Xã hội
Đảm bảo chất lượng sống của người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số
12:54 PM 14/01/2019
(LĐXH) - Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ cơ cấu dân số vàng, bước đầu vào giai đoạn già hóa và cần phải có kế hoạch để ứng phó với việc già hóa dân số. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25%.

Người cao tuổi chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu dân số nước ta và là một trong những nhóm người dễ tổn thương trong xã hội, cần được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Là một nước có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh, nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25%.

Thăm khám sức khỏe cho người cao tuổi

Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ cơ cấu dân số vàng, bước đầu vào giai đoạn già hóa và cần phải có kế hoạch để ứng phó với việc già hóa dân số. Với mức sinh được dự đoán ổn định trong thời gian tới và với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện tại, sự chuyển đổi cơ cấu dân số theo hướng già hóa, tăng tỷ lệ người cao tuổi sẽ tạo ra những tác động rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế, lao động, giải quyết việc làm, tiết kiệm, đầu tư, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, sự chuyển dịch các dòng di cư, thiết kế hạ tầng... đặt ra những thách thức mới trong phát triển kinh tế - xã hội và nếu không được quan tâm giải quyết sẽ tạo ra những hệ quả không chỉ đối với chất lượng dân số mà cả sự phát triển nói chung.

Chiếm tỷ lệ trên 11% dân số nhưng phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Đời sống người cao tuổi nhìn chung, còn rất khó khăn. Thống kê cho thấy, tại Việt Nam, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập thấp và bấp bênh. Hơn nữa, vì không còn sức khỏe để lao động nên đa số phải sống phụ thuộc. Trong số người cao tuổi tại Việt Nam, chỉ có khoảng 27% là có lương hưu và thu nhập ổn định, còn lại, 73% không có lương hưu, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái. Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người cao tuổi sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày. Vì vậy, đời sống của người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, vất vả, tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%.

Mặc dù có tuổi thọ trung bình khá cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta khá thấp, chỉ khoảng 64 tuổi; đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, nhiều người mắc bệnh nan y… Chỉ có khoảng 60% người cao tuổi có thẻ BHYT. Gánh nặng bệnh tật kép ở người cao tuổi đòi hỏi nguồn ngân sách đáng kể cho công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc y tế cho người cao tuổi. Trong khi đó ở nước ta, hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhất là chăm sóc chuyên khoa cho người cao tuổi chưa đáp được nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Cả nước chỉ có 49/63 tỉnh với 106 khoa lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố và bệnh viện trung ương; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng cho người cao tuổi; trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi và có 1.791 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa.

Môi trường chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội cũng là một trong những lựa chọn
của nhiều gia đình cũng như bản thân các cụ

Các thống kê cũng cho thấy, có tới 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu, trong khi đó xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ, chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Phụ nữ cao tuổi ly hôn, ly thân có tỷ lệ cao gấp 2,2 lần so với nam giới.

Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và hệ thống cung ứng việc làm cũng như chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi; một bộ phận xã hội còn quan niệm sai lệch về người cao tuổi; vai trò của các tổ thức dân sự, đoàn thể, cá nhân chưa thực sự được phát huy… cũng là những khó khăn, thách thức đối với chất lượng sống của người cao tuổi.

Trước thực tế như hiện nay, sức ép già hóa dân số với các vấn đề của người già không chỉ đối với ngành y tế vì ngoài vấn đề sức khỏe, người cao tuổi cũng cần tiếp cận với các dịch vụ xã hội khác. Đặc biệt, nhiều vấn đề đặt ra đối với người cao tuổi trong điều kiện kinh tế- xã hội đặc thù ở Việt Nam, cần sớm nhận thức về sự cần thiết phát triển công tác xã hội với người cao tuổi và tạo các điều kiện cần thiết cho sự phát triển này. Theo đó, bước đi đầu tiên có thể là các hoạt động nâng cao năng lực cho những người đang làm việc với người cao tuổi, cung cấp cho họ một số kiến thức, kỹ năng cơ bản trong làm việc với nhóm đối tượng này. Có thể xem xét, kết hợp đào tạo cán bộ xã hội trong lĩnh vực y tế với công tác xã hội đối với người cao tuổi; chú trọng công tác quản lý ca và tham vấn, đa dạng hóa các loại dịch vụ trợ giúp, thiết kế các chương trình đào tạo chuyên sâu về công tác xã hội với người cao tuổi trong các loại hình đào tạo.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, thích ứng với già hóa dân số, không chỉ là giải quyết vấn đề của người cao tuổi mà cần có chính sách tiếp cận toàn diện, theo vòng đời để chuẩn bị cho giai đoạn dân số già. Các nỗ lực hướng tới trước mắt nhằm thay đổi cách nhìn về người cao tuổi. Cần thiết phải có số liệu được phân tách theo tuổi, giới tính và các đặc trưng khác về già hóa dân số, tác động của già hóa và nhu cầu của các nhóm dân số. Đồng thời, chia sẻ, học tập kinh nghiệm và giải pháp thích ứng với già hóa dân số để tạo môi trường sống thân thiện đối với người cao tuổi trên cơ sở nâng cao sức khỏe, thu nhập, việc làm và đào tạo đối với họ./.

Đăng Doanh