Xã hội
Đảng viên mê dạy tiếng dân tộc
09:11 AM 16/06/2021
(LĐXH) - Đến ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai chúng tôi được giới thiệu gương ông Điểu Toa, một đảng viên mê nghiên cứu và giảng dạy tiếng dân tộc nhằm trao chuyền bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Chơ ro cho thế hệ sau.
Điểu Toa trao đổi với học viên dân tộc Chơ ro về công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội lúa mới năm 2021

Làm từ điển Chơ ro- Việt

Điểu Toa xuất thân từ đồng bào dân tộc Chơ ro. Trước sự mai một văn hóa truyền thống, Điểu Toa luôn tâm niệm phải làm một điều gì đó để lưu giữ và trao chuyền bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ là người dân tộc cũng như những người đam mê nghiên cứu văn hóa dân tộc. Suy nghĩ và nỗ lực, Điểu Toa đã dày công nghiên cứu và viết hoàn thiện hơn 85% cuốn từ điển song ngữ tiếng Chơ ro- Việt.

“Tôi đã dành gần 5 năm để nghiên cứu cuốn từ điển như chữ viết, nguyên âm và cách phiên âm, phát âm. Cuốn từ điển sau khi hoàn thiện có độ dày hơn 100 trang đã được báo cáo với địa phương, gửi về Phòng Dân tộc huyện và Ban Dân tộc tỉnh để trình các cấp cho chủ trương in ấn, phát hành làm tài liệu giảng dạy cho học sinh là người dân tộc cũng như những người Việt có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Chơ ro”, Điểu Toa nói.

Cũng theo Điểu Toa, quá trình nghiên cứu để làm cuốn từ điển, ông đã dạy thử cho các bạn nhỏ của làng dân tộc Chơ ro thuộc xã Xuân Thiện. Nội dung chủ yếu cách phát âm, phiên âm và dịch từ tiếng Việt sang tiếng Chơ ro. Kết cấu sơ bộ cuốn từ điển gồm các phần như lời mở đầu, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa xây dựng cuốn từ điển; một số âm tiết khi chuyển thể từ tiếng Việt sang tiếng Chơ ro; cách phát âm và cách ghép từ ngữ để thành câu…

Đồng thời với việc nghiên cứu để hoàn thiện cuốn từ điển song ngữ Chơ ro- Việt, Điểu Toa còn tổ chức lớp dạy đánh cồng, chiêng cho 7 em trong đội cồng chiêng của xã. Đến nay, đội đã tham gia hội diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống dành nhiều giải cao của huyện, của tỉnh như giải nhất cấp tỉnh năm 2018- 2019.

Điểu Minh, một học viên lớp cồng, chiêng cho hay, càng tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc Chơ ro, Điểu Minh càng đam mê lúc nào không hay. Giờ đây, Điểu Minh cùng đội cồng, chiêng thường tham gia biểu diễn đánh cồng, chiêng vào các dịp lễ, tết, lễ hội mừng lúa mới hằng năm của đồng bào dân tộc và tham gia các chương trình biểu diễn của huyện hoặc các hội thi do cấp trên tổ chức.

“Lúc đầu mới học, em cũng gặp nhiều khó khăn như cách cầm đánh sao cho cồng, chiêng kêu; phân biệt âm thanh giữa các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc Chơ ro…nhưng được thầy Điểu Toa tận tình hướng dẫn, giúp đỡ và nêu rõ ý nghĩa của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giờ đây, em đã yêu thích môn học từ lúc nào không hay”, Điểu Minh chia sẻ.

Nhiều bạn trong đội cồng, chiêng chung tâm sự và rất mong đến các dịp lễ, hội, các buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng để được mang chiêng, cồng và các nhạc cụ dân tộc, biểu diễn phục vụ người dân và cộng đồng…

Đội cồng chiêng do Điểu Toa huấn luyện, giảng dạy biểu diễn tại lễ hội lúa mới năm 2021

Mong cuốn từ điển nhanh được phát hành

Điểu Toa cho biết, hơn 5 năm sưu tầm, nghiên cứu đến nay, ông đã hoàn thành cơ bản gần 90% cuốn từ điển song ngữ Chơ ro- Việt. Bản thảo sơ bộ đã được gửi cho xã phê duyệt, báo cáo về Phòng Dân tộc huyện và gửi Ban Dân tộc tỉnh chờ thẩm định cho in ấn, phát hành.

“Cuốn từ điển khi được phát hành sẽ tạo thuận lợi cho học sinh dân tộc và nhiều người có đam mê tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa truyền thống của người Chơ ro. Vì vậy, tôi rất mong cuốn từ điển nhanh chóng được các cơ quan chức năng phê duyệt cho in ấn, phát hành tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về ngôn ngữ của dân tộc Chơ ro”, Điểu Toa bày tỏ.

Để mong ước này trở thành hiện thực, Điểu Toa rất mong muốn các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian; các giáo sư, phó giáo sư chuyên nghiên cứu về văn hóa các dân tộc thiểu số cùng vào cuộc để tài liệu được chính thức phát hành, tạo thuận lợi cho thế hệ trẻ tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc.

Quá trình nghiên cứu, tìm tòi về văn hóa truyền thống, Điểu Toa còn được biết, cộng đồng dân tộc Chơ ro trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 11 ngàn người, đứng thứ ba trên tổng số gần 40 dân tộc sinh sống trong toàn tỉnh. Trong đó, H.Thống Nhất có hơn 2,2 ngàn người Chơro tập trung chủ yếu tại 2 ấp Xuân Thiện và Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện với 381 hộ, hơn 1,3 ngàn người. Tín ngưỡng nguyên thủy của đồng bào dân tộc Chơro là thờ đa thần với quan niệm mọi vật đều có linh hồn. Trong đó, thần lúa (Yangva hay Yang lúa) được xem trọng nhất và là lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Chơro được tổ chức hằng năm, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo của người Chơro.

Vì vậy, mong ước có cuốn từ điển và các tài liệu chính thống để giảng dạy, trao chuyền văn hóa dân tộc cho học sinh dân tộc và những người đam mê, tìm hiểu về văn hóa dân tộc thực sự rất cần thiết. Cùng việc nghiên cứu, tìm hiểu, việc mở lớp dạy về văn hóa truyền thống; dạy cách đánh cồng, chiêng, sử dụng nhạc cụ dân tộc đã và đang được Điểu Toa duy trì nhiều năm nay. Qua đó, tiếp tục bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là một nơi có bề dày truyền thống văn hóa lâu đời như làng dân tộc Chơ ro xã Xuân Thiện.

“Tôi mong muốn khi tài liệu được chính thức phát hành, sẽ có thêm nhiều thanh niên dân tộc tìm hiểu, nghiên cứu để tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị của văn hóa truyền thống Chơ ro. Qua đó, góp phần bảo tồn, lưu giữ và đóng góp vào truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam”, Điểu Toa nói.

Ông Trịnh Đình Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thiện cho hay, Điểu Toa là một đảng viên trẻ, một gương đồng bào dân tộc luôn nỗ lực, vượt khó để tìm hiểu, nghiên cứu và “vận hành” khá tốt nhà văn hóa dân tộc Chơ ro trên địa bàn. “Những đóng góp của Điểu Toa bước đầu có ý nghĩa bảo tồn, lưu giữ và tiếp tục trao chuyền giá trị văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc Chơ ro một cách thiết thực, có ý nghĩa”, Bí thư Đảng ủy Trịnh Đình Tâm nhấn mạnh.

Nguyệt Hà