Thời sự
Đảng ủy Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị học tập chuyên đề năm 2023
04:30 PM 24/03/2023
(LĐXH) - Ngày 24/3/2023, tại Hà Nội, Đảng ủy Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị học tập chuyên đề năm 2023 về “Tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương” và thông tin chuyên đề Quý I năm 2023 “Một số điểm mới về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi”.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Văn Hoạt, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ; các giảng viên: PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết - Giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và TS. Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội; cấp ủy đảng các cấp trong Đảng bộ Bộ; thành viên các ban tham mưu giúp việc Đảng ủy Bộ; Ban Thường vụ Công đoàn, Đoàn thanh niên Bộ; Lãnh đạo các đơn vị có tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Bộ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tại Hội nghị, TS. Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội đã trao đổi chuyên đề về “Một số điểm mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi”. Theo đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi gồm 9 chương với 133 điều với nhiều bổ sung sửa đổi quan trọng. Trong đó, “có 5 nhóm chính sách lớn được bổ sung, sửa đổi, cụ thể hóa thành 18 nội dung sửa đổi lớn trong hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trình Chính phủ tháng 6/2023 bao gồm: (1) Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt, liên kết giữa trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện với 2 nội dung lớn; (2) Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH với  4 nội dung lớn; (3) Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội) với 2 nội dung lớn; (4) Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH với 9 nội dung lớn; (5) Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả với 2 nội dung lớn.
TS. Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội trao đổi với Hội nghị chuyên đề về “Một số điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi”.
Trong đó: Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; (3) Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng với 2 phương án là Phương án 1: “Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác” và Phương án 2: “Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động”.
Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội) với 2 phương án điều chỉnh là Phương án 1: “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm” và Phương án 2: “Sau 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu”
Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (bổ sung đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quyền lợi hưởng với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, quy định tính tỷ lệ lương hưu phù hợp với thông lệ quốc tế)”, đồng chí Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cho biết.
PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết phổ biến, quán triệt nội dung chuyên đề “Tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương”
Cũng tại Hội nghị, PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết - Giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phổ biến, quán triệt chuyên đề “Tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương”.
Theo PGS. TS Trần Thị Minh Tuyết, quan điểm đạo đức Hồ Chí Minh đã bao quát những mối quan hệ cơ bản của con người trong xã hội, bao gồm:
-Đối với đất nước, dân tộc phải “Trung với nước, hiếu với dân”.
- Đối với mọi người phải “yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình”.
- Đối với tự mình phải thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Về những nguyên tắc xây dựng và thực hành đạo đức, theo Hồ Chí Minh là lời nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Xây dựng đạo đức phải đi đôi với chống. Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Nói phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh, với tư cách là một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực.
Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, bao gồm một số nội dung chính là: phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt.
Về phong cách tư duy:  khoa học, cách mạng và hiện đại; độc lập, tự chủ, sáng tạo; hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình.
Về phong cách làm việc: khoa học; có kế hoạch; đúng giờ; đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, đường mòn.
Về phong cách lãnh đạo: tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đi đúng đường lối quần chúng,“lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân.
Đặc biệt, về phong cách nêu gương, tiên phong, gương mẫu: Hồ Chí Minh đòi hỏi, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo, sống cần kiệm, liêm chính; hài hòa, nhuần nhuyễn; tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên.
PGS. TS Trần Thị Minh Tuyết nhấn mạnh: Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, có ý nghĩa quan trọng, quyết định việc hoàn thành các chỉ tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 
PV