Xã hội
Đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em đều có cuộc sống không bạo lực
04:01 PM 14/12/2021
(LĐXH)- Các sáng kiến và giải pháp đột phá sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai hiệu quả Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025, nhằm đảm bảo "Tất cả phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất, đều có một cuộc sống không bạo lực”.

Ngày 14/12/2021, Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc - UNFPA tổ chức Hội thảo về các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, tổ chức Lễ ra mắt Mạng lưới phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam. Đây cũng là sự kiện hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021.


Dự và chủ trì hội thảo có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà; Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam. Tham dự còn có đại diện đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương, bao gồm các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội và các chuyên gia. Đây là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ quan điểm và giải pháp nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Toàn cảnh Hội thảo

Vẫn còn sự phân biệt đối xử về giới


Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và hướng tới mục tiêu là đến năm 2025. Theo đó, ít nhất 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan cung cấp dịch vụ và tất cả những người bị bạo lực có nhu cầu đều được trợ giúp bằng cách hình thức khác nhau...


Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, nhấn mạnh: Bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới và là hành vi vi phạm quyền con người phổ biến nhất. Bạo lực trên cơ sở giới xảy ra phổ biến từ trong gia đình, tới nơi làm việc, trường học, không gian công cộng dưới nhiều hình thức khác nhau mà nguyên nhân gốc rễ là do sự phân biệt đối xử về giới.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà


Theo thống kê, trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người bị bạo hành trong cuộc đời. Trong bối cảnh khủng hoảng do xung đột, thảm họa thiên tai hay dịch bệnh, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới có nguy cơ gia tăng nhiều hơn. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động nghiêm trọng tới hầu hết các quốc gia trên thế giới, không chỉ gây thiệt hại về tính mạng con người, suy thoái kinh tế mà những áp lực trong cuộc sống đã góp phần làm gia tăng tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình. Ở nhiều quốc gia, số trường hợp người bị bạo lực ước tính đã tăng lên ít nhất 30%.


Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, cho biết: Tại Việt Nam, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành động của người dân về thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; triển khai các mô hình, dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực. Thực tế cho thấy, những hoạt động phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ người bị bạo lực trong thời gian qua đã có những tác động tích cực, song đòi hỏi cần có sự nỗ lực nhiều hơn nữa để mang lại hiệu quả cao hơn trong đấu tranh xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam.


"Công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nếu thiếu đi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, từ chính quyền địa phương tới các cơ quan cung cấp dịch vụ và mỗi người dân trong cộng đồng. Việc thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, tiếng nói, hành động cụ thể của mỗi cá nhân trong cộng đồng sẽ giúp những người bị bạo lực không cảm thấy đơn độc, yếu thế hay bị kỳ thị. Người bị bạo lực cần được bảo vệ để sớm quay trở lại cuộc sống thường ngày, còn người gây bạo lực cần phải xử lý một cách nghiêm minh. Đó là cách thức để chúng ta ngăn chặn bạo lực, xây dựng mỗi gia đình hạnh phúc, cộng đồng, xã hội an toàn, bình đẳng, tiến bộ, văn minh" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, chia sẻ.


Nỗ lực ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới


Tại hội thảo, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho biết: UNFPA đánh giá cao sự hợp tác, cam kết và sự chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng và triển khai Chương trình Quốc gia về Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2017 - 2021. Đến nay, các thành tựu đã phản ánh nỗ lực tuyệt vời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bên liên quan trong việc ứng phó với các vấn đề về bạo lực trên cơ sở giới.

bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam


Theo bà Naomi Kitahara, để triển khai Chương trình quốc gia một cách hiệu quả, UNFPA khuyến nghị cần có nhiều sáng kiến đổi mới hơn nữa với sự tham gia của thế hệ trẻ nhằm hướng tới thay đổi các chuẩn mực văn hóa và xã hội về bạo lực đối với phụ nữ. Ngoài ra, mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ một cửa do UNFPA đang hỗ trợ thực hiện với các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc thể chất, tư vấn tâm lý, đảm bảo an toàn, hỗ trợ tư pháp và các dịch vụ xã hội được cung cấp tại cùng một địa điểm, cần được nhân rộng. UNFPA kêu gọi Chính phủ có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực khác nhau để tạo sự gắn kết vững chắc giữa các hoạt động can thiệp nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ…


"UNFPA sẵn sàng đóng góp giúp Việt Nam trở thành quốc gia trong đó phụ nữ và trẻ em không phải chịu bạo lực và phẩm giá của mọi người đều được tôn trọng" - bà Naomi Kitahara, cam kết.


Để đạt được các mục tiêu Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu tham gia Hội thảo đã thảo luận, gợi mở về các giải pháp trong ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; chia sẻ những khó khăn, thách thức và giải pháp trong cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý hỗ trợ người bị bạo lực; kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp liên ngành hỗ trợ người bị bạo lực thông qua việc triển khai Ngôi nhà Ánh Dương - mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ một cửa ở tỉnh Quảng Ninh, được xây dựng lần đầu tiên tại Việt Nam trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ LĐTBXH và UNFPA và được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp tất cả các dịch vụ thiết yếu tại một địa điểm, từ chăm sóc thể chất, tư vấn tâm lý, bảo đảm an toàn, trợ giúp tư pháp và pháp lý đến các dịch vụ xã hội. Mô hình này khác biệt với ngôi nhà tạm lánh vì người bị bạo lực không cần đi đến nhiều địa điểm để nhận các dịch vụ khác nhau.



Trong khuôn khổ hội thảo, Mạng lưới Đối tác Hành động về Phòng ngừa và Ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được ra mắt. Đây là một giải pháp đổi mới nhằm củng cố sự phối hợp và hợp tác trong việc phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với bạo lực trên cơ sở giới.
Mục đích của việc xây dựng và vận hành Mạng lưới nhằm huy động và kết nối các sáng kiến, kinh nghiệm, nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các bộ, cơ quan của Chính phủ, các tổ chức chính trị ,xã hội và các tổ chức quốc tế, luật sư, chuyên gia…


Các hoạt động của Mạng lưới sẽ tạo tiền đề để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy định về cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong thời gian tới.


Về phương thức hoạt động của Mạng lưới: các thành viên tham gia trên cơ sở tự nguyện. Mạng lưới duy trì hoạt động thông qua các cuộc họp định kỳ 01 quý/lần để cùng trao đôi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan tới phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Ngoài ra, các lớp tập huấn, các cuộc đi tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm thực tế ở những nơi có mô hình điểm làm tốt cũng sẽ được tổ chức để phục vụ cho hoạt động của Mạng lưới...


Hà Giang