Lao động
Đắk Lắk giải quyết việc làm gắn với bảo đảm an sinh xã hội
12:52 PM 01/08/2018
(LĐXH)- Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk không ngừng tăng trưởng và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị. Năm 2017, được sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và bằng nhiều giải pháp trọng tâm, thông qua nhiều kênh giải quyết việc làm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 27.870 người, hạ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 2,7%.
Người lao động đăng ký việc làm tại sàn giao dịch việc làm tỉnh Đắk Lắk

Ngoài ra, tỉnh cũng kết hợp giữa các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như: tư vấn giới thiệu việc làm, cho vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…, ước tính năm 2017, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 27.870 người (trong đó việc làm tăng thêm 15.300 người, lao động nữ 13.800 người, lao động dân tộc thiểu số 9.100 người), đạt 101,34% so với kế hoạch năm. Trong tổng số 27.870 người được giải quyết việc làm, số người làm việc trong các ngành nghề Công nghiệp và Xây dựng chiếm 7.300 người, Nông - lâm nghiệp 11.670 người và thương mại, dịch vụ 8.900 người. Tính đến ngày 30 tháng 10 năm 2017, Đắk Lắk có 776 doanh nghiệp được thành lập mới, 315 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 81 doanh nghiệp phá sản, giải thể. Hiện toàn tỉnh có tổng số khoảng 6.970 doanh nghiệp, trong đó có 6.270 doanh nghiệp đang hoạt động có giao dịch đóng thuế, với ước tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trên 108.650 người.

Ông Lê Hạnh - Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trong năm 2017, Ngân hàng chính sách xã hội của tỉnh đã phát huy hiệu quả công tác cho vay vốn tạo việc làm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, Ngân hàng chính sách tỉnh đã giải quyết vay vốn giải quyết việc làm khoảng 41  tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn ngân sách của tỉnh, huyện bố trí ủy thác cho vay 14 tỷ đồng, vốn thu hồi cho vay lại 27 tỷ đồng), góp phần giải quyết việc làm cho 1.578 người lao động ( bình quân 26 triệu đồng/1 lao động), trong đó lao động nữ 624 người, lao động dân tộc thiểu số 873 người. Nguồn vốn cho vay tập trung chủ yếu cho hộ gia đình vay để đầu tư trồng, chăm sóc cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi nhằm phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương. Việc cho vay vốn giải quyết việc làm của tỉnh đã khuyến khích phát triển sản xuất, đời sống người lao động được cải thiện và ổn định. Tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đến cuối năm 2017 là 109,071 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương  trên 75 tỷ đồng, vốn địa phương 33,781 tỷ đồng.

Song song đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cũng đã tạo điều kiện, giới thiệu cho 38 doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động về các địa phương trong tỉnh để phối hợp tổ chức tư vấn, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, các doanh nghiệp đã tư vấn cho 1.200 lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài và đã có  715 lao động xuất cảnh đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ả Rập Xê út, … đạt 102% kế hoạch năm. Đồng thời, trong năm 2017 toàn tỉnh đã có 228 người tham dự kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 12, trong đó có 32 người đạt yêu cầu và nộp hồ sơ về Trung tâm Lao động ngoài nước.  

 Bên cạnh đó, ngành Lao động - TBXH còn tăng cường năng lực hoạt động của Sàn giao dịch việc làm bằng việc tăng tần suất phiên giao dịch việc làm từ 01 phiên tháng lên 2 phiên/ tháng; đặt 02 văn phòng tư vấn, tuyển dụng, tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp; tư vấn, tao nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các huyện: Ea Kar, Thị xã Buôn Hồ, góp phần đáng kể vào kết quả công tác của Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh trong năm 2017, là: Tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho 26.845 người, giới thiệu việc làm cho 11.730 lượt người, Tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm DVVL tỉnh, có 174 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia, với nhu cầu tuyển dụng 13.200 vị trí việc làm, số lao động đến tham gia 8.178 lượt, số người được tuyển dụng trực tiếp 1.256 lượt người. Số người tra cứu, tìm kiếm, đăng ký thông tin về việc làm trên Cổng thông tin điện tử Trung tâm trong các ngày tổ chức Phiên giao dịch việc làm là 12.342 lượt người.

Đồng thời, Sở Lao động - TBXH còn phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Huyện đoàn và các tổ chức đoàn thể của các huyện tổ chức 05 phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Krông Păk, Ea Kar, Krông Ana, Krông Bông và TP Buôn Ma Thuột, với kết quả đã có 25 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, số lao động đến tham gia tìm kiếm việc làm, học nghề tại các phiên giao dịch việc làm là 1.706 lượt người; Cung cấp thông tin thị trường cho các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động là 16.300 lượt; Hoàn thành cập nhật thông tin cung, cầu lao động năm 2017 và nhập thông tin vào phần mềm quản lý, cụ thể: đã rà soát tổng số 401,6 ngàn hộ gia đình, trong đó có 105 ngàn hộ biến động thông tin (chiếm tỷ lệ là 26,14%) và 296,6 ngàn hộ không biến động thông tin; cập nhật thông tin về lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã phi nông nghiệp tại 1.600 doanh nghiệp, hợp tác xã phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Song song đó, toàn tỉnh  đã tiếp nhận và giải quyết cho 5.100 người nộp hồ sơ giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (trong đó, số người làm việc ở địa phương khác chuyển đến nộp hồ sơ 2.400 người), số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 4.950 người, số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp 60 tỷ đồng; hơn 5.000 người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm, số người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề 110 người.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cả khách quan lẫn chủ quan, như: số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động nhiều, số doanh nghiệp thành lập mới ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhu cầu tuyển lao động ít; hoạt động xuất khẩu lao động còn chậm. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cho tỉnh (Theo Nghị định số 61 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm) chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người lao động.

 Công tác thu thập thông tin cung, cầu lao động trên địa bàn còn gặp nhiều khó do địa bàn rộng, khó tiếp cận doanh nghiệp để lấy thông tin, doanh nghiệp thiếu sự hợp tác và phần lớn doanh nghiệp thuê trụ sở làm việc nên thường xuyên thay đổi địa chỉ. Công tác nhập thông tin biến động về cung, cầu lao động năm 2017 vào phần mềm quản lý gửi về địa phương chậm so với kế hoạch. Các biểu mẫu, sổ sách ghi chép thay đổi so với trước đây, phải in lại mẫu mới nhưng nguồn kinh phí không được hỗ trợ.

Để khắc phục những khó khăn và tồn tại nêu trên, trong năm 2018, Đắk Lắk đặt mục tiêu, kế hoạch và phấn đấu giải quyết việc làm cho 27.800 lao động (trong đó việc làm trong nước 27.100 người, đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng 700 người. Tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho 30.000 lượt người,  giới thiệu việc làm cho 15.500 lượt người; tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm DVVL và phiên giao dịch việc làm lưu động tại các đia phương. Hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 1.700 lao động, với tổng vốn cho vay khoảng 51 tỷ đồng. Phấn đấu duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức 2,7%, hạn chế tối đa tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn (khoảng 1,4%).

Hoàng Cảnh