Lao động
Đắk Nông: Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
11:10 PM 10/06/2022
(LĐXH) – Những năm qua, cùng với việc triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), hạn chế thấp nhất tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), tỉnh Đắk Nông cũng thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với những nạn nhân bị TNLĐ, BNN.
Để tăng cường công tác đảm bảo ATVSLĐ, hàng năm UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về ATVSLĐ cũng được đẩy mạnh với nội dung và hình thức phong phú, hướng đến người lao động, đặc biệt là người lao động làm việc trong các ngành nghề có nguy cơ cao xảy ra TNLĐ, BNN giúp họ nâng cao ý thức tự giác chấp hành tốt các quy định về làm việc an toàn.
Tỉnh cũng thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại doanh nghiệp, để người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan tham gia triển khai, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người lao động về ATVSLĐ, nhất là trong công tác huấn luyện ATVSLĐ. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại doanh nghiệp cũng được tăng cường nhằm kịp thời phát hiện những bất cập để khắc phục tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc.
Điện lực Đắk Nông đảm bảo trang bị bảo hộ lao động đầy đủ đúng quy định cho người lao động
Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng ngày càng có ý thức trong việc chấp hành quy định về ATVSLĐ. Chủ động rà soát, củng cố, bổ sung hoàn thiện quy trình làm việc an toàn cho các vị trí công việc, máy và thiết bị, tăng cường hệ thống biển báo, rào chắn tại những nơi có nguy cơ mất an toàn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội quy, quy trình ATVSLĐ của người lao động khi làm việc, phát hiện thiếu xót để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa TNLĐ do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, trang cấp đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Nhờ sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, sự quan tâm và tuân thủ các quy định của Pháp luật về ATVSLĐ của các doanh nghiệp, đơn vị, hộ sản xuất kinh doanh và của chính người lao động nên nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra TNLĐ chết người, số vụ TNLĐ năm 2021 cũng giảm so với năm 2020. Góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, ổn định thu nhập cho người lao động.
Những năm qua, cùng với việc triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), hạn chế thấp nhất tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), tỉnh Đắk Nông cũng thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với những nạn nhân bị TNLĐ, BNN. Theo thống kê, hiện nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông đang quản lý và thực hiện chi trả trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng cho 87 người với số tiền chi trả hơn 86 triệu đồng/tháng. Trong đó, chi từ nguồn ngân sách Nhà nước cho 22 người với số tiền gần 22 triệu đồng/tháng; chi từ nguồn quỹ Bảo hiểm xã hội cho 65 người với số tiền gần 65 triệu đồng/tháng).
Trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Đắk Nông đã xét duyệt 01 hồ sơ tai nạn lao động hàng tháng, 4 hồ sơ tai nạn lao động một lần. Số lượng hồ sơ TNLĐ, BNN tại Đắk Nông phát sinh không nhiều do trên địa bàn ít các khu công nghiệp, người lao động và đơn vị sử dụng lao động thường xuyên được tập huấn về ATVSLĐ nên tình trạng TNLĐ, BNN không phát sinh nhiều.
Bên cạnh đó, công tác giải quyết và chi trả các chế độ TNLĐ, BNN cho người hưởng được thực hiện nhanh chóng, kịp thời do áp dụng các phần mềm của ngành cung cấp, việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục trong giải quyết chế độ đã giúp đơn vị thuận lợi hơn trong việc lập hồ sơ cho người lao động, đảm bảo các hồ sơ được thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN, trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông sẽ tăng cường phổ biến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm TNLĐ, BNN trên các phương tiện thông tin truyền thông nhằm phổ biến sâu rộng quyền lợi và mức hưởng của chế độ; trách nhiệm tham gia các loại bảo hiểm của người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh để tổ chức các buổi tuyên truyền, đối thoại chính sách Bảo hiểm xã hội trực tiếp tại đơn vị để giải đáp, tư vấn cụ thể cho đơn vị, người lao động về các vướng mắc trong thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm TNLĐ, BNN thực tế tại đơn vị. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc, thực hiện chế độ, chính sách TNLĐ, BNN tại các đơn vị sử dụng lao động nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, đảm bảo quyền lợi của người lao động.../.
Hưng Cảnh