Xã hội
Đắk Nông nhiều kết quả nổi bật trong tác giảm nghèo bền vững
05:02 PM 18/02/2020
(LĐXH) - Đắk Nông là tỉnh nằm ở Tây Nam vùng Tây Nguyên có diện tích tự nhiên trên 651.438 ha. Dân số hiện có khoảng trên 550 ngàn người với 40 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung (DTTS) chiếm 33% dân số toàn tỉnh và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (DTTSTC) chiếm 11,7%.
Ông Huỳnh Ngọc Anh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông

Tỉnh hiện có 7 huyện và 1 thị xã; 71 xã, phường, thị trấn; trong đó có 27 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, sau 15  năm (từ 2004- 2019) thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, diện mạo Đắk Nông đang ngày càng thay đổi, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã có cuộc sống cơ bản ổn định.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, trong giai đoạn 2016 – 2019, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ban ngành Trung ương và sự nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, công tác giảm giảm nghèo của địa phương đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Các chính sách về giảm nghèo đã đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào kết quả thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo đã đề ra. Cụ thể như: Nêu như tính từ cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh là 19,20%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 40,38%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 53,79% thì tính đến cuối năm 2019 (UBND chưa công bố chính thức), tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 10,52%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 24,15%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ là 31,60%.

Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 27/7/2016 của Tỉnh ủy Đắk Nông về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 đề ra chỉ tiêu phấn đấu hàng năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3%, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 4% trở lên so với năm trước. Như vậy, chỉ tiêu hộ nghèo giảm bình quân hàng năm đạt so với Nghị quyết đề ra.

Để đạt được những kết quả nêu trên, trong những năm qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh. Hằng năm, Ban chỉ đạo định kỳ 6 tháng họp để đánh giá kết quả đạt được và triển khai kế hoạch thời gian tiếp theo. Trên cơ sở Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020.  Trong giai đoạn qua, Sở tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 26/7/2017 quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh  ban hành các Quyết định, chương trình hành động cụ thể, thiết thực cho công cuộc giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên cơ sở Chương trình giảm nghèo của tỉnh, hầu hết các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ cấp huyện đến cấp xã đã và đang xây dựng, ban hành Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch giảm nghèo của từng cấp nhằm thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu mà chương trình giảm nghèo đề ra đến năm 2020. Đây là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện hệ thống các chính sách, chương trình, dự án, vừa hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, người nghèo trên phạm vi toàn tỉnh, vừa ưu tiên tập trung nguồn lực giảm nghèo nhanh và bền vững đối với xã nghèo, huyện nghèo và những địa bàn khó khăn vùng đồng bào dân tộc. Tỉnh cũng nghiên cứu, đề xuất bổ sung một số chính sách đặc thù đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số như: chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất, kinh doanh đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số…

Phóng viên Tạp chí Lao động và Xã hội tìm hiểu về mô hình dệt thổ cẩm truyền thống góp phần giảm nghèo bền vững ở Đắk  Nông

Bên cạnh đó, tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phân công các đoàn viên, hội viên của tổ chức mình giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Các huyện, thị xã của tỉnh đã tổ chức lựa chọn từ 1-2 địa bàn trọng điểm (thôn, buôn, bon, bản) để tập trung nguồn lực đầu tư thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Qua đó cho thấy kết quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2019 đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với việc đảm bảo an sinh xã hội đã tạo niềm tin vững chắc đối với nhân dân trong tỉnh nói chung và người nghèo nói riêng ngày càng nhận thức đúng đắn, có ý thức tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo, học hỏi cách làm ăn, thực hành tiết kiệm, tận dụng các cơ hội và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương. Các chương trình hỗ trợ kịp thời nhằm giải quyết sự thiếu hụt về tiêu chí thu nhập cho hộ nghèo, như: Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp người nghèo có việc làm tại chỗ, cải thiện thu nhập, góp phần giảm nghèo. Trong giai đoạn qua, tỉnh đã đào tạo nghề cho 451 lao động nghèo, cận nghèo với các nghề như: Dệt thổ cẩm, tin học văn phòng, nấu ăn, điện dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi, thú y, trồng trọt...

Hỗ trợ vay vốn tín dụng cho người nghèo thông qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể triển khai cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo. Doanh số cho vay tính đến tháng 9/2019 đạt 2.793 tỷ đồng với 100.280 lượt hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, trong đó có 40.330 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo được vay vốn hỗ trợ sản xuất (22.293 lượt hộ nghèo, 10.034 lượt hộ cận nghèo, 8.003 lượt hộ mới thoát nghèo).

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng và nhân rộng 2 mô hình giảm nghèo nuôi bò sinh sản tại 02 xã Đắk Wer và xã Nghĩa Thắng (huyện Đắk R’Lấp) với tổng kinh phí 500 triệu đồng vào đầu năm 2016. Năm 2018, từ nguồn kinh phí của Chương trình 135 triển khai xây dựng 02 dự án mô hình giảm nghèo tại huyện Đắk Glong với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Năm 2019, triển khai xây dựng các dự án mô hình giảm nghèo tại 02 huyện Đắk R’Lấp và Cư Jut với tổng kinh phí 1.000 triệu đồng. Việc triển khai nhân rộng mô hình giảm nghèo đã tận dụng và phát huy được năng lực cộng đồng, tự người dân vươn lên làm kinh tế, tạo niềm tin cho nông dân dám nghĩ, dám làm và có thể áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất. Trong quá trình triển khai các mô hình thuộc dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo, vai trò của người dân được thay đổi, người dân đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động. Những hộ thoát nghèo từ tham gia các mô hình là những “điểm sáng” trong phong trào vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, y tế, nhà ở, nược sạch và tiếp cận thông thin cho hộ nghèo được tỉnh đặc biệt qua tâm và triển khai có hiệu quả đến từng đối tượng cụ thể, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng có điều kiện đến trường học tập, nâng cao tỷ lệ bỏ học cho các em học sinh, sinh viên nghèo, khó khăn, góp phần giảm bớt chi phí cho các hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số, với tổng số kinh phí thực hiện năm 2019 là 32,023 tỷ đồng.

Tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh đã có 62.170 lượt người nghèo, 13.355 lượt người cận nghèo và 119.356 lượt người đồng bào dân tộc thiểu số được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Về hỗ trợ hộ nghèo nhà theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ 1.285 căn nhà (năm 2016 hỗ trợ 174 căn nhà, năm 2017 là 361 căn nhà, năm 2018 là 152 căn nhà và năm 2019 là 598 căn nhà) với tổng kinh phí 70.675 triệu đồng. Ngoài ra, từ nguồn Quỹ vì người nghèo của tỉnh đã xây dựng cho 14 căn nhà cho hộ nghèo, với kinh phí hỗ trợ khoảng 5.000 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ nhà ở đã tác động tích cực đến đời sống hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ chính sách có công, hộ nghèo, nhiều hộ gia đình từ chỗ không có nhà ở hoặc nhà tạm bợ nay có nhà ở khang trang và ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Bện cạnh đó, Chương trình 30a, Chương trình 135 của Chính phủ đã phát huy hiệu quả của đồng vốn được hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế. Theo đó, năm 2016 huyện Đắk Glong được Trung ương bố trí vốn đầu tư phát triển là 14.700 triệu đồng, tỉnh đã triển khai thực hiện đầu tư 04 công trình chuyển tiếp (gồm 03 công trình đường giao thông nông thôn và 01 công trình chuẩn hóa về giáo dục). Năm 2018, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo cho 02 huyện nghèo Đắk Glong, Tuy Đức là 9.097 triệu đồng. Ngày 07/3/2018, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 275/QĐ-TTg về phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 – 2020. Trong đó, tỉnh Đắk Nông có 02 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP là huyện Tuy Đức và Đắk Glong. Hiện nay, tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững đối với 02 huyện Tuy Đức và Đắk Glong giai đoạn 2019 – 2020 và 02 huyện Tuy Đức và Đắk Glong đang triển khai thực hiện các hạng mục của chương trình với tổng kinh phí thực hiện năm 2018 – 2019 là 119.523 triệu đồng.

Về Chương trình 135 thông qua các Dự án về hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát triển sát xuất và nâng cao năng lực đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đối với dự án nâng cao năng lực cán bộ và cộng đồng dân cư các xã thuộc Chương trình 135, trong năm 2016 – 2019, tỉnh đã tổ chức được 66 lớp với tổng số 2.698 học viên tham gia.  Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất: Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, với nguồn vốn được giao là 28.806 triệu đồng.  Kết quả thực hiện và giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao. Ngoài ra, tỉnh đã tiến hành lựa chọn mỗi huyện 02 địa bàn trọng điểm, xây dựng kế hoạch cụ thể để tập trung chỉ đạo và đầu tư nguồn lực thực hiện các mô hình có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Theo đánh giá, sau khi các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ vận động xã hội hóa và việc lồng ghép từ các chương trình, dự án khác cho công tác giảm nghèo bền vững đã từng bước được thực hiện đồng bộ. Việc xây dựng, ban hành một số chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực đến công tác giảm nghèo.

Mô hình dệt thổ cẩm ở Đắk Nông đang góp phần giảm nghèo bền vững ở Đắk Nông đang được đia phương nhân rộng

Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2016 – 2019 của địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: Một bộ phận cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người dân chưa có nhận thức đúng và đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của giảm nghèo, dẫn đến người nghèo, xã nghèo vẫn còn tình trạng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Các tổ chức, đoàn thể vẫn chưa triển khai một cách đồng bộ việc thực hiện phân công cụ thể đoàn viên, hội viên của tổ chức mình giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo tại một số địa phương còn bất cập, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên, kịp thời về các chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và nhà nước đối hộ nghèo..

Vì vậy, để thực hiện thành công mục tiêu về giảm nghèo bền vững, trong năm 2020, tỉnh Đắk Nông tiếp tục đặt ra mục tiêu phấn đấu hàng năm giảm 3% trở lên, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 4% và hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để tăng thu nhập.  100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện và tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Đến cuối năm 2020, cơ bản thực hiện hoàn thành Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết xong nhà ở cho hộ nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng. Phấn đấu đến hết năm 2020, không còn hộ người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh còn khoảng  7%, góp phần cùng với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI đề ra: “Đến năm 2020, đưa Đắk Nông thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh đề ra các giải pháp như:  Các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 04 trong quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo. Tiếp tục  đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách, cơ chế giảm nghèo để tạo chuyển biến nhận thức của người nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước mà vươn lên thoát nghèo; ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo, kinh phí đầu tư cho các công trình hạ tầng tác động đến nhiều đối tượng hưởng lợi; xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, phù hợp trên địa bàn.

Đồng thời, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành quyết liệt của chính quyền, gắn nhiệm vụ cụ thể và phát huy tối đa sự tham gia, vận động, tuyên truyền của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương để thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Công tác giảm nghèo coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành và toàn xã hội và chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm đưa vào đánh giá thi đua, xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền xã, huyện.

Tiếp tục đẩy mạnh lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn; huy động thêm các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân để thực hiện có hiệu quả, bền vững mục tiêu giảm nghèo đề ra. Phát động và thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững./.

         Huỳnh Ngọc Anh

                                                 Giám đốc Sở LĐ – TBXH tỉnh Đắk Nông