Xã hội
Đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên
02:45 PM 26/02/2021
(LĐXH) - Trong 05 năm qua, thông qua các Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới kết hợp tiền tài trợ của các cá nhân và sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã huy động được trên 6.000 tỷ đồng để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 04 huyện miền núi, 01 huyện vùng cao. Đây là nơi hội tụ, giao lưu, sinh sống lâu đời của 51 dân tộc anh em, trong đó trên 384.000 người dân tộc thiểu số, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều đổi mới, các chương trình, chính sách của Trung ương được lồng ghép với các chương trình, chính sách của địa phương có trọng tâm, trọng điểm. Trong 05 năm qua, thông qua các Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới kết hợp tiền tài trợ của các cá nhân và sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã huy động được trên 6.000 tỷ đồng để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ các nguồn lực này, hàng trăm công trình bao gồm: giao thông, trường học, thủy lợi, điện, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt… dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng mới.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cung cấp nguồn nước sạch sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày
Một trong những chương trình mang lại dấu ấn tích cực trong thực hiện chính sách dân tộc ở Thái Nguyên phải kể đến “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi” (còn gọi là Chương trình 135). Sau hơn 20 năm đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình 135 đã mang đến sự đổi thay tích cực cho các xã, xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh. Chương trình có ảnh hưởng không những đến phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa mà còn góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kết quả, số vốn thực hiện từ năm 2013 - 2020 là trên 783 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; đầu tư xây dựng trên 800 công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt…
Đối với hỗ trợ giảm nghèo về thông tin và truyền thông, tỉnh đã triển khai hỗ trợ thiết bị thu truyền hình số theo Quyết định số 2451 của Thủ tướng Chính phủ, đã lắp đặt đầu thu kỹ thuật số cho trên 53.000 hộ nghèo, cận nghèo, đạt 100% kế hoạch. Cùng với đó, để hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, giám sát đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã tổ chức 33 lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác giảm nghèo cho trên 55.000 lượt người.
Công tác cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh đạt trên 98%. Người nghèo, người dân tộc thiểu số mắc bệnh nặng hiểm nghèo được khám, chữa bệnh theo Quyết định số 4163 của UBND tỉnh.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được ban hành, trong đó đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, chương trình mục tiêu giáo dục đào tào; chương trình kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ giáo viên... Các chương trình, dự án đã tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện để thực hiện chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2017 - 2020, chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học cho đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa với tổng vốn 181 tỷ đồng đang triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch; Dự án THCS vùng khó khăn nhất giai đoạn 2 với tổng mức 11,4 tỷ đồng... Tỉnh đã hỗ trợ trên 20 tỷ đồng cho học sinh trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116 của Chính phủ; hỗ trợ 15 tỷ đồng tiền ăn trưa cho trẻ mầm non; trên 21 tỷ đồng chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập...
Thái Nguyên quan tâm đầu tư hệ thống các trường Dân tộc nội trú tạo điều kiện môi trường học tập thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. 
Cùng với nhiều các chính sách dân tộc của Trung ương đang được triển khai, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cũng đã tham mưu để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách đặc thù, các dự án chuyên đề như: Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng An toàn khu, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020; Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 2037); Chính sách hỗ trợ muối iốt, phòng chống biếu cổ, thiểu năng trí tuệ cho người dân vùng dân tộc và miền núi Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020; Dự án xóa các xóm bản thiếu điện, “trắng” điện lưới quốc gia; Dự án xóa phòng học tạm vùng đặc biệt khó khăn… Công tác động viên, thăm hỏi, đón tiếp tặng quà đồng bào, tôn vinh, biểu dương người dân tộc thiểu số tiêu biểu được quan tâm thực hiện. Các chính sách dân tộc trên được tổ chức thực hiện hiệu quả góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên.
Với sự vào cuộc của các cấp ngành cùng nhiều giải pháp đồng bộ, trong giai đoạn 2016-2020, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên đã thu được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 12 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; huyện Võ Nhai đã đủ điều kiện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo; 74 xã trong tổng số 113 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (cao gấp gần 03 lần bình quân chung của cả nước cho vùng này); 19/63 xã, 75/94 xóm đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, Thái Nguyên là tỉnh đứng thứ nhất toàn quốc trong giai đoạn vừa qua. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh giảm nhanh, từ 19,22% năm 2016 xuống còn 6,17% vào cuối năm 2019 đã góp phần đưa tỉnh Thái Nguyên tăng 03 bậc, xếp thứ 02 trong 11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc (chỉ sau tỉnh Quảng Ninh)…/.
Hưng Minh