau khi giám định được hưởng bảo hiểm xã hội còn ít hơn nữa. Mặt khác việc dự phòng, phát hiện sớm và quản lý các bệnh không lây nhiễm, bệnh liên quan đến nghề nghiệp cho người lao động chưa được chú trọng.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị
Trong dự thảo “Đề cương đề án phát triển y tế lao động xã hội giai đoạn 2018-2030”, đại diện Cục Bảo trợ Xã hội thông tin, sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân nói chung và của thương bệnh binh, người có công với cách mạng, người lao động và đối tượng xã hội nói riêng đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn hồi chủ trì hội nghị
Các cơ sở y tế lao động xã hội thực hiện các hoạt động chỉnh hình, phục hồi chức năng, điều dưỡng luân phiên được mở rộng về phạm vi và quy mô, các mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đông được phát triển, khu vực tư nhân được khuyến khích, hỗ trợ tham gia vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão. Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư cho các cơ sở y tế lao động xã hội nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ và chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng và một số đối tượng xã hội cần chăm sóc đặc thù ngày càng tăng. Lực lượng lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và người lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ tự do trong điều kiện lao động có phát sinh yếu tố tác hại nghề nghiệp ngày càng được quan tâm. Hoạt động phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, phòng chống tai nạn lao động và hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người lao động ngày càng được đầu tư, phát triển. Chính sách tài chính y tế lao động xã hội có nhiều đối mới; diện bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng; 17 nhóm đối tượng được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí như người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc bộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số dạng sinh sống tại vùng, có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp... được cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế là việc làm rất thiết thực và ý nghĩa; nhờ có thẻ BHYT mà hàng triệu người có hoàn cảnh đặc biệt được chữa trị kịp thời, gia đình bớt đi gánh nặng kinh tế. Tỉ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho khám, chữa bệnh giảm nhanh. Ứng dụng công nghệ thông tin từng bước được đẩy mạnh.
Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn hồi chủ trì hội nghị phát biểu tại hội nghị
Y tế dự phòng được tăng cường tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, trung tâm trợ giúp xã hội và cơ sở chữa bệnh giáo dục lao động xã hội. Các yếu tố ảnh hưởng tới sức khoẻ như môi trường, thực phẩm, rèn luyện thân thể, đời sống tinh thần cho người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật và đội ngũ thầy thuốc cán bộ, nhân viên y tế ngành lao động xã hội được quan tâm hơn. Năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh của cơ sở y tế lao động  xã hội được nâng lên, tiếp cận được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến cũng ngành y tế đang áp dụng trên toàn quốc. Lĩnh vực y tế lao động xã hội có bước tiến bộ. Các trung tâm điều dưỡng người có công, trung tâm trợ giúp xã hội trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, các cơ sở chữa bệnh- giáo dục- lao động xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm công tác xã hội có hoạt động y tế, phát huy được hiệu quả. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc. Đạo đức, phong cách, thái phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế lao động xã hội được chú trọng, nâng cao.
Cục phó Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Hải Hà trình bày dự thảo Đề cương phát triển y tế lao động - xã hội 2018 - 2030
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Người khuyết tật Thụy An (Hà Nội) nhấn mạnh: Hiện nay, bác sĩ chuyên ngành phục hồi chức năng  thiếu rất nhiều trong khi nhu cầu luyện tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng hiện đang có nhu cầu rất lớn. Hiện nay, tại các Trung tâm Phục hồi chức năng còn thiếu rất nhiều bác sĩ, do đó ông Nguyễn Văn Lý đã đề nghị lãnh đạo Bộ, Cục Bảo trợ Xã hội nghiên cứu, xem xét liên kết với một số cơ sở đào tạo của Bộ Y tế để nâng cao chất lượng cũng như số lượng bác sĩ phục hồi chức năng trong các Trung tâm Phục hồi chức năng của Bộ Lao động - TBXH.
 Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Người khuyết tật Thụy An Nguyễn Văn Lý tham luận tại hội nghị
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Tấn Dũng, cho rằng: Hội nghị lần này nhằm đánh giá kết quả đã đạt được và thảo luận để chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành về lĩnh vực y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng cho các đối tượng yếu thế. Bởi lẽ đây là một lĩnh vực được xã hội rất quan tâm, vấn đề này không chỉ riêng ngành Lao động - TBXH đảm nhận, mà rất cần sự hỗ trợ, quan tâm tích cực, chia sẻ của cả ngành y tế cũng như toàn xã hội. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng đã đánh giá, ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên y tế trực tiếp hàng ngày, hàng giờ thực hiện công tác y tế, chỉnh hình phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chức năng liên quan có phương án quản lý nhất quán, rõ ràng để tăng cường hỗ trợ các trung tâm, bệnh viện, cơ sở y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng cho các đối tượng bảo trợ xã hội.

Chí Tâm