Xã hội
Đắk Nông: Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giảm nghèo
02:36 PM 16/06/2022
(LĐXH) - Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua, nhiều hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông đã vươn lên thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống.
Tỉnh Đắk Nông được thành lập năm 2004, bao gồm 07 huyện và 01 thành phố; có 71 xã, phường, thị trấn. Tỉnh có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân số là 677.616 người với 163.450 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 31,73% dân số toàn tỉnh. Tỉnh Đắk Nông vẫn còn là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Theo kết quả điều tra hộ nghèo đa chiều cuối năm 2021, toàn tỉnh có 18.290 hộ thuộc hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,19% số hộ toàn tỉnh, trong đó hộ nghèo thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 12.789 hộ, chiếm tỷ lệ 27,98% số hộ dân tộc thiểu số chung. Về hộ cận nghèo, toàn tỉnh có 10.929 hộ, chiếm 6,69%.
Nhiều hộ nghèo được vay vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo
Sau gần 20 năm thành lập tỉnh, bên cạnh những chủ trương chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thì Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là một chủ trương chính sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn; đời sống tinh thần, vật chất của hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi được cải thiện và nâng cao một cách rõ rệt.
Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đồng hành cùng chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra. Hàng năm, UBND tỉnh đã chủ động kiến nghị NHCSXH Trung ương và bố trí bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để tạo nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh được vay. Bình quân trong các năm từ 2016 – 2021, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trên 10%, đáp ứng cơ bản nguồn vốn cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình chính sách khác được tiếp cận vay; đến nay UBND tỉnh đã ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh hơn 250 tỷ đồng để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn, đó là sự nỗ lực lớn của chính quyền địa phương để bố trí thêm nguồn vốn cho người dân được vay.
Tính đến nay, dư nợ Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đang triển khai cho vay gần 3.400 tỷ đồng, với 18 chương trình tín dụng, trên 69.000 hộ còn dư nợ chiếm gần 50% dân số toàn tỉnh, riêng hộ nghèo, hộ cận nghèo với 100% số hộ đủ điều kiện đã được tiếp cận nguồn vốn vay, đó là điểm sáng trong chương trình mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà trong các năm qua. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,20% (năm 2016) giảm xuống còn 11,19% (năm 2021); đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc giảm từ 53,79% xuống còn 27,98%. Đồng thời góp phần quan trọng 35/61 xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa toàn tỉnh.
Đồng thời, để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai theo Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và kế hoạch 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, nên hoạt động tín dụng chính sách luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tăng trưởng nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Nông vẫn còn một số khó khăn, bất cập là: Công tác giảm nghèo đối với dân tộc tại chỗ vẫn chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm không đồng đều. Đây là nhóm dân cư có tốc độ giảm nghèo chậm, luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo. Thực trạng này kéo dài qua nhiều năm nhưng chưa được khắc phục triệt để. Nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo chủ yếu từ Trung ương, việc huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân còn hạn chế. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện mới chỉ dừng ở chính sách tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các mô hình sản xuất hoặc cam kết thoát nghèo chưa phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bên liên quan để có thêm nhiều chính sách đa dạng và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương; chưa khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Thêm vào đó, mặt bằng dân trí, trình độ sản xuất hạn chế; kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của tỉnh còn rất khó khăn, đòi hỏi phải có nguồn lực lớn để đầu tư trong khi ngân sách còn hạn chế. Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh diễn ra thường xuyên và trên diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ ỷ lại, chưa quyết tâm tự vươn lên thoát nghèo.
Để công tác tăng trưởng nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới đạt kết quả cao, tỉnh cần tập trung triển khai một số giải pháp cơ bản: Tiếp tục triển khai tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, xem công tác hoạt động tín dụng chính sách là chương trình mục tiêu quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cần quan tâm nguồn lực từ Ngân sách trung ương, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và trách nhiệm của địa phương trong việc bổ sung thêm nguồn vốn từ ngân sách qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách tỉnh để tạo thêm nguồn vốn cho người dân vay. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Ban chỉ đạo giảm nghèo tại địa phương để thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp để có cơ sở kiến nghị Bộ, ngành Trung ương; Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm tạo điều kiện nguồn vốn cho người dân vay tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế.
Cùng với đó cần rà soát giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, bảo đảm ổn định cuộc sống, có việc làm, giải quyết vấn đề nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị hàng hóa cho người dân; xây dựng mô hình sản xuất giá trị phù hợp phát triển sản xuất của hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Cấp ủy chính quyền địa phương cần có thêm chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, cận nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiếu số và tại chỗ để tạo đà vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững./.
Hồng Phượng